Theo Financial Times của Anh ngày 23/12, ông Adam Boehler, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (US International Development Finance Corporation, DFC), lên tiếng cho rằng: do “gánh nặng nợ nần quá lớn, cơ sở hạ tầng lạc hậu, nạn hối lộ và thiếu minh bạch”, đầu tư quốc tế của Trung Quốc “100%" giống như một ngôi nhà bằng giấy.
Ông nói: “Bạn có thể thấy Trung Quốc lôi kéo được một loạt các quốc gia mới nổi ... sẽ ngày càng có nhiều vết nứt và sau đó tấm kính sẽ vỡ thành các mảnh vụn”.
Adam Boehler từng là quan chức và người điều hành y tế của Hoa Kỳ, đã trở thành người đứng đầu DFC vào cuối năm nay. Trước đây, DFC đã nhận được một khoản tiền lớn từ Quốc hội Hoa Kỳ, tăng gấp đôi quỹ chiến tranh của mình lên mức tối đa 60 tỷ USD và được phép đầu tư vào cổ phiếu.
“Công việc của chúng tôi không phải là xây dựng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ”, ông Adam Boehler nói, “nhưng chúng tôi hợp tác chặt chẽ với Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Cơ quan Phát triển Quốc tế và Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ để lắng nghe ý kiến của chính phủ Hoa Kỳ khi giải quyết vấn đề. Chúng tôi biết Trung Quốc đang làm gì, nhưng đó không phải là phản ứng với Trung Quốc ... đó là hành vi tiến công, không phải phòng thủ”.
Hiện đã có 167 quốc gia và tổ chức quốc tế đã ký 198 văn bản hợp tác với Trung Quốc để xây dựng “Vành đai, con đường”.
|
DFC trước đây được gọi là Tổng công ty Đầu tư Tư nhân Hải ngoại (Overseas Private Investment Corporation, OPIC). Mặc dù DFC không loại trừ đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền thống như cảng biển, đường cao tốc và cầu cống, nhưng ngày càng tìm cách cạnh tranh với Trung Quốc để tài trợ cho các công nghệ tiên tiến trong đó có mạng 5G, bao gồm xây dựng mạng lưới và tham gia đấu giá tần số.
Ông nói: “Không nhất thiết là Hoa Kỳ, không nhất thiết phải là công ty của Hoa Kỳ. Nhưng chúng tôi rất quan tâm đến tính bảo mật của dữ liệu”.
DFC cũng là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn các quốc gia sử dụng công nghệ của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei. Ông Adam Boehler nói rằng câu trả lời cho câu hỏi về vấn đề của Huawei không phải là “chỉ cần không mua Huawei là ổn, mà là một phương án thay thế khả thi và hiệu quả”.
Mặc dù nhiều người ở Washington lo lắng rằng Hoa Kỳ đang phải ngày càng vất vả thuyết phục các nước từ chối tham gia xây dựng mạng 5G của Huawei, nhưng ông Adam Boehler vẫn lạc quan. Boehler cho biết ông thấy rằng các chính phủ “ngày càng thông minh hơn” trong các vấn đề này, “gió đang đổi chiều”, “đã thấy ngày càng có nhiều người nói không (với Huawei)”.
Adam Boehler gọi đầu tư của Trung Quốc là một loại “độc dược”, nhưng theo ông ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ nghi ngờ về tính liên tục của khoản nợ đầu tư Trung Quốc.
Ông nói: “Tôi cho rằng mọi người rất thận trọng về điều này”, “bây giờ nhiều người trên thị trường lo lắng về tác dụng đòn bẩy quá mức của Trung Quốc, điều này rất nghiêm trọng”.
Adam Boehler bày tỏ hoài nghi về việc DFC có thể hợp tác với Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (Asian Investment Infrastructure Bank) được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ, trừ khi có sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Trung Quốc.
Cảng biển Gwadar ở Nam Pakistan một công trình trọng điểm trong chiến lược “Vành đai, con đường” được Trung Quốc đầu tư xây dựng.
|
“Với những lo ngại của chúng tôi về tính minh bạch, luật pháp và ảnh hưởng to lớn của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á, chúng tôi rất khó hợp tác với họ”, ông nói.
Hôm 6/12, theo giờ Bắc Kinh, ông Chử Sĩ Gia (Chu Shijia), Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, hiện đã có 167 quốc gia và tổ chức quốc tế đã ký 198 văn bản hợp tác với Trung Quốc để xây dựng “Vành đai, con đường”.
Trong khi đó, Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc ra ngày 23/12 đã đăng một bài nói, sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc đã giúp thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ. Dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc, “có thể thực hiện một thế giới tốt đẹp hơn”.
Theo bài báo, năm 2019 này, trong khuôn khổ “Vành đai, con đường”, các dự án hợp tác đã bắt đầu có kết quả, nhiều lĩnh vực hợp tác đã đạt được bước đột phá và đã có được nhiều thỏa thuận hợp tác hơn. “Vành đai, con đường” đã mở ra không gian mới cho tăng trưởng kinh tế thế giới, tạo ra một nền tảng mới cho thương mại và đầu tư quốc tế và mở ra phương thức mới để hoàn thiện quản trị kinh tế toàn cầu.