Khu tưởng niệm |
Tháng Bảy. Tháng âm. Tháng xá tội vong nhân.
Chập chờn quá vãng, mạn Nam Thăng Long thành thuở xa có một địa danh ít ai muốn nhắc: Hợp Thiện!
Từ đầu thế kỷ XX, mấy nhà có máu mặt ở Hà Thành đã hợp sức nhau làm một việc thiện. Như bây giờ đã to đùng đoàng sự quảng cáo công ty này khác, nhưng nhà Hợp Thiện với cái danh khiêm nhường thuở ấy, nội cái tên nghe đã nhẹ nhõm những từ bi cùng bác ái.
Hợp Thiện đã mua mấy mảnh đất hoang ở ngoại thành giành xây nghĩa trang. Rồi xây những trại tế bần. Ngoại thành thuở ấy nghe diệu vợi nhưng là đất của phường Minh Khai, Vĩnh Tuy bây giờ đang giăng giăng chằng chịt nhà cửa. Mà Nhà tang lễ ở 42 Phùng Hưng bây giờ thuở ấy cũng thuộc biên chế của nghĩa trang Hợp Thiện.
Viết đến đây thoáng chút bồi hồi cái lần ngồi chuyện với nhà văn Tô Hoài.
Thời điểm nạn đói khủng khiếp 1945 ấy, cụ hoạt động bí mật kiêm làm báo Cứu Quốc. Một đêm, anh giao thông chuyển gấp đến cụ một tài liệu quan trọng. Đó là bản dập những đoạn bài báo mà kiểm duyệt nhà in báo Tin Mới đục bỏ. (Rất may, nhờ người giúp nên tôi đã tầm được vài đoạn như sau)
Người chết đói nhiều đến nỗi không thể chôn kịp vì người đi chôn cũng đã lử lả rồi. Khi đi nhặt xác gặp ai ngắc ngoải bọn này cũng lôi đi chôn. Vì nếu có để lại thì cũng đến chết nốt. Lúc vùi xuống hố những người ấy còn chắp tay van lạy, nhưng bọn người đi chôn cũng cứ lấp đi vì không chôn được người thì không được trả công.
Hải Hậu (Nam Định) có làng 1000 đinh, chết đói tới 700. Dân phố Phủ Nam Trực có 16 vạn, mỗi ngày chết 400 trong số đó có cả lý trưởng, phó lý các chức dịch trong làng.
Các chỗ đói nhất Ninh Bình là Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn. Dân số Ninh Bình là 96.000 người. Số người chết đói hai tháng khai là 3.325 người nhưng thật ra phải gấp ba nghĩa là độ 1 vạn.
Dân Phủ Nghĩa Hưng (Nam Định) có 15 vạn người. Số chết đói mỗi ngày khoảng 500. Dân đói phải ăn cả củ chuối và ăn cả thịt người.
v.v…
PGS Hà Đình Đức dâng hương khu tưởng niệm- Ảnh XB |
Những dòng bị đục bỏ trong một bài báo ấy đã được hiện nguyên trạng trên báo Cứu Quốc, tờ báo của Tổng Bộ Việt Minh.
Làn sóng người đói rã rượi tiều tụy ở các tỉnh đã lần lết đến Hà Nội để chết đói! Ngoài những người may mắn được bố thí cưu mang, hàng vạn người dân quê đã bỏ xác ở Hà Thành và được gom chôn chung tại nghĩa trang Hợp Thiện.
Cố đẩy đưa cái trí tưởng tượng qua những bịt bùng giăng mắc của sự xây cất như vũ bão mấy năm nay, tôi bâng khuâng mà tưởng ra cái khoảng khoáng lạnh mênh mang của mười mấy héc ta loi thoi những nấm mồ một thuở một thời có tên là nghĩa trang Hợp Thiện.
Nhà văn Thạch Lam (mất năm 1942) đã nằm lại ở Hợp Thiện. Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp (mất năm 1938) cũng táng ở Hợp Thiện sau đó mới sang cát về quê nhà Phượng Dực, Thường Tín. Rồi muộn hơn có chí sĩ Phan Khôi cũng từng yên nghỉ ở nơi này! Chả biết sau này, khi tằng tằng, khi hối hả, những sự quy tụ cùng cất bốc, các cụ mới không cùng thập loại chúng sinh nằm kề nữa mà di dời theo gia nhân tận đẩu đâu?
