Mặc dù phủ nhận lời phản ánh của chị Đậu Thanh Tâm trên mạng xã hội về việc bệnh nhân phải “lót tay” cho nhân viên y tế 200.000 đồng mỗi lần xạ trị, nhưng trước sự phản ứng dữ dội của dư luận, Bệnh viện K cũng đã áp dụng một loạt biện pháp, nhằm khắc chế tiêu cực.
Thay đổi đáng ghi nhận
Theo ý kiến của nhiều bệnh nhân, sau scandal bị tố có tiêu cực ở khu vực xạ trị, Bệnh viện K đã có sự thay đổi tích cực.
Bà Trịnh Thị Lan (Thái Nguyên) kể: Bây giờ bệnh nhân cứ đến giờ mổ là vào phòng mổ, bệnh nhân không cần phải “gặp riêng” bác sĩ trước ngày mổ nữa. Đặc biệt, ở khu vực xạ trị, bệnh nhân có đưa tiền, nhân viên y tế cũng kiên quyết không nhận.
Chị Trần Thị Tân, một bệnh nhân ở Nghệ An đang điều trị tại Bệnh viện K, vui vẻ nhận xét: Bệnh viện K Tân Triều thay đổi rất nhiều. Hiện nay, bệnh viện đã có giấy hẹn xạ trị, đúng ngày giờ, để bệnh nhân đến, không mất thời gian chờ đợi. Bên cạnh đó, bệnh viện đã gắn thêm camera ở chỗ xạ trị. Thái độ của bảo vệ Bệnh viện cũng khác hẳn.
Ông Nguyễn Hùng Cường, một bệnh nhân của Bệnh viện K, cũng cho biết, sau khi dư luận lên tiếng, không chỉ khu xạ trị, mà nhiều phòng bệnh cũng được lắp thêm camera. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa việc gây khó khăn để “hành” bệnh nhân cũng như phòng, chống tiêu cực của nhân viên y tế.
Theo bà Trương Thị Ngàn (Thanh Hoá) thì hiện Bệnh viện K dán số điện thoại đường dây nóng ở khắp các hành lang, để bệnh nhân có thể phản ánh về tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế bất cứ lúc nào.
Việc gắn camera, có giấy hẹn bệnh nhân để ngăn chặn tiêu cực của nhân viên y tế là một biện pháp cần thiết, để ngăn chặn tiêu cực. Nhưng theo nhiều chuyên gia, đó chỉ là giải pháp tình thế. Điều quan trọng là Bệnh viện cần phải thay đổi bằng việc đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), để bảo vệ quyền lợi người bệnh.
Một lãnh đạo ở Bộ Y tế cho biết thêm: Cách đây vài năm, đoàn công tác của Bộ Y tế đến kiểm tra, việc ứng dụng CNTT ở Bệnh viện K chỉ đạt mức 1/7, mức thấp nhất. Vài tháng sau, Bệnh viện này mới sắm máy chủ và một số trang thiết bị khác và được Bộ Y tế nâng mức đánh giá lên 3/7. Và với những gì đã diễn ra vừa qua cho thấy việc ứng dụng CNTT ở Bệnh viện K hiện còn rất yếu.
CNTT là giải pháp bền vững
Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông - phân tích: Cần nhìn nhận gốc rễ của nạn “lót tay” để được xạ trị là do quá tải bệnh viện, khiến nhiều người muốn đưa tiền để được “chen ngang”, thay vì chờ đợi đến lượt.
Nhưng Bệnh viện K cũng cần xem xét lại công tác quản trị khi để xảy ra tình trạng tiêu cực, gây bức xúc dư luận, đồng thời, phải có giải pháp khắc phục bền vững.
Ông Đồng nhấn mạnh: Bên cạnh việc đầu tư thêm máy xạ trị để đáp ứng nhu cầu điều trị như Giám đốc Bệnh viện K đã cam kết, thì điều quan trọng nhất là phải đưa CNTT vào quản trị. Bệnh viện có thể sử dụng hệ thống công nghệ đăng ký như mua vé máy bay trực tuyến để bệnh nhân đăng ký xạ trị, thay vì dùng giấy hẹn. Như thế, đúng giờ đã đăng ký, bệnh nhân mới đến xạ trị, không phải ngồi chờ mà không biết lúc nào đến lượt. CNTT sẽ giải quyết được bài toán minh bạch, công bằng trong quản trị ở bệnh viện cũng như tâm lý đưa tiền cho nhân viên y tế để được “chen ngang”.
Theo ông Đồng, nếu Bệnh viện K gặp khó khăn, Cục CNTT Bộ Y tế có thể hỗ trợ trước cho Bệnh viện K cũng như các bệnh viện đang quá tải xây dựng hệ thống CNTT trong quản trị.
