Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, mỗi quốc gia sẽ có một tiêu chuẩn riêng về phụ gia thực phẩm, bên cạnh tiêu chuẩn chung của thế giới. “Ví dụ như Nhật Bản có tham gia tiêu chuẩn thực phẩm của Codex. Song, nước này cũng có những tiêu chí riêng về an toàn vệ sinh thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Có nhiều chất Codex cho phép sử dụng nhưng Nhật Bản cấm”.
Vì vậy, ông Nguyễn Thanh Phong nhận định, không nên lo lắng khi sản phẩm bị thu hồi tại quốc gia khác, việc này không khẳng định sản phẩm đã mất an toàn thực phẩm khi sử dụng trong nước về trên thế giới. Các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm riêng cho những thị trường khó tính như Nhật Bản cần tìm hiểu trước các quy chuẩn để sản xuất, tránh tình trạng vi phạm quy định rồi phải thu hồi.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) sẽ làm việc với công ty sản xuất, phân phối và nhập khẩu tương ớt Chin-su để tìm hiểu thêm về vụ việc.
Trước đó, ngày 2/4, Thành phố Osaka yêu cầu nhà nhập khẩu phải thu hồi toàn bộ sản phẩm tương ớt Chin-su vì sử dụng axit benzoic (đây là chất bị cấm trong tương ớt theo quy định của Nhật Bản). Theo kết quả phân tích, lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su dao động từ 0,41g/kg đến 0,45g/kg, tổng cộng đã có 757 thùng hàng (khoảng 18.168 chai) được bán ra. Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng axit benzoic được phép tiêu thụ hàng ngày mà không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe là 5mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày (tức 0,005g/kg/cân nặng/ngày). Nếu người nặng 50kg, có thể tiêu thụ 0,25g axit benzoic/ngày. Vì axit benzoic được phát hiện ở mức tối đa 0,45g/kg trong kết quả xét nghiệm, khi một người nặng 50 kg ăn 0,56 kg tương ớt Chin-su (tức khoảng 0,22g axit benzoic) một ngày thì vẫn nằm trong giới hạn cho phép của FAO và WHO. |