“Vành đai và con đường” của Trung Quốc tê liệt vì dịch Covid-19

Sáng kiến trị giá hàng ngàn tỉ đô-la Mỹ giúp Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu, nay không chỉ là nạn nhân của dịch bệnh mà còn là một trong những tác nhân thúc đẩy dịch bệnh lây lan.
Các chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng phụ thuộc và Trung Quốc, vì vậy khi các thành phố Trung Quốc bị phong tỏa, nhiều nhà máy đã phải đóng cửa. Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images.
Các chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng phụ thuộc và Trung Quốc, vì vậy khi các thành phố Trung Quốc bị phong tỏa, nhiều nhà máy đã phải đóng cửa. Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images.

Từ năm 2013, dự án “Vành đai và con đường” - hệ thống các hành lang kinh tế đất liền và biển đảo - đã kết nối Trung Quốc với 137 quốc gia và lãnh thổ, đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa, vật liệu và nhân lực của Trung Quốc trên toàn thế giới. 

“Sáng kiến Vành đai và con đường - chương trình trị giá hàng ngàn tỉ đô-la Mỹ để mở rộng thương mại và hạ tầng Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đã góp phần biến một bệnh dịch địa phương trở thành một vấn nạn toàn cầu,” Laurie Garrett, chuyên gia nghiên cứu dịch bệnh toàn cầu và ngăn ngừa dịch bệnh nhận định. 

Lúc này đây dịch bệnh đang được kiểm soát chặt chẽ hơn tại Trung Quốc, đồng nghĩa dự án “Vành đai và con đường” đã bị tạm dừng ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Mọi hoạt động tại hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan đã rơi vào trạng thái đóng băng, trong khi đặc khu kinh tế Sihanoukville tại Campuchia cũng lâm vào tình trạng tương tư. Nhà máy nhiệt than Payra tại Bangladesh đã ngưng hoạt động, hàng loạt các dự án khác tại Indonesia, Malaysia và Myanmar cũng không ngoại lệ. 

“Tôi đã nói chuyện với hàng trăm doanh nghiệp trong vài tuần gần đây, các chuỗi cung đều đang bị đứt gãy,” Mark Tanner, nhà sáng lập công ty nghiên cứu China Skinny cho biết. “Dịch bệnh ảnh hưởng đến việc sản xuất hàng hóa, xuất khẩu hàng qua Trung Quốc, thậm chí tác động tới các hoạt động giao nhận thương mại điện tử, nơi hầu hết hàng hóa đều đang mắc kẹt trong các kho hàng hoặc trên đường vận chuyển,” ông bổ sung thêm. 

Các chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng phụ thuộc và Trung Quốc, vì vậy khi các thành phố Trung Quốc bị phong tỏa, nhiều nhà máy đã phải đóng cửa. Các dự án quan trọng của Vành đai và con đường theo đó phải trì hoãn vì không có đủ nguồn cung từ Trung Quốc, trong số đó có đường tàu cao tốc Bandung tại Indonesia lấy 1/2 nguồn cung vật liệu của mình từ Trung Quốc. 

Thách thức lớn nhất mà dịch bệnh gây ra cho “Vành đai con đường” là hàng ngàn lao động vẫn đang mắc kẹt tại Trung Quốc, không thể quay trở lại quốc gia mình đang công tác vì bị cách ly sau Tết. 

Việc thi công xây dựng một con đập 510 megawatt tại rừng nhiệt đới Batang Toru ở Indonesia đang phải tạm dừng vì thiếu nhân lực Trung Quốc khi chính phủ Indonesia vẫn đang cấm máy bay từ Trung Quốc hạ cánh. Các dự án khai thác nikel và cobalt do các tập đoàn Tsingshan, GEM và Zhejiang Huayou Cobalt với tổng trị giá lên tới 11 tỉ USD cũng bị đứt gãy vì vi-rút corona. 

Tuy vậy tác động thực sự của dịch bệnh đến nay vẫn chưa xác định. Đập Batang Toru có thể bị chậm tiến độ xây dựng. Ngân hàng Indonesia đưa ra dự đoán dịch Covid-19 có thể thổi bay 0,1% GDP nước này, trong khi bộ Du lịch Indonesia ước tính thiệt hại ngành này phải hứng chịu lên tới 4 tỉ USD khi lượng du khách Trung Quốc suy giảm.

Dịch bệnh vẫn chỉ là yếu tố tác động ngắn hạn và chưa thể được xem là cú hích khiến các doanh nghiệp rời ngay khỏi Trung Quốc. Tuy vậy có một sự thật không thể chối bỏ: “Chúng ta di chuyển càng xa, tương tác với nhau càng nhiều thì sẽ càng trở nên dễ tổn thương. Trong thế giới hiện đại, việc có thể giao tiếp, liên kết với nhau trong thời gian ngắn có thể trở thành gót chân Achilles của tất cả chúng ta,” Peter Frankopan, giáo sư ngành Lịch sử thế giới của đại học Oxford nhận định.

Tuy vậy ông vẫn ghi nhận những lợi thế mà xã hội siêu kết nối mang lại: “Thông tin sẽ lan truyền nhanh và hiệu quả hơn, và giải pháp xử lý dịch bệnh cũng sẽ sớm xuất hiện khi Covid-19 trở thành mối bận tâm hàng đầu của thế giới,” Frankopan nói.

Theo Forbes VN