"Giao cảm lạ kỳ" khi dựng tượng đài liệt sỹ ở Quảng Trị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cựu chiến binh, thương binh Hoàng Ngọc Bích - người sống sót kể lại "giao cảm lạ kỳ" trong dựng tượng đài 32 liệt sỹ tại Gio Mỹ, Gio Linh, Quảng Trị.
Đại tá AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp tại buổi lễ khánh thành bia mộ 32 Liệt sỹ (ảnh: Nguyễn Công Khang)
Đại tá AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp tại buổi lễ khánh thành bia mộ 32 Liệt sỹ (ảnh: Nguyễn Công Khang)

Nhân ngày giỗ 16/10 của các liệt sỹ tại cao điểm Gio Mỹ, Gio Linh, Quảng Trị, tôi được Tổng CT 36 mời cùng anh Lê Doãn Hợp và một số tướng lĩnh khác vào Quảng trị để thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sỹ.

Rất tình cờ khi tôi lại được ngồi cùng xe với anh Nguyễn Chí Tình và anh Hoàng Ngọc Bích, quê xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An - người duy nhất sống sót sau trận chiến đấu ác liệt năm xưa.

Anh kể: "Mới nhập ngũ được 3 tháng thì bổ sung về Trung đội 6, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 đóng tại Quảng Trị. Ngày 2/9/1968 chúng tôi kiểm soát khu vực Xuân Mỹ, Gio Mỹ cho tới Cửa Việt. Đêm 15/10, Trung đội 6 được lệnh chuyển lên cao điểm 21 một đêm trắng, vì chiếm được trận địa từ 8h tối cho đến 4h sáng phải hoàn tất công sự để chiến đấu ngay. Mới sáng, pháo địch đã cấp tập bắn vào trận địa rồi dừng lại - tín hiệu cho thấy địch chuẩn bị tấn công nên tất cả chúng tôi đều chuẩn bị cho một trận quyết chiến bắt đầu.

Anh Bích nhớ lại: Khoảng 9 - 10h, hàng chục xe tăng tiến vào dùng súng nã vào trận địa, Trung đội 6 đã chặn đứng nhiều cuộc tiến công. Đến chiều 16/10, do lực lượng của ta quá yếu và không cân sức, nên thương vong nhiều, quân địch đã tràn lên tấn công. Các chiến sỹ ta đã lao ra giáp là cà, bắn cháy 5 xe tăng và tiêu diệt hàng chục tên khác. Với 33 chiến sỹ, lực lượng qúa mỏng trước lực lượng hùng hậu của địch, nên chúng đã cho xe tăng chà đi xát lại toàn bộ công sự và anh em chiến sỹ đã nằm dưới bánh xích xe tăng của chúng".

Đến nửa đêm, Trung đội 3 vào trận địa và phát hiện anh Hoàng Ngọc Bích không còn mảnh vải trên người, nhưng người còn nóng. Anh đã được đồng đội chăm sóc và tỉnh lại.

Sau trận thắng oanh liệt đó anh Bích được kết nạp Đảng và đi dự Đại hội Quyết thắng toàn quân. Sau đó, anh tiếp tục tham gia chiến trường Nam Lào- Quảng Nam, bị thương nặng và được xuất ngũ, chuyển ngành ra Bắc năm 1973.

Từ đó, cứ đến ngày 16/10 hàng năm, trong căn phòng chật hẹp chỉ 7m2 ở Đại Mỗ, ông Bích lại làm cơm cúng giỗ cho các liệt sỹ đã hy sinh. Ông vừa dạy học vừa làm thêm đủ nghề để có tiền đi tìm đồng đội ở Tiểu đoàn 4 và vào Gio Mỹ để tìm hài cốt các liệt sỹ.

Đến 1989, ông đã liên hệ, kết nối được 10 đồng đội cũ và quy ước lấy ngày 16/10 hàng năm là ngày giỗ của Trung đội 6, luân phiên nhau tổ chức. Khi thấy nhiều người khó khăn, ông đề nghị các đồng đội tổ chức vào 16/10 tại nhà mình.

"Như mơ" khi tìm lại tên các liệt sỹ

Đơn vị mới thành lập 3 tháng nên chưa biết hết tên tuổi của nhau, vì phải chiến đấu ngay. Quá trình gom góp được 20 triệu đồng, ông vào Gio Mỹ để xây dựng tấm bia. Ban đầu, phần ghi tên tuổi các liệt sỹ để trắng, để xác định tên tuổi dần. Qua quá trình tìm kiếm nhiều năm, tình cờ ông gặp Đại tá Võ Xuân Cảnh - nguyên Chỉ huy Quân sự Huyện Vĩnh Linh và kỳ diệu là ông Cảnh vẫn giữ quyển sổ danh sách Trung đoàn 270. Lần giở từng dòng họ, tên và đến Trung đội 6 ông mừng đến trào nước mắt họ, tên của 32 liệt sỹ đã hiện ra.

Có trong tay danh sách, ông viết thư báo cho 32 gia đình liệt sỹ đã mong ngóng suốt bao năm nay. Từ đó, đồi cát không còn hoang vu, lạnh lẽo nữa mà thường xuyên có người nhà của 32 liệt sỹ cùng các đồng đội cũ thăm viếng.

CBCS Tổng Công ty 36 BQP và 32 gia đình liệt sỹ tại buổi lễ khánh thành bia tưởng niệm (ảnh: Nguyễn Công Khang)
CBCS Tổng Công ty 36 BQP và 32 gia đình liệt sỹ tại buổi lễ khánh thành bia tưởng niệm (ảnh: Nguyễn Công Khang)

Cuộc hội ngộ lạ kỳ của 32 liệt sỹ và nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Tình

Khoảng giữa năm 2011, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh và cựu chiến binh, thương binh Hoàng Ngọc Bích đến Tổng Công ty 36. Sau khi nghe lại câu chuyện của ông Hoàng Ngọc Bích, Tổng Công ty đã phát động ủng hộ và thu được 5,2 tỉ đồng, để xây dựng tượng đài cao 6m ghi danh 32 liệt sỹ và tóm tắt trận đánh. Hàng năm, Tổng công ty 36 chi khoảng 1 tỉ để tổ chức tưởng niệm.

Sáng 19/8/2013, tượng đài được khánh thành, Đại tá AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp cùng CBCS Tổng CT 36 - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước; TS Lê Doãn Hợp, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu; Tướng Hữu Ước và 32 gia đình cùng bà con xóm làng Gio Mỹ có mặt tại buổi lễ...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Tình thơ văn uyên bác và rất giỏi viết văn tế nên ông đã được đề nghị viết riêng một bài cho 32 liệt sỹ. Ông đã rất dày công nghiên cứu trận chiến đấu không cân sức để bài tế phản ánh được tinh thần chiến đấu dũng cảm, oanh liệt, tráng khí, anh hùng ngút trời của các liệt sỹ và mong các hương hồn liệt sỹ vẫn sống cùng cỏ cây, hoa lá trên đồi cát phù hộ cho non sông đất nước sạch bóng quân thù.

Ông kể: "Khi đọc xong, khoảng 13h ngày 19/8/2013, thấy tôi đứng im mọi người lo lắng và dưới cái nắng 40 độ sợ tôi bị ngã vì tuổi đã cao. Nhưng có "một năng lượng kỳ lạ" không diễn tả nổi. Trong 3 tiếng đồng hồ tôi gặp gỡ và nói chuyện với 32 liệt sỹ, họ đều rất trẻ, hơi gầy nhưng rắn rỏi, chỉ có anh Chính trị viên là hơi lớn tuổi khoảng chừng 30 so với anh em. Họ hỏi về quê hương, người thân, bố mẹ sức khỏe ra sao và lâu chưa được về quê".

Qua cuộc nói chuyện ông Tình biết được một số tên, tuổi, quê quán các liệt sỹ. Có liệt sỹ có tên Tuấn có nhờ GS nhắn cho người yêu tên H đừng chờ nữa và mong H lập gia đình mới. Sau một thời gian trò chuyện, bóng các anh dần mờ và nhòe đi khi đó ông mới tỉnh lại và trao đổi với ông Bích có danh sách, quê quán, trùng khớp các liệt sỹ mà danh sách đang cầm trên tay ông Bích.

“…Ngày rằm lễ lớn tới kỳ

Tháng bảy mùa thu đang độ

Lễ tự nhiên trời đất giao hòa

Theo truyền thống âm dương gặp gỡ

Hồn thiêng các anh trở về

Cửa lớn công trình đã mở

Đài ghi danh dưới chiến trường xưa

Nhà tưởng niệm trên nền đồi cũ..”

(Trích văn tế liệt sỹ đồi 21. GS Nguyễn Chí Tình)

Ngày giỗ 16/10/2017, anh Lê Doãn Hợp cũng là cựu chiến binh của Sư đoàn 5 chiến đấu nhiều năm ở miền Đông Nam Bộ, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT đã phát biểu trong buổi lễ nghiêm trang, thành kính trước hương hồn 32 liệt sỹ:

“ .....Đời đời ghi nhớ các anh hùng liệt sỹ, các anh đã ngã xuống làm vẻ vang cho đất mẹ Việt Nam, các anh là thế hệ vàng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, dân tộc Việt Nam anh hùng, thế hệ Quân đội ta có 5 nhất.

- Chiến đầu hy sinh ác liệt nhất.

- Tình người đẹp nhất.

- Nghĩa vụ với tổ quốc, quốc tế và nhân dân cao nhất.

- Được nhân dân yêu quý nhất.

- Hưởng thụ thấp nhất.

Thật là: “Thân ngã xuống thành đất thiêng Tổ quốc.

Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”

Mong hương hồn các anh siêu thoát nơi 9 suối, phù hộ cho gia đình, quê hương đất nước mạnh giàu, đổi mới thành công và hợp tác quốc tế thắng lợi...”

Ước nguyện của người còn sống sót

Sau khi làm các thủ tục nghi lễ xong, anh Bích nghẹn ngào: "Ước nguyện của tôi cũng như 32 gia đình liệt sỹ" là đề nghị các cấp, các ngành truy tặng Anh hùng cho các liệt sỹ mà cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Nhân dịp 74 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2021) cả dân tộc thành kính tri ân những người lính đã ngã xuống vì Tổ quốc, chúng tôi xin thắp nén nhang cho đồng đội nói chung và 32 liệt sỹ ở cao điểm 21 thuộc xã Gio Mỹ, Gio Linh, Quảng Trị nói riêng.