Đẩy mạnh đăng ký khám online
Chung quan điểm này, ông Trần Quý Tường - Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam - cũng cho rằng, để khắc phục những tồn tại khiến dư luận “dậy sóng” thời gian qua, Bệnh viện K phải quan tâm hơn nữa đến công tác quản trị bệnh viện, trong đó đặc biệt quan tâm ứng dụng CNTT trong quản lý.
Khi bệnh viện quá tải, thì việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh (KCB) phù hợp để người dân tiếp cận dịch vụ KCB thuận lợi hơn, minh bạch hơn là rất cần thiết và cấp bách. Bệnh viện K là bệnh viện có quy mô lớn, có nguồn thu, có quỹ đầu tư phát triển nên không thiếu kinh phí để triển khai ứng dụng CNTT.
Ông Tường cũng cho rằng, Bệnh viện K cần tăng cường hướng dẫn người dân đặt lịch KCB online đến từng khoa, phòng, cùng với sử dụng bệnh án điện tử, bỏ bệnh án giấy theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sẽ giúp Bệnh viện chủ động biết được số lượng bệnh nhân xếp hàng chờ khám bệnh, để bố trí thầy thuốc phù hợp với số lượng người bệnh khám hàng ngày.
Khi người dân đặt lịch khám online thì bệnh viện hướng dẫn họ chỉ nên đến bệnh viện trước 30 phút, để tránh quá tải vào đầu giờ sáng, gây ùn tắc một thời điểm. Thậm chí, bệnh nhân xạ trị mỗi ngày cũng đặt lịch online, để tạo sự minh bạch và công bằng cho người bệnh có chỉ định xạ trị.
Việc triển khai đặt lịch KCB online ban đầu sẽ có khó khăn vì người dân chưa quen, nhưng vẫn phải làm, để từng bước hình thành thói quen tốt cho người dân mỗi khi đi KCB. Nếu người bệnh chưa đăng ký online ở nhà, thì tại phòng khám bệnh, bệnh viện bố trí ki-ốt thông tin thông minh để họ đăng ký khám vào phòng nào, thời gian nào là biết ngay, không phải thấp thỏm chờ quá lâu, không quá tải người bệnh trong một thời điểm.
Ông Tường nhấn mạnh: Bệnh viện K cần khẩn trương cải tiến quy trình KCB phù hợp hơn, minh bạch hơn, tiêu chuẩn xạ trị đầy đủ, rõ ràng, đồng thời, phải thường xuyên có các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường giáo dục y đức đối với đội ngũ thầy thuốc, cũng như đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, khen, chê kịp thời.
“Quan trọng nhất là minh bạch và công bằng. Khó khăn người dân vẫn có thể chấp nhận, nhưng họ sẽ không chấp nhận nếu thiếu minh bạch và không công bằng trong tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ y tế” - Ông Tường chia sẻ.
CNTT giúp giám sát chất lượng lâm sàng
Là lãnh đạo một trong số ít bệnh viện đi đầu về chuyển đổi số và xây dựng bệnh viện thông minh, ông Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) - chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của đơn vị mình đã triển khai từ 2019, trước những ồn ào của Bệnh viện K: Quan trọng nhất là phải đảm bảo minh bạch. Ứng dụng CNTT sẽ giải quyết vấn đề này.
Bệnh nhân muốn xét nghiệm, chụp Xquang, chẩn đoán hình ảnh sớm, thì bệnh viện phải ứng dụng CNTT để hẹn giờ khám. Với hệ thống CNTT, lãnh đạo bệnh viện có thể giám sát được từ lúc bệnh nhân đăng ký đến lúc khám mất bao lâu, để không có chuyện bệnh nhân này đợi 2 tiếng vẫn chưa được khám, trong khi bệnh nhân kia đợi 1 tiếng đã vào; từ lúc lấy xét nghiệm đến lúc trả kết quả bao lâu…
Từ giám sát chuyên môn, phải có tiêu chí, phác đồ xạ trị rất cụ thể. CNTT sẽ cho biết từng ngày/tháng có bao nhiêu bệnh nhân đủ tiêu chí mà không được xạ trị.
“Nhất định phải đưa CNTT giúp quản lý, giám sát chất lượng lâm sàng. Hệ thống CNTT sẽ giám sát được thời gian, công suất làm việc của từng nhân viên” - Ông Thường “bật mí”.
Hàng ngày, bệnh viện có một bộ phận chuyên theo dõi và báo cáo giám đốc tình hình bệnh nhân, ví như còn tồn số bệnh nhân đã được chỉ định nhưng chưa được xạ