Đầu mùa khô năm 1972, sau khi giải phóng thị trấn Lộc Ninh, Sư đoàn 5 của chúng tôi tiến xuống vây hãm thị xã An Lộc (Bình Long). Khi trận tuyến đang giằng co ác liệt thì Sư đoàn được lệnh từng bước rút ra khỏi chiến trận, bàn giao lại cho Sư đoàn 7 để tiến về Long An, cắt đứt Lộ 4 (nay là quốc lộ 1) nối Sài Gòn với các tỉnh miền Tây, được coi là “cổ họng” của Sài Gòn, gây sức ép buộc Mỹ sớm ký Hiệp định Paris.
Chúng tôi đêm đi, ngày nghỉ. Hôm đó đơn vị dừng lại ở một bờ kênh sát biên giới Campuchia và tỉnh Kiến Tường. Chúng tôi vừa ăn sáng xong, đang tranh thủ nghỉ lấy sức để tối vượt “cánh đồng chó ngáp” cửa ải ác liệt nhất để tiến xuống đồng bằng.
Bỗng có hai chiếc A37 lượn mấy vòng rồi lao xuống ném bom vào đội hình chúng tôi ém quân. Nhiều người bị thương vong, nhưng người bị thương nặng nhất là thiếu tá, Phó Ban tuyên huấn Sư đoàn - Nguyễn Kim. Anh em xúm lại băng bó vết thương để đưa anh đi cấp cứu. Thấy môi anh khô quắt, tôi mang nước đến để tiếp sức cho anh. Anh ngăn bình nước lại và điềm tĩnh nói dù hơi thở yếu dần: “Bây giờ mà uống nước vào sẽ hôn mê và mất rất nhanh. Còn chút thời gian cuối đời, tôi tranh thủ nói với các đồng chí mấy lời. Anh em không phải cáng tôi đến Trạm Xá tiền phương của Sư đoàn nữa; tôi sắp xa mãi các đồng đội rồi, làm khổ anh em, lộ ra máy bay đánh bom sẽ chết nhiều hơn. Tôi bị thương 10 lần rồi, lần này không qua khỏi. Nếu sau này trong Ban ta đồng chí nào còn sống có làm sử cho Sư đoàn thì cho tôi một dòng là Nguyễn Kim đã hi sinh trong đội hình của Sư đoàn, tiến về giải phòng đồng bằng. Sắp giải phóng miền Nam rồi, chúc anh em ở lại được chứng kiến và chung vui ngày toàn thắng”.
Nói xong anh lịm dần, tôi và anh Nguyễn Đình Chu chỉnh sửa quần áo vuốt mặt cho anh, y tá Nguyễn Thị Hiền bật khóc, anh em chúng tôi cắn môi nghẹn ngào về những lời anh nói.
TS. Lê Doãn Hợp thắp hương bên mộ Liệt sĩ (ảnh: Nguyễn Công Khang) |
Vĩnh biệt thủ trưởng Nguyễn Kim, người con trung kiên của quê hương Quảng Ngãi, sinh năm 1930, vào du kích năm 1946, vào bộ đội năm 1950 tập kết ra Bắc năm 1954, hành quân trở lại chiến trường miền Đông Nam Bộ năm 1959. Gần như cả cuộc đời anh luôn hành quân theo mệnh lệnh của Tổ quốc, lên rừng, xuống biển, ra Bắc, vào Nam, chưa nơi đâu có đủ quỹ thời gian để lập gia đình. Đã 42 mùa xuân rồi vẫn chưa có người yêu và khi phải vĩnh biệt thế giới này chưa được hưởng hơi ấm của bàn tay người phụ nữ.
Nhân ngày 27.7, chúng tôi cầu mong cho anh an nghỉ yên lành nơi chín suối, phù hộ cho đồng đội đã khuất sớm tìm được hài cốt; phù hộ cho đồng đội đang sống yên vui và phù hộ cho đất nước giàu mạnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu