Theo báo Malaysia, Sin Chew Daily (Tân Châu Nhật báo), ngày 23/10, Bộ Nội vụ Malaysia đã xác định cuốn truyện tranh (comic) có tên gọi Belt & Road Initiative For Win-Winism (Vành đai, con đường cùng có lợi, cùng thắng lợi) với ba phiên bản tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và Mã Lai là sách cấm.
Ngày 23/10, Bộ Nội vụ Malaysia đã ra tuyên bố nêu rõ, chính phủ ban hành lệnh cấm cuốn sách này căn cứ Pháp lệnh xuất bản và In ấn năm 1984. Theo đó, nghiêm cấm in ấn tại Malaysia, nhập khẩu, sản xuất, in lại, xuất bản, bán, giới thiệu, làm đại lý phân phối hoặc sở hữu cuốn truyện tranh nói trên.
Ông Khưu Quang Diệu, tác giả cuốn sách, người có tư tưởng trái ngược với quan điểm của chính phủ Malaysia về vấn đề Biển Đông
|
Tuyên bố của Bộ Nội vụ Malaysia nhấn mạnh, bất cứ ai in ấn, nhập khẩu, sản xuất, in lại, xuất bản, bán, giới thiệu, làm đại lý phân phối hoặc sở hữu cuốn truyện tranh nói trên hoặc có ý định làm điều đó, đều bị coi là vi phạm Pháp lệnh nêu trên. Nếu bị kết luận có tội có thể bị phạt tù tới 3 năm hoặc phạt tiền tới 20.000 RM (1 RM (ringgit) tương đương 0,238 USD) hoặc vừa bị phạt tù vừa phạt tiền.
Tuyên bố nhấn mạnh, chính phủ đã phát hiện nội dung cuốn truyện tranh có thể phá hoại an ninh công cộng và sự bình yên của công chúng, gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến suy nghĩ của dân chúng; các hình thái ý thức khác lạ được đưa vào sách có thể khơi gợi người đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ, nghi ngờ về lịch sử của Malaysia.
Bộ Nội vụ Malaysia cũng cho rằng việc xuất bản ấn phẩm truyện tranh đã không xem xét đến người dân Malaysia, đặc biệt là sự nhạy cảm của xã hội đa chủng tộc, thậm chí đáng lo ngại hơn là có thể phá hoại sự đoàn kết quốc gia, sự hài hòa xã hội và gây nên sự chia rẽ.
Hình ảnh các ông Mahathir Mohamad và Tập Cận Bình được ông Khưu Quang Diệu sử dụng trong sách
|
Tờ Straits Times của Singapore dẫn lời ông Khâu Quang Diệu (Qiu Guangyao hay Hew Kwan Yao) cựu lãnh tụ của Đảng Hành động Dân chủ Malaysia và là tác giả cuốn truyện tranh này nói rằng ông “chỉ muốn nói về mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Trung Quốc - Malaysia và triển vọng phát triển tương lai trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai, con đường”.
Tờ South China Morning Post của Hồng Kông viết, mặc dù Malaysia đang là một bên tranh chấp trên Biển Đông, nhưng Khâu Quang Diệu tác giả cuốn truyện tranh lại viết trên trang Facebook về chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông, sau đó ông ta đã buộc phải từ chức Giám đốc điều hành (CEO) của Tổng hội thương gia Malaysia – Trung Quốc.
Được biết, sau khi xảy ra thay đổi chính phủ Malaysia tháng 5 năm 2018, Liên minh Hy vọng (Pakatan Harapan) lên cầm quyền đã đóng băng các dự án của Trung Quốc trong sáng kiến “Vành đai, con đường” tại Malaysia.
