Mặc dù đã phát ra một số tín hiệu tích cực, thương chiến Mỹ - Trung vẫn đang âm ỉ với những động thái “tấn công – đáp trả” của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo CNBC, nhà Trắng được cho là đang có những động thái nhằm hạn chế dỏng chảy đô la Mỹ vào Trung Quốc, điển hình với việc hủy bỏ chứng khoán Trung Quốc tại Mỹ. Trước bối cảnh đó, ANZ mới đây đã đưa ra dự đoán Trung Quốc đang lên kế hoạch đa dạng hóa tài sản dự trữ ngoại hối của mình bằng các đồng tiền khác.
“Mặc dù USD vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trong dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, tốc độ đa dạng hóa các đồng ngoại tệ khác của nước này trong danh mục dự trữ ngoại hối vẫn đang tăng trưởng nhanh chóng.”
Tỷ trọng dự trữ ngoại hối bằng USD của Mỹ ở Trung Quốc đã giảm còn quanh mức 59% tại tháng 6. CNBC tin rằng Trung Quốc đang tập trung gia tăng ngoại hối bằng các đồng Bảng Anh, Yên Nhật và Euro.
Ngoài động thái đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, Bắc Kinh cũng đang có động thải giảm bớt tỷ lệ sở hữu trái phiếu Mỹ. Tháng 6/2019, số liệu từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy Trung Quốc đã nắm giữ 1.110 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ. Giảm 88 tỷ USD so với thời đỉnh điểm trong năm 2018.
Động thái giảm bớt tỷ lệ sở hữu trái phiếu Kho bạc Mỹ đã khiến quốc gia này phải nhường lại vị trí chủ nợ lớn nhất của Mỹ cho Nhật Bản (với 1,2 nghìn tỷ USD trái phiếu).
Cũng trong bối cảnh đó, Bắc Kinh đã bắt đầu động thái tăng dự trữ vàng. Tháng 10/2019, lượng vàng dự trữ của Trung Quốc đã đạt đến con số kỷ lục 1.957 tấn.
Những khoản nợ bằng USD
Trong khi chính phủ Trung Quốc là chủ nợ lớn của Mỹ, thì các doanh nghiệp nước này lại đang gánh những khoản nợ khổng lồ bằng đồng đô la Mỹ.
Nhà phân tích kinh tế Paul Hsiao của Pinebridge Investment chia sẻ với CNBC các doanh nghiệp Trung Quốc đang có những khoản nợ nước ngoài lên tới 500 tỷ USD. "Phần lớn trong số đó (nợ nước ngoài) là những khoản nợ bằng đô la Mỹ. Đây có thể xem là một vấn đề đối với các doanh nghiệp Trung Quốc".
Theo lý lẽ của ông Paul, đồng đô la Mỹ đã tăng giá đáng kể so với đồng Nhân dân tệ dưới tác động của thương chiến Mỹ Trung, điều này đã tạo áp lực cho các doanh nghiệp Trung Quốc phải bán bớt tài sản của mình (khi mà phần lớn các khoản nợ của họ là đô la Mỹ).
Ông Paul cho rằng việc đa dạng hóa ngoại tệ dự trữ sẽ giúp Trung Quốc mở rộng mối quan hệ thương mại sang các quốc gia khác ngoài Mỹ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang nỗ lực giảm bớt rủi ro từ đồng bạc xanh bằng cách xây dựng những tài sản dự trữ khác. Những tài sản này được hãng ANZ mô tả với cái tên “shadow reserves” – “dự trữ ngầm”.
Theo đó Trung quốc đang tăng cường mua cổ phần và phát hành khoản vay thông qua ngân hàng quốc doanh, đặc biệt là những sáng kiến Vành đai – con đường. Quốc gia này thực hiện các khoản đầu tư thông qua các ngân hàng, công ty trong nước và các quỹ đầu tư liên kết đa quốc gia.
Cơ quan quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc (SAFE) hiện đang quản lý 4 quỹ đầu tư vào Singapore, Anh (London), Mỹ (New York), và Hong Kong. Những quỹ đầu tư này liên kết với các tổ chức nước ngoài khác để đầu tư vào cổ phiếu.
Bên cạnh đó nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng đang tiếp tục gia tăng cổ phần của mình tại các quỹ đầu tư liên kết với nước ngoài thông qua việc rót thêm vốn, gia tăng các khoản vay cho các ngân hàng nội địa, rồi sau đó hoán đổi các khoản vay thành cổ phần. Có thể kể đến những quỹ đầu tư ra đời với mục đích phát triển ở khu vực Châu Phi, Mỹ Latinh và Caribbean.
Theo tính toán của ANZ, những tài sản "dự trữ ngầm" này của Trung Quốc đã đạt đến mức kỷ lục là 1,8 nghìn tỷ vào tháng 6/2019. Tính đến tháng 7 năm nay, tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc ở mức khoảng 3,1 nghìn tỉ USD.
Tăng cường vai trò của đồng Nhân dân tệ
Thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, có đến 58% tổng dự trữ ngoại hối trên thế giới là bằng USD, và 40% khoản nợ thế giới cũng là bằng đồng tiền này. Tuy nhiên, không chỉ Trung Quốc, những nền kinh tế lớn khác của thế giới cũng đang có những động thái nhằm đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ.
Trong một email gửi đến CNBC, Kinh tế trưởng của APAC của S&P Global Ratings đã phát biểu rằng: “Hệ thống tài chính toàn cầu bao gồm những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, khu vực đồng Euro đã sẵn sàng cho việc đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình.”
Đối với Trung Quốc, tín hiệu này cho thấy đồng nhân dân tệ sẽ có cơ hội đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu, giúp quốc gia này giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong tương lai. Bản thân nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang nỗ lực để đồng nhân dân tệ được sử dụng rộng rãi hơn./.