Video tên lửa diệt hạm Harpoon của Mỹ nâng tầm bắn sau 45 năm

Hãng Boeing mới đây cho biết loại tên lửa diệt hạm Harpoon Block II+ sẽ được lắp đặt trên các máy bay F/A-18E/F Super Hornet của hải quân vào tháng 6 - 8.2017, tầm bắn tăng gấp đôi so với loại Harpoon đang sử dụng 45 năm nay.
Tiêm kích F/A-18 Hải quân Mỹ thử tên lửa Harpoon Block II+ ở California, tháng 11.2015 - Ảnh: Hải quân Mỹ
Tiêm kích F/A-18 Hải quân Mỹ thử tên lửa Harpoon Block II+ ở California, tháng 11.2015 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Theo FlightGlobal, tên lửa Harpoon bản nâng cấp (gọi là  Block II+) đáp ứng yêu cầu của Hải quân Mỹ về tầm bắn khi thế giới có nhiều loại tên lửa diệt hạm bắn xa hơn Harpoon hiện tại của Mỹ (chỉ 124 km). Loại Harpoon Block II+ có tầm bắn đến 248 km, trang bị radar mảng pha chủ động, hệ thống định vị vệ tinh GPS và hệ thống dẫn đường quán tính. Giá mỗi quả không rẻ: khoảng 1,2 triệu USD.

Harpoon Block II+ cũng là câu trả lời của Boeing với loại tên lửa diệt hạm NSM do Kongsberg (Na Uy) kết hợp với Raytheon (Mỹ) phát triển, có tầm bắn xa 200 km vừa thử nghiệm cho tàu tác chiến cận bờ (LCS) Coronado hồi năm 2014, khi loại tàu này bị chê có hoả lực yếu.

Harpoon là loại tên lửa diệt hạm do McDonnell Douglas (nay thuộc Boeing) nghiên cứu phát triển từ năm 1965, ban đầu nhằm tiêu diệt tàu ngầm khi nổi lên, tầm bắn lúc đó khoảng 45 km. Harpoon là tên gọi của loại vũ khí săn cá voi, và cá voi chính là tiếng lóng của hải quân Mỹ chỉ tàu ngầm Liên Xô.

Tuy nhiên việc nghiên cứu phát triển Harpoon tiến triển chậm chạp, và cho đến khi nổ ra cuộc chiến 6 ngày (năm 1967) giữa Israel và Ai Cập. Khi đó lần đầu tiên tàu tên lửa cỡ nhỏ của Ai Cập do Liên Xô cung cấp đã bắn 1 tên lửa diệt hạm loại Styx đánh chìm khu trục hạm INS Eilat của Israel từ khoảng cách 26 km. Đó cũng là tàu chiến đầu tiên trong lịch sử bị tên lửa diệt hạm bắn chìm.

Vụ việc này khiến Hải quân Mỹ bị sốc vào thời gian chiến tranh Lạnh đang ở mức cao, và khiến Mỹ báo động về ưu thế vũ khí diệt hạm của Liên Xô. Năm 1970, đô đốc Elmo Zumwalt, khi đó là tư lệnh hải quân Mỹ, ra lệnh đẩy nhanh chương trình chế tạo Harpoon với mục tiêu có thể bắn tên lửa này từ tàu chiến và từ máy bay.

Tháng 12.1971, tên lửa Harpoon thử nghiệm bắn chìm một tàu chiến lần đầu tiên, và đến năm 1977 được sản xuất hàng loạt. Harpoon là tên lửa hành trình diệt hạm, có tầm bay thấp, trang bị radar, tốc độ gần 900 km/giờ, tầm bắn tối đa 124 km. Loại tên lửa diệt hạm này có thể phóng đi từ giàn phóng đặt trên tàu chiến, từ máy bay, giàn phóng trên bộ và từ tàu ngầm.

Video tên lửa diệt hạm Harpoon của Mỹ nâng tầm bắn sau 45 năm ảnh 1

Tiêm kích F-16 trang bị tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon đời đầu, ảnh chụp tháng 5.1992 - Ảnh: Không lực Mỹ

Video tên lửa diệt hạm Harpoon của Mỹ nâng tầm bắn sau 45 năm ảnh 2

Còn đây là tên lửa diệt hạm NSM của Kongsberg-Raytheon thử nghiệm trên tàu tác chiến cận bờ USS Coronado (LCS 4) ở California tháng 9.2014, tầm bắn 200 km - Ảnh: Hải quân Mỹ

Ngày nay Harpoon được trang bị cho quân đội Mỹ và hơn 30 nước trên thế giới, số lượng đã sản xuất khoảng 7.500 quả. Tại Đông Nam Á, hải quân và không quân Singapore, Thái Lan, Malaysia có trang bị tên lửa Harpoon.

Liên Xô cũng có hệ thống tên lửa diệt hạm tương tự là Uran, bắn tên lửa Kh-35, tầm bắn 130 km. Thậm chí nhiều chuyên gia phương Tây cho hay loại này giống hệt Harpoon nên đặt cho biệt danh là Harpoonski!

Boeing cho biết loại Harpoon nâng cấp Block II+ với tầm bắn xa gấp đôi còn được tích hợp với máy bay tuần tra biển và săn ngầm P-8A Poseidon, dự kiến từ năm 2021.

Video tên lửa diệt hạm Harpoon của Mỹ nâng tầm bắn sau 45 năm ảnh 3

Tuần dương hạm USS Shiloh (CG 67) của Hải quân Mỹ phóng tên lửa diệt hạm Harpoon trong một cuộc tập trận gần Guam ngày 15.9.2014 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Video tên lửa diệt hạm Harpoon của Mỹ nâng tầm bắn sau 45 năm ảnh 4

Tàu tên lửa Molniya của Việt Nam đóng, trang bị 16 tên lửa hành trình diệt hạm Kh-35 Uran, tầm bắn 130 km - Ảnh: Mai Thanh Hải

Boeing còn thuyết phục các nước bỏ tiền nâng cấp tên lửa Harpoon cũ lên thành tên lửa Block II+ mới với tầm bắn gấp đôi, giá nâng cấp cỡ 600.000 USD/quả, chỉ bằng nửa giá bán tên lửa. Dự kiến đến đầu năm 2018 thì việc nâng cấp mới có thể bắt đầu.

Theo tạp chí The Motley Fool, giả sử thế giới còn tồn kho 5.000 quả Harpoon cũ, thì Boeing có thể thu được 3 tỉ USD cho việc nâng cấp này trước khi bán ra tên lửa Harpoon hoàn toàn mới.

Xem clip giới thiệu tên lửa diệt hạm Harpoon từ lúc ra mắt đến nay (nguồn: Boeing):

Nhập mô tả video

Theo Thanh Niên