Vào hôm thứ Năm (17/10), Bộ trưởng Giáo dục Malaysia Mã Trí Lễ (Ma Zhili) cũng đã ra lệnh cấm các trường học nhận hoặc phân phát cuốn sách này. Ông nói, nhà trường là một tổ chức trung lập và không nên trở thành nơi tuyên truyền chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Tan Sri Muhyiddin Yassin thì cho rằng cuốn sách này “đã vượt quá giới hạn chính trị”. Được biết, Malaysia đang tiến hành điều tra việc đưa cuốn truyện tranh này vào các trường học; có thể sẽ có thêm các quan chức bị xử lý vì liên đới đến vụ việc.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Tan Sri Muhyiddin: cuốn sách của Khưu Quang Diệu “đã vượt quá giới hạn chính trị”
|
Cuốn truyện do chính trị gia gốc Trung Quốc Khưu Quang Diệu sáng tác. Trước đây ông Khưu đã tuyên bố, đây là truyện tranh chủ đề “Vành đai, con đường” đầu tiên trên thế giới với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “Nhân vật nam số 1”. Nội dung cuốn sách tuyên truyền rất nhiều về “Giấc mộng Trung Hoa”. Trong sách cũng phỉ báng Tổng thống Mỹ Donald Trump, cáo buộc những người Uighur Tân Cương ly khai “đe dọa sự đoàn kết và hòa hợp xã hội”... những nội dung giống như các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc thường tuyên truyền.
Cuốn sách này được giới thiệu từ hôm 2 tháng 6, được Trung Quốc rất hoan nghênh. Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Penang Lỗ Thế Ngụy (Lu Shiwei) đã đến dự lễ ra mắt cuốn sách và phát biểu chào mừng và nhấn mạnh rằng cuốn sách là món quà được Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tặng Chủ tịch Tập Cận Bình nhân 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Malaysia – Trung Quốc.
Nhưng tuyên bố này đã bị bác bỏ. Ngày 18/10, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Malaysia đã ra một tuyên bố nói ông Mahathir Mohamad không biết gì về cuốn truyện tranh và không cho phép tác giả sử dụng hình ảnh của ông, càng không có chuyện ông tặng nó cho ông Tập Cận Bình. Hôm 21/10, khi ông Mahathir tham dự “Đại hội người Malaysia vượt qua năm 2020” đã bác bỏ hình thái ý thức mà Trung Quốc truyền bá.
Ông Khưu Quang Diệu, 49 tuổi, từng là lãnh tụ của Đảng Hành động Dân chủ Malaysia. Ba năm trước, khi diễn ra vụ kiện trọng tài Biển Đông, ông ta phát biểu “Biển Đông là của Trung Quốc” và hô hào “đừng đấu tranh chống Trung Quốc” gây tranh cãi mạnh mẽ trong xã hội, khiến ông Khưu buộc phải tuyên bố rút khỏi đảng. Sau đó ông là Giám đốc điều hành của Tổng hội Thương gia Malaysia – Trung Quốc. Ngày 24/10, do ảnh hưởng bởi sự cố cuốn truyện tranh, ông đã tuyên bố từ chức và đóng tài khoản Facebook quảng cáo cho cuốn truyện tranh này. Tuy nhiên, vẫn khó có thể ngăn chặn những lời chỉ trích của dân chúng về cuốn truyện.
Một số nội dung được cho là xuyên tạc lịch sử trong cuốn truyện tranh
|
Trước đó, ngày 20/10 chính phủ Malaysia đã ra quyết định cấm chiếu bộ phim hoạt hình Abominable của Hãng Universial ở Malaysia sau khi nhà phân phối phim này ngày từ chối cắt bỏ cảnh “Đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc được thể hiện trong tấm bản đồ biển Đông trên phim.
Chủ tịch Hội đồng kiểm duyệt phim ảnh Malaysia, ông Mohamad Zamberi Abdul Aziz nói, bộ phim dự kiến sẽ được chiếu ra mắt ở Malaysia vào ngày 7/11 tới chỉ có thể được trình chiếu “với điều kiện tấm bản đồ gây tranh cãi phải được gỡ bỏ”.
Bộ phim Abominable là sản phẩm hợp tác giữa DreamWorks (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc). Trước đó, Việt Nam và Philippines cũng quyết định đưa bộ phim này ra khỏi các rạp cũng vì phim có cảnh “Đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc trong bản đồ Biển Đông.
Theo Đa Chiều, Sin Chew