Việc nổi lên như một trung tâm sản xuất toàn
cầu đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia dần đầu về mức tăng trưởng tài
sản trong thập kỷ qua, Market Watch đánh giá.
Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường New World Wealth, tài sản ở Việt Nam đã tăng 210% trong khoảng thời gian giữa năm 2007 và năm 2017, dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm 200% trong 10 năm tới.
Theo báo cáo tài sản của Knight Frank, phần lớn sự tăng trưởng đó đến từ sự gia tăng tài sản của giới siêu giàu của Việt Nam, những người có tài sản có thể dành cho đầu tư ở mức từ 30 triệu USD, không bao gồm tài sản cá nhân và bất động sản. Việt Nam có ít nhất 200 người được xem là siêu giàu, một sự gia tăng 320% trong khoảng từ năm 2000 đến năm 2016.
Theo Market Watch, Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài. Trong năm 2018, thành phố Đà Nẵng lần đầu tiên được đưa vào danh sách những nơi tốt nhất để sinh sống ở nước ngoài của tạp chí "Live and Invest Overseas".
Và các nhà phân tích cho rằng chi phí lao động thấp và lực lượng lao động có tay nghề cao là chìa khóa giúp Việt Nam đứng đầu chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á, dẫn đến sự gia tăng đáng kể đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cũng theo nghiên cứu trên, Trung Quốc có mức tăng trưởng tài sản cao thứ hai trong 10 năm qua trên thế giới. Số lượng người siêu giàu tại Trung Quốc tăng 281% trong khoảng từ năm 2000 đến năm 2016.