Trong nạn nhân mãn và những chằng chịt giăng mắc của sự xây cất hối hả ấy, phường Minh Khai, Vĩnh Tuy còn sót lại một khoảng trống hơn 150 m2 của nghĩa trang Hợp Thiện khi xưa. Gọi là khoảng trống nhưng đó là một nấm mồ tập thể khổng lồ nhất Thủ đô. Trần thùi lụi thì đó là một bể xương người đựng vài vạn cốt.
Thoạt đầu, xây bao xung quanh. Những năm đầu thập niên 90, “bể xương” còn nằm lộ thiên. Sau này dường như thấy "chuế", người ta mới be thành bể bê tông kiên cố, cẩn thận còn để lại một lỗ thông âm - dương. Dần dà lỗ ấy cũng bị bịt kín.
Bần thần ngồi lật giở 19 bức ảnh rùng rợn của nghệ sĩ Võ An Ninh ghi lại cảnh chết đói. Trong đó có bức năm Tân Mão (1951) cụ chụp tấm bia ở nhà mồ tập thể Hợp Thiện có hàng chữ Nơi an giấc ngàn thu của đồng bào ta bị oanh tạc và chết đói năm 1944-1945. Hóa ra ở đây có cả đồng bào bị chết bom giặc Nhật?
May mắn thay tấm bia vẫn còn bên cái bể xương. Bể xương- hài cốt được coi là lớn nhất thế giới! Nhưng hai lối vào nhà mồ tập thể- bể xương ấy thông sang đường Minh Khai và Kim Ngưu dần dà bị bịt. Ngôi mộ tập thể lớn nhất Hà Nội những năm cuối tám mươi, đầu 90 đã gần như bị quên lãng!
Tưởng niệm đồng bào chết đói năm 1945 |
Vâng, cũng chính thời điểm đó một sự lạ đã xảy ra. Ngôi mộ tập thể lớn nhất Hà Nội ở địa danh cũ là Hợp Thiện, địa chỉ mới là phường Minh Khai đã không bị lãng quên. Kỳ lạ lại là người Nhật thủ phạm và nguyên nhân chính của nạn đói khiến trên 2 triệu người Việt lả chết vào cái năm 1945 khủng khiếp khơi gợi lại!
Số là giữa năm 1993, có cuốn sách ảnh "Kỷ lục 2 triệu người chết đói năm 1945" của nhà sử học Nhật Bản Furuta Moto được xuất bản. Sách có in bức ảnh khánh thành bia tưởng niệm (ảnh của Võ An Ninh chụp năm 1951- NV) trong đó có câu xót xa "đến nay không còn nữa"
Văn truy điệu đồng bào chết đói năm 1945 |
Cũng chưa rõ cơ quan hay nhà xuất bản nào ở Nhật in sách. Đây có lẽ là ấn phẩm kèm thông tin chi tiết nhất về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam.
Sách mấy năm sau mới tình cờ đến được tay Nhà rùa học PGS Hà Đình Đức.
Từng quấy quả và luôn không để yên các nhà chức việc Hà thành trong việc bảo vệ loài Rùa quý Hồ Gươm và cải tạo chỉnh trang Hồ Gươm, PGS Hà Đình Đức tốc thẳng lên gặp ông Nguyễn Quốc Triệu khi ấy là Chủ tịch Hà Nội!
Lần này PGS Đức đã gặp may. Hóa ra cuốn sách ảnh của người Nhật không chỉ ông Đức có. Mà UBND Thành phố Hà Nội đã được gửi tặng lâu rồi. Và thành phố cũng đã rậm rạp bàn đến một phương án xây dựng Khu tưởng niệm đồng bào chết trong nạn đói 1945. Chủ tịch Triệu ôn tồn nhờ cậy PGS Hà Đình Đức giúp thành phố quan tâm đến dự án này.
Một cuộc khảo sát Hợp Thiện có PGS Hà Đình Đức và GS Văn Tạo, nhà sử học Dương Trung Quốc.
Không chỉ có lần ấy.
Trích ra một đoạn thư ông Đức gửi thành phố.
Tôi là PGS. Hà Đình Đức, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội được biết thành phố đang có dự án "Xây dựng tượng đài Tưởng nhớ đồng bào chết trong nạn đói 1945".
Đây là việc làm có ý nghĩa nhân văn, để ghi lại một dấu ấn hết sức đau thương trong lịch sử đất nước được dư luận và nhân dân rất đồng tình.
