Vải thiều Bắc Giang “xuyên Việt” tối đa 48h
Những năm gần đây, 70% sản lượng vải Bắc Giang được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, các thương nhân Trung Quốc không thể nhập cảnh vào vùng vải để thu mua khiến cho vải Bắc Giang có thể rơi vào tình trạng ứ đọng, khó tìm đầu ra.
Trước tình trạng này, sàn thương mại điện tử (TMĐT) Voso.vn của Viettel Post, dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công Thương, đã đưa sản phẩm vải đặc sản Bắc Giang lên sàn vào ngày 28/05 với mục tiêu tiêu thụ 100 tấn vải/ngày.
Vải Bắc Giang sẽ đến tay khách hàng trên toàn quốc chỉ từ 6h - 48h sau thu hoạch |
Để thực hiện mục tiêu này, sàn TMĐT Voso đã lên kế hoạch từ sớm về việc chuẩn bị nguồn hàng cũng như nguồn lực về công nghệ, nhân sự và phương án triển khai trên toàn quốc.
Để có nguồn hàng có sản lượng lớn và chất lượng tốt nhất, Sàn TMĐT Voso đã phối hợp cùng Sở Công Thương Bắc Giang làm việc với các nhà vườn, các hợp tác xã tại các địa phương trên toàn tỉnh để bao tiêu toàn bộ sản lượng. Từ đó, sàn Vỏ Sò sẽ cho phép khách hàng lựa chọn nhận sản phẩm theo ngày (đặt đơn trước khi thu hoạch). Điều này sẽ giúp Vỏ Sò chủ động phương án thu mua, đảm bảo chất lượng sản phẩm (sáng thu hoạch, chiều đến tay khách hàng) và tránh trường hợp ùn ứ khi sản phẩm vào mùa chính vụ.
Song song với đó, tính đến ngày 29/05, sàn TMĐT Vỏ Sò cũng đã hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo và đồng hành cùng 15 bà con nông dân tại Bắc Giang để mỗi hộ gia đình sẽ tạo gian hàng và chủ động đăng bán các sản phẩm trên sàn.
Để đảm bảo sản phẩm đến tay người mua một cách an toàn, ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Viettel Post cho biết: “Vào thời điểm Sơn Lôi, Vĩnh Phúc và Hải Dương bị cách ly, chúng tôi đã có những xe chuyên dụng được khử khuẩn cẩn thận, sẵn sàng để chết xe và chỉ dùng di chuyển trong nội vùng cách ly. Bên cạnh đó, Viettel Post cũng chấp nhận sử dụng xe trung chuyển ở một điểm trung gian để sang xe đã khử khuẩn nhằm đảm bảo được về mặt an toàn cho cả người và nông sản”.
Nhân viên của sàn TMĐT Voso tiếp nhận đơn hàng. |
Về phương án vận chuyển, Viettel Post đặt mục tiêu sản phẩm vải Bắc Giang sẽ đến tay khách hàng trên toàn quốc chỉ từ 6h - 48h sau thu hoạch. Theo đó, đơn vị này tổ chức kết nối hệ thống xe tải đa điểm và liên tục từ Bắc Giang tới tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc. Hệ thống xe lạnh sẽ được huy động tối đa để vận chuyển vải, đặc biệt đối với các lô lớn chuyển vào Miền Trung và Miền Nam sẽ được vận chuyển bằng đường bay.
“Việc vận chuyển nông sản đảm bảo chất lượng đòi hỏi mức chi phí cao hơn nhiều so với các hàng hóa thông thường. Tuy nhiên, để hỗ trợ người nông dân Bắc Giang, cũng như người tiêu dùng trên toàn quốc được sử dụng sản phẩm vải chất lượng tốt, Viettel Post giảm chi phí chuyển phát, đồng giá toàn quốc chỉ 15.000 đồng cho 5kg” - ông Hưng cho hay trao đổi với PV.
Một ngày sau khi vải Bắc Giang được đưa lên sàn TMĐT Vỏ Sò, đơn vị này cho hay đã có hơn 1 tấn được khách đặt mua trước. Giá của vải u hồng hiện được đăng bán chỉ từ 36.000 đồng/kg.
Xoài Đặc sản Sơn La có mặt trên sàn Postmart
Cũng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn rất phức tạp, các kênh bán hàng trực tiếp gặp nhiều khó khăn, bất lợi, đặc sản xoài Sơn La chính thức được được Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, UBND tỉnh Sơn La và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - đơn vị quản lý sàn TMĐT Postmart.vn hợp tác đưa lên sàn TMĐT để nhanh chóng tiếp cận với người tiêu dùng trên cả nước.
Xoài được đóng gói, bảo quản đúng quy cách trước chi chuyển tới khách hàng |
Việc này được thực hiện theo tinh thần tại Hội nghị “Bàn giao sản phẩm Xoài Sơn La theo thỏa thuận tiêu thụ cho các đơn vị chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và thương mại điện tử năm 2021” do UBND tỉnh Sơn La tổ chức mới đây.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết “Việc đưa các sản phẩm địa phương lên sàn TMĐT còn gặp nhiều thách thức như năng lực về TMĐT của các HTX, bà con nông dân còn nhiều hạn chế, nguồn nhân lực hiểu biết về công nghệ thông tin còn thiếu, đặc biệt những kỹ năng về tư vấn, chăm sóc khách hàng hay đánh giá xu hướng tiêu dùng, thị hiếu thị trường vẫn còn khá xa lạ với các HTX”.
Ông khẳng định, trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ đẩy mạnh hợp tác với các sàn TMĐT để vừa kết hợp nâng cao năng lực chuyên môn vừa từng bước hỗ trợ tiêu thụ hiệu qủa cho các địa phương thông qua kênh này.
Những đơn hàng đầu tiên trên sàn postmart được khẩn trương đưa đi tiêu thụ. |
Trong thời gian tới, nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại lên kế hoạch phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) triển khai Chương trình hỗ trợ bà con nông dân, chủ trang trại trên cả nước bán nông sản hàng hoá, nông sản thực phẩm an toàn theo hình thức trực tuyến (livestream). Trong đó, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với Vietnam Post, đào tạo tập huấn bà con nông dân, chủ trang trại kỹ năng quảng bá sản phẩm, kỹ năng bán hàng qua livestream, hỗ trợ áp dụng hệ thống truy suất nguồn gốc nhằm tạo điều kiện để bà con nông dân trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, hiểu và nắm bắt rõ hơn về xu hướng và yêu cầu thị trường, từ đó, sẽ tổ chức sản xuất được hiểu quả, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.
Ông Lê Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, những ngày qua Vietnam Post không chỉ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình vận chuyển hàng đi tiêu thụ, mà còn chú trọng hướng dẫn người dân mở thêm kênh tiêu thụ nông sản mới trên sàn TMĐT. Trong vòng 1 tuần qua, Bưu điện Việt Nam đã hỗ trợ tiêu thụ hàng chục tấn nông sản của bà con nông dân tại nhiều địa phương trên cả nước.
Sau vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều Lục Ngạn, dứa (Bắc Giang), hành tím (Sóc Trăng),… 2 loai đặc sản là xoài Yên Châu và mận hậu Sơn La đã chính thức được đưa lên bán trên sàn TMĐT Postmart.vn. Toàn bộ các sản phẩm đều được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đảm bảo chất lượng. Thông qua sàn TMĐT Postmart, nhiều nhà cung cấp đã chủ động giới thiệu về đặc sản vừa mang tính vùng miền vừa mang tính thương hiệu riêng của hộ gia đình đến người tiêu dùng.