Nông dân chuyển đổi số chỉ với smartphone

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Người nông dân dù ở đồng bằng hay miền núi, vùng sâu vùng xa chỉ cần có smartphone kết nối với Internet thì bất cứ lúc nào cũng có thể đưa các sản phẩm của mình ra thị trường cả nước.
Nông dân được hỗ trợ tiếp cận nền tảng kinh doanh số.
Nông dân được hỗ trợ tiếp cận nền tảng kinh doanh số.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc tiêu thụ nông sản của nông dân trên cả nước đang gặp phải không ít khó khăn. Đặc biệt là các mặt hàng nông sản của nông dân nhiều địa phương đang vào mùa vụ, thời gian tiêu thụ rất ngắn. Để người nông dân chủ động đưa các sản phẩm của hộ gia đình ra ngoài thị trường, giảm thiểu tình trạng giải cứu ồ ạt nông sản như thời gian qua, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) xây dựng các giải pháp để giúp bà con nông dân nhanh chóng tiếp cận phương thức kinh doanh mới.

Theo đó, Bưu điện Việt Nam sẽ mở chiến dịch đưa các sản phẩm đặc sản mùa vụ của nông dân lên sàn thương mại điện tử Postmart (postmart.vn) qua đó hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hướng đến sự phát triển bền vững.

Chương trình hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số, đưa nông sản lên sàn TMĐT đang được mở rộng.

Chương trình hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số, đưa nông sản lên sàn TMĐT đang được mở rộng.

Do đặc thù của hàng nông sản mùa vụ thường là hàng tươi sống, thời gian thu hoạch và sử dụng không dài nên nếu người dân tạo thói quen ứng dụng công nghệ vào để bán và vận chuyển sẽ giúp cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, đảm bảo độ tươi, ngon, sạch. Qua sàn thương mại điện tử, sản phẩm tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, tối ưu được chi phí của người tiêu dùng cuối cùng; đồng thời tạo được niềm tin cho người sử dụng. Sản phẩm muốn đến được với người tiêu dùng thì hàng hóa phải có chất lượng, thương hiệu, giá thành bán ra đáp ứng được đối tượng khách hàng của sàn.

Giờ đây người nông dân dù ở đồng bằng hay miền núi, vùng sâu vùng xa chỉ cần có smartphone kết nối với Internet thì bất cứ lúc nào cũng có thể đưa các sản phẩm của mình ra ngoài thị trường. Với sàn thương mại điện tử Postmart, thị trường, khách hàng của người nông dân giờ đây không chỉ còn quanh quẩn tại các phiên chợ trong thôn xã mà bất cứ khi nào có hàng nông dân đều có thể chủ động đưa các sản phẩm ra thị trường trên cả nước.

Đại diện Vietnam Post cho biết, trước mắt, sẽ có 3 loại nông sản có tính mùa vụ đầu tiên của người nông dân tại 3 miền Bắc, Trung, Nam để đưa lên sàn Postmart. Cụ thể là vải thiều của Hải Dương, dưa hấu của Quảng Bình và mít Thái của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Hệ thống phương tiện thu gom vận chuyển giúp lưu thoát nhanh chóng các mặt hàng nông sản

Hệ thống phương tiện thu gom vận chuyển giúp lưu thoát nhanh chóng các mặt hàng nông sản

Theo kế hoạch, Bưu điện Việt Nam sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có sản phẩm đạt chất lượng, nguồn gốc truy xuất, đảm bảo các quy trình về khử khuẩn. Để thu hút nhà cung cấp, hiện Vietnam Post đã xây dựng các ấn phẩm truyền thông theo hình thức dễ hiểu, dễ làm để giới thiệu về cách thức đưa các mặt hàng nông sản lên sàn thương mại cho nông dân các địa phương trên. Đồng thời, Vietnam Post cũng sẽ cử cán bộ trực tiếp tới các nhà cung cấp để hỗ trợ từ việc đưa sản phẩm lên sàn đến việc thanh toán, lựa chọn đơn vị vận chuyển…

Do đặc thù của hàng nông sản mùa vụ thường là hàng tươi sống, thời gian thu hoạch và sử dụng không dài nên Vietnam Post sẽ tận dụng triệt để lợi thế về mạng lưới trải rộng, nguồn nhân lực đông đảo và đặc biệt là hệ thống phương tiện thu gom, vận chuyển để phát nhanh chóng các sản phẩm. Như vậy, nông sản vừa được đảm bảo tối ưu hóa chi phí vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm tươi, sạch đến tay người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất.

Cùng với Vietnam Post, Tổng Công ty cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post) đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân tại một số địa phương trên cả nước ứng dụng công nghệ số, tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Vỏ Sò, góp phần chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.

Từ thực tế triển khai, bên cạnh việc khó khăn trong tiếp cận bà con nông dân do họ vẫn nặng tư duy, cách làm cũ, các sàn TMĐT của doanh nghiệp bưu chính còn nhận thấy nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chưa được sản xuất, nuôi trồng theo các quy chuẩn kiểm soát chất lượng.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ TT&TT sẽ có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã phối hợp cùng với các sàn TMĐT Việt Nam (Postmart, Vỏ Sò), các công ty bưu chính để hỗ trợ các hộ nông dân đưa sản phẩm lên sàn.

Bộ TT&TT cũng dự kiến sẽ làm việc với Bộ NN & PTNT để mở rộng việc đưa các sản phẩm nông nghiệp sạch lên các sàn Postmart, Vỏ Sò.

Tuy nhiên, về phía các sàn, Bộ TT&TT cũng đề nghị xây dựng thêm các tính năng để gắn giá trị sản phẩm với thương hiệu cụ thể của từng gia đình nông dân. Việc này sẽ góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm bà con nông dân cung cấp tới người tiêu dùng, thông qua các sàn TMĐT.