Vừa qua tôi và chị Trần Thị Thắng, phóng viên báo Văn Nghệ, đã đi khảo sát và nhận thấy rằng: Từ phố Minh Khai vào ngõ 349 đường khá rộng thẳng vào bãi đỗ xe của Công ty Taxi Hương Lúa, nếu phá bức tường ngăn là đi vào khu mộ, thay vì cửa vào theo ngách 559/86 Kim Ngưu và lấy một phần diện tích của bãi đỗ xe này làm nơi tập kết cho nhân dân đến đây thăm viếng khu tưởng niệm. Phương án này ít tốn kém về đền bù giải toả và Khu tưởng niệm sẽ rất khang trang.
Rất mong sự lưu tâm.
Như thế là một quyết định của thành phố đã gặp gỡ tâm nguyện của dân và các nhà khoa học!
Thư gửi ngày 2-11-2001 thì ngày 18-12-2001, PGS Hà Đình Đức nhận được hồi âm. Ông Chủ tịch thành phố đã gửi thư cho ông Đức kèm Quyết định của UBNDTP Hà Nội (quyết định số 7836/QĐUB) đưa công trình khu tưởng niệm đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944-1945 vào danh sách quản lý di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của Hà Nội.
… Bẵng đi một dạo, gặp lại ông Đức hỏi việc xây khu di tích nạn đói, ông cười cười chịu chả thể biết được rồi buông câu vui Hà Nội là không vội được đâu.
Thời gian cứ vùn vụt. Hóa ra hợp sức làm cái việc thiện quả chả dễ dàng gì!
Nhiệm kỳ sau ông Nguyễn Quốc Triệu đã 3 năm mới làm được cái việc… phá dỡ giải tỏa quanh khu di tích.
Và mãi mất hơn 2 năm, sau sự kiện giải tỏa, mới có cái giấy mời khánh thành khu nhà bia.
Tạm coi như xong công trình. Gần mười lăm lăm đâu phải ít?
Ông Đặng Văn Tuyến và tác giả. |
… Từ ngõ 349 lối đường Minh Khai đi sâu vào đã òa thoáng ra một khoảng không gian. Hóa ra đề nghị của PGS Hà Đình Đức về phương án làm con đường ít tốn kém về đền bù giải toả và Khu tưởng niệm sẽ rất khang trang như trong đơn thư ông viết gửi Chủ tịch Thành phố mười mấy năm trước đã thành hiện thực, cũng như đã tàm tạm một Khu tưởng niệm.
Có tam quan cổng vào thiết kế cũng nhã. Nóc là bức hoành chữ Việt Hợp Thiện Linh Đài. Hai bên có đề hai hàng câu đối cũng chữ ta nghe nói trích ra từ bài văn tế của ông Vũ Khiêu viết từ tháng 3- 1945 Hai triệu vong linh oan khí tối đen trời đất nọ/ Muôn đời bất tử anh linh giữ vững nước non này.
Khoảng sân khu nhà bia lát lại phẳng phiu. Các bậc dẫn lên bia được ốp bằng gạch. Tấm bia chĩnh chiện mang dòng chữ trong tấm ảnh cụ Võ An Ninh. Rồi hệ thống tường bao có phác trên đó những họa tiết dễ chịu…
Ấn tượng vẫn là bể xương, dạo tôi tới sần sùi xám lạnh bê tông nay ốp gạnh nâu đỏ trang trọng. Nhô nhỉnh phía bên trái là điện thờ hai tầng lầu xây cất cũng nhã dùng để thờ Phật. Có bể hóa vàng ở một góc tường bao. Lại có cả đôi ngâu chầu vào bia đang rộm cữ hoa vàng.
Nhớ một năm mùa xá tội vong nhân, ông Đức đưa tôi xuống lại Vĩnh Tuy. May mắn qua ông Đức, tôi được gặp ông Đặng Văn Tuyến là người chuyên lo hương khói cho khu di tích.
Năm 1951, NS Võ An Ninh chụp quang cảnh buổi lễ quanh tấm bia căm thù thì một năm sau, ông Tuyến mới cất tiếng khóc chào đời ở ngôi nhà gần nghĩa trang Hợp Thiện.
