Việt Nam chuyển đổi mã vùng là phù hợp thông lệ quốc tế

VietTimes -- Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết: "Ở các nước trên thế giới, thông thường khoảng 10 - 15 năm lại điều chỉnh quy hoạch kho số của mình để đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển. Việc chuyển đổi mã vùng ở Việt Nam cũng phù hợp với thông lệ ấy của các nước phát triển".
Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet

Cũng tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về Kế hoạch chuyển đổi mã vùng kho số viễn thông do Bộ TT&TT tổ chức, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết thêm: "Việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định để đảm bảo kho số viễn thông được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của thị trường, công nghệ… trong từng thời kỳ, việc điều chỉnh quy hoạch kho số viễn thông là việc bình thường và cần thiết. (...) Trong thời gian qua, Bộ TT&TT và các doanh nghiệp viễn thông đã có những chuẩn bị tích cực cho công tác chuyển đổi này. Các hệ thống kỹ thuật phục vụ việc chuyển đổi đã được thử nghiệm thực tế”.

Thực tế, xét về lịch sử quy hoạch kho số, Việt Nam xây dựng và ban hành quy hoạch kho số lần đầu năm 2006. Sau đó tiếp tục thực hiện mở cửa, xóa độc quyền doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Vào lúc đó, để tránh gây ảnh hưởng đến người sử dụng trong khi vẫn đảm bảo kho số sử dụng trong vòng 10 năm nên quy hoạch năm 2006 giữ nguyên hiện trạng mã vùng và mã đã tồn tại từ trước.

Trong những năm qua, do việc chia tách và hợp nhất tỉnh/thành phố, độ dài mã vùng của Việt Nam không nhất quán, có tỉnh có mã vùng 3 chữ số, trong khi đó tỉnh khác lại chỉ có 1 hoặc 2 chữ số nên khi gọi đường dài trong nước hoặc gọi từ mạng di động đến số cố định lúc thì quay 10 chữ số, lúc lại quy 11 chữ số dẫn đến dễ nhầm lẫn. Điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Mặt khác, với sự phát triển bùng nổ của thông tin di động trả trước, từ năm 2007 đã bắt đầu sử dụng thêm thuê bao 11 chữ số. Tuy nhiên, do thị hiếu, hầu hết mọi người chuộng dùng thuê bao 10 số hơn nên hiệu quả sử dụng thuê bao 11 số không cao, thậm chí là nguồn phát tán SIM rác, tin nhắn rác. Nhưng xu hướng chung trên thế giới cũng như Việt Nam là thông tin di động tiếp tục bùng nổ và nhu cầu kho số tiếp tục tăng. Điều này đòi hỏi phải điều chỉnh lại quy hoạch kho số.

Để giải quyết bất cập có tính lịch sử cũng như nhu cầu phát triển theo xu thế Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Quy hoạch kho số viễn thông. Việc chuyển đổi mã vùng lần này là một bước trong việc triển khai Quy hoạch kho số viễn thông và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tại Việt Nam, kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định là hoạt động nằm trong Quy hoạch kho số viễn thông theo Thông tư số 22/2014 về Quy hoạch kho số viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền Thông ban hành và có hiệu lực từ 1/3/2015. Quy hoạch này bao gồm cả việc chuyển đổi thuê bao di động từ 11 số xuống thành thuê bao 10 số và chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định.

Cũng theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, kế hoạch này nhằm đảm bảo an toàn mạng lưới viễn thông trước, trong và sau quá trình chuyển đổi; Việc chuyển đổi phải nhanh chóng, thuận tiện cho doanh nghiệp và người sử dụng; Giảm thiểu tối đa việc mất liên lạc có thể xảy ra trước, trong và sau quá trình chuyển đổi, cho phép người dùng quay số song song bằng cả mã vùng cũ và mã vùng mới trong thời gian chuyển đổi, duy trì âm thông báo sau khi chuyển đổi trong một khoảng thời gian hợp lý; Các mã vùng được chuyển đổi theo đúng theo mã vùng đã được quy hoạch tại Quy hoạch kho số viễn thông ban hành kèm theo Thông tư số 22/2014/TT-BTTTT ngày 22/12/2014 của Bộ TT&TT.