Video: Zubr “bò rừng”, tàu đổ bộ nhanh nhất thế giới

VietTimes -- Tàu đổ bộ đệm khí Zubr là chiếc tàu đổ bộ chạy nhanh nhất thế giới và có khả năng mang được một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ mạnh. Đây thực sự là phương tiện quan trọng của Hải quân Xô viết – Nga.
 Video: Zubr “bò rừng”, tàu đổ bộ nhanh nhất thế giới

Năm 1988, tàu đổ bộ trên đệm khí lớp Zubr dự án 12322 chính thức được chuyển giao vào biên chế của lực lượng hải quân Xô viết, kết tinh toàn bộ kinh nghiệm chế tạo các tàu đổ bộ của Trung tâm thiết kế trang thiết bị Hải quân Almaz.

Loại tàu đổ bộ lưỡng dụng còn được Phương Tây gọi dưới cái tên Pomornik. 

Với việc chính thức được đưa vào trang bị, bò rừng “Zubr” trở thành  chiến hạm chạy nhanh nhất trên thế giới. Giới hạn tốc độ của nó không ai đoán được, kể cả các nhà thiết kế - chế tạo. Trong các cuộc hành trình thử nghiệm tàu đạt đến tốc độ 70 hải lý/h và đấy không phải là giới hạn cuối cùng.

Về thiết kế, tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr có thân tàu dạng góc vuông, là phần chính mang theo các trang thiết bị.

Phần sàn tàu có vách ngăn chia thành 3 khoang chính: (1) Khoang giữa là khoang chứa lực lượng đổ bộ và trang thiết bị vận tải; (2) Khoang cuối thân tàu là khoang động lực, bao gồm các động cơ chính và các động cơ phụ trợ, trang thiết bị bảo vệ và chống vũ khí hủy diệt lớn, đồng thời là hệ thống trang thiết bị đảm bảo duy trì sự sống và các hoạt động trên tàu; (3) Khoang ở mũi tàu có khoang riêng dành cho thủy thủ đoàn, các phân đội lính thủy đánh bộ cơ động trên tàu, để duy trì mọi hoạt động công tác và sinh hoạt cũng như nghỉ ngơi, trên tàu được trang bị hệ thống thông gió, làm mát và cách âm.

Cơ chế tiếp nhận và đổ bộ binh lực, vũ khí trang bị lên - xuống tàu được thực hiện thông qua hai cửa lật, kiêm sàn cầu ở đuôi và mũi tàu.

Tàu đệm không khí không có bộ phận neo, các tấm đệm mềm vách ngăn không khí đóng vai trò neo đậu khi ở trạng thái không hoạt động sẽ buông rủ xuống và tàu sẽ đậu tại chỗ.

Khi động cơ hoạt động, các tấm đệm vách không khí mềm sẽ được nhấc lên bằng sức ép không khí lên đến 6m so với mặt đất dựa vào lực đẩy của không khí bị nén dưới đáy thân tàu. Khi 3 động cơ cánh quạt đẩy hoạt động đồng thời với hoạt động của bánh lái gió, tàu có thể chạy với tốc độ rất cao.

Một trong những vị trí thú vị nhất của tàu là buồng lái và trung tâm chỉ huy tàu. không có bánh lái như các tàu thông thường khác, trên tàu lắp bộ phận điều khiển kiểu máy bay, bản thân người lái tàu cũng được gọi là Phi công, và chỉ có 1 người lái.

Tên gọi phi công của người lái có thể nêu lên đặc điểm đặc biệt của điều khiển tàu đệm khí. Do tính cơ động của tàu rất cao đòi hỏi người lái phải có rất nhiều kinh nghiệm và phản ứng nhanh nhạy, chính xác nhằm đảm bảo an toàn cho hải trình.

Từ trung tâm chỉ huy tàu có 5 màn hình TV và các display, các thiết bị điện tử kiểm soát và thông báo mọi hoạt động của bộ phận chuyển động, động cơ nâng và động cơ đẩy thân tàu, trạm nguồn và các trang thiết bị phụ trợ khác.

Một trong những thành tựu nổi bật của tàu đệm khí Zubr (Bò rừng) là tốc độ hải hành rất cao, khả năng vận tải lớn và khả năng cơ động trên mặt nước cũng như trên cạn. Theo khẳng định của các chuyên gia hàng hải, Zubr đã đi trước thời gian rất nhiều năm.

Thực tế các cuộc diễn tập thực binh cho thấy, Zubr thật sự là một mẫu tàu đổ bộ quan trọng trong các hoạt động tác chiến ven bờ và hải đảo, với tốc độ siêu cao, Zubr có thể nhanh chóng tiếp cận khu vực cần đánh chiếm trên một hải trình dài.

N.S