Ở chiến trường Bình Trị Thiên từ năm 1970, đối mặt với bom đạn chết chóc, chiến sĩ lái xe Đặng Văn Tuyến chưa hề có cảm giác xương sống mình tự dưng buốt lạnh cùng cảm giác lạ lùng khó tả như lần ấy. Cái lần 3 cậu sinh viên Trường Kiến trúc đến thắp hương đo đạc để thực hiện đề tài Không gian cho nhà tưởng niệm đồng bào chết đói. Ngó những làn khói hương 3 cậu sinh viên vút lên thẳng tắp, ông Tuyến thốt nhiên rùng mình…
Mặc dù ông đã sống ở khu vực nghĩa trang từ bé đến lớn. Đi bộ đội rồi về cũng ở bên khu nhà mồ này. Thế mà lần này như có hàng trăm cặp mắt vô hình chiếu cái nhìn năn nỉ khẩn cầu về phía ông. Quyết định tình nguyện giữ chân hương khói cho khu nhà mồ của ông Tuyến đã gây bao ngạc nhiên cho những người thân. Năm 2005, được sự đồng ý của chính quyền sở tại, ông Tuyến đứng ra đảm nhận công việc trông coi, nhang khói ngôi mộ tập thể ở khu nghĩa trang này.
Ngồi chuyện với người từng nhiều năm coi sóc một nghĩa trang mà có lẽ là duy nhất ở nước mình thấy có lắm cái lạ. Heo hút khó tìm nhưng nghĩa trang luôn có khách thăm viếng, khói hương. Xôm tụ vấn là những ngày Lễ lớn những dịp giáo dục truyền thống. Lạ là rất nhiều khách thăm người Nhật, khi đi đoàn khi lẻ. Họ là nhà nghiên cứu, học giả, khách du lịch. Có cả những cụ đã rất cao niên. Ông Tuyến hỏi chuyện qua người phiên dịch được biết có người là lính Nhật đã từng tham chiến ở Việt Nam và Đông Dương.
Một đoạn trong lưu bút của Chủ tịch hiệp hội hữu nghị Việt Nam- Okinawa Kamata Takashi |
Từ khi có cuốn sổ cảm tưởng, rất nhiều trang của khách là người Nhật.
Tôi cậy nhờ người rành tiếng Nhật dịch…
Xin trích ra ít dòng
Ngày 7/10/2010
Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Việt Nam- Okinawa Kamata Takashi
Không nói được thành lời về sự thật lịch sử hiện trước mắt về hình ảnh 2 triệu người bị giết hại, luôn ở trong tâm trí thông qua những kiến thức lịch sử đã biết.
Để không tái diễn những đau thương
đó thêm lần nữa, sẽ xây dựng một cách thiết thực mối quan hệ hữu nghị VN- Nhật thân thiết và hoà bình quốc tế.
Ngày 7/10/2010
Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Việt Nhật:
Kazuo ( không rõ họ?)
Tôi đã được dự Lễ hội Hà Nội – Thăng Long 1000 năm.
Tôi cũng sẽ chuyển tải thông điệp về sự kiện kinh hoàng này trong chiến tranh cho những người Nhật Bản trẻ tuổi. Cầu chúc cho sức mạnh có thể xoá bỏ chiến tranh.
Đây cũng là dịp cho tôi mở rộng được tình hữu nghị bạn bè bốn phương với những người bạn trẻ Việt Nam.
Ngày 7/10/2010
Tôi lại tới thăm Khu tưởng niệm này sau 3 năm. Cầu cho sự kiện đau thương này không bao giờ xảy ra nữa.
( Chỉ có chữ ký)
Ngày 7/10/2010
Đây là lần 2 tôi đến thăm (Chỉ có chữ ký)
Ngày 23/11/2010
Xót xa. Kính viếng
Taxi độc lập – Chi nhánh ... Đảng cộng sản Nhật Bản. (Một loạt chữ ký. Không rõ họ tên)
Ngày 16/1/2013
Hiệp hội hữu nghị Việt Nhật
Thành tâm kính viếng (Một loạt chữ ký. Không rõ họ tên)
Ngày 16/1/2013 Cầu chúc cho chúng ta giữ gìn được hoà bình!
(Chỉ có chữ ký. Chưa rõ họ tên)
Với tư cách là người Nhật Bản tôi thực sự xin lỗi về sự kiện hơn 2 triệu người bị giết hại. (Nói như thế không phải là xong vấn đề, nhưng xin hãy tha thứ về nó)
Nhật Bản sẽ cố gắng không để chiến tranh xâm lược xảy ra thêm nữa.
23/4/2008 (Chỉ có chữ ký. Không rõ họ tên)
Và những trang, dòng khác đại loại
Sẽ cố gắng vì hoà bình!
25/4/2008 Hỡi loài người! Hãy cảnh giác!