Chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định sẽ tác động ra sao?

VietTimes -- Việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định 59 tỉnh, thành với gần 5 triệu thuê bao cố định trên cả nước tuy có ảnh hưởng nhưng tác động của việc chuyển đổi không lớn, mà còn đem đến lợi ích cho người tiêu dùng và quốc gia.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông thì tổng lưu lượng của các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và quốc tế vào số cố định Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng lưu lượng viễn thông Việt Nam. Như vậy, tác động thực sự tới các cuộc gọi không nhiều, hơn nữa tác động này cũng chỉ kéo dài trong khoảng thời gian, khi người sử dụng quen với mã vùng mới thì không còn ảnh hưởng nữa.

Nói cách khác khi thay đổi mã vùng tuy có ảnh hưởng nhưng tác động rất nhỏ, đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở khối cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.

Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân cũng chịu sự tác động là có thể phải làm lại các sản phẩm có gắn với mã vùng (ví dụ: card visit, bao bì, biển quảng cáo,…), phải sửa đổi lại mã vùng cho các số đã lưu giữ trong điện thoại di động.

Ngược lại, theo Bộ TT&TT, việc điều chỉnh mã vùng không chỉ đảm bảo kho số viễn thông được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của thị trường, công nghệ,…  mà còn mang lại một số lợi ích cho người tiêu dùng. Người dân sẽ được hưởng lợi vì các cuộc gọi trong cùng mã vùng chỉ phải trả cước phí nội hạt, thay vì liên tỉnh như hiện nay.

Với việc chuyển đổi các mã vùng điện thoại cố định từ 7 đầu số (từ 2 đến 8) như hiện nay về chỉ còn đầu 2, kho số quốc gia sẽ thu lại được nhiều đầu mã để chuyển thuê bao di động từ 11 chữ số về thống nhất là 10 chữ số, góp phần hạn chế SIM rác, tin nhắn rác, vốn chủ yếu xuất phát từ thuê bao di động 11 chữ số trong thời gian qua.

Ngoài ra, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho rằng: “Khi Bộ TT&TT thống nhất phương án và thời điểm thay đổi mã vùng điện thoại cố định thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải thông báo trước 60 ngày đến các thuê bao trên phương tiện thông tin đại chúng và cho phép gọi đồng thời cách cũ và cách mới trong vòng 60 ngày. Điều này sẽ giảm thiểu ảnh hưởng cho khách hàng trong quá trình diễn ra thay đổi”.

Cục Viễn thông cho biết, hiện nay phần lớn kho số được sử dụng cho thuê bao điện thoại cố định, rất ít còn lại cho thuê bao di động, trong khi số thuê bao di động đang chiếm khoảng 95% tổng số thuê bao điện thoại của Việt Nam. Như vậy, hiệu quả sử dụng kho số chưa cao. Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, đây là xu hướng chung trên thế giới khi mà dịch vụ điện thoại cố định suy giảm mạnh và người dùng chuyển sang sử dụng di động là chính.