Từ ngày 1/7, Đà Nẵng sẽ chính thức thí điểm chính quyền đô thị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Từ ngày 1/7, Đà Nẵng sẽ chính thức thực hiện thí điểm chính quyền đô thị cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt thực hiện.
Trung tâm hành chính tập trung TP Đà Nẵng
Trung tâm hành chính tập trung TP Đà Nẵng

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 119/2020/QH14 cho phép TP Đà Nẵng thí điểm tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình 1 cấp chính quyền địa phương (cấp TP) và 2 cấp hành chính (quận, phường) từ ngày 1/7 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt thực hiện.

Cụ thể, chính quyền TP được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở các quận thuộc Đà Nẵng là UBND quận (không tổ chức HĐND quận). UBND quận là cơ quan hành chính Nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND TP

Chính quyền địa phương ở các phường là UBND phường (không tổ chức HĐND phường). UBND phường là cơ quan hành chính Nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND TP, UBND quận.

Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của Đà Nẵng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng nhằm đáp ứng tính chất, đặc điểm trong quản lý đô thị của địa phương nhưng không làm giảm vai trò của cơ quan dân cử. Vai trò của HĐND và mỗi đại biểu HĐND tiếp tục được củng cố, đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Một góc TP Đà Nẵng nhìn từ biển du lịch

Một góc TP Đà Nẵng nhìn từ biển du lịch

Với mô hình này, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP, các ĐBQH, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình sẽ thực hiện vai trò giám sát, chức năng đại diện cho cử tri TP, qua đó bảo đảm quyền đại diện và phát huy dân chủ của người dân. Việc thực hành quyền dân chủ và giám sát của nhân dân vẫn tiếp tục được thực hiện thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ ở cơ sở và thông qua vai trò của cả hệ thống chính trị ở địa phương, trong đó vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị xã hội.

Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, mô hình quản lý hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của địa phương. Không những vậy, mô hình hiện tại chưa tự chủ, thiếu linh hoạt, khả năng tự quyết định, tự chịu trách nhiệm để giải quyết kịp thời những thách thức, nhu cầu đặt ra đối với quản lý đô thị. Nhất là mô hình hiện tại chưa phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động, cơ chế điều hành, phân cấp quản lý, ủy quyền trên một số lĩnh vực chưa phù hợp với đối tượng, đặc thù quản lý ở đô thị và quá trình đô thị hóa ở khu vực nông thôn đang thay đổi nhanh chóng.

Chính những hạn chế, bất cập nói trên, mô hình quản lý hiện tại đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, điều hành và sự phát triển kinh tế-xã hội của TP Đà Nẵng.

Để đảm bảo cho Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Và để thực hiện mục tiêu này, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương “xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của TP” và “cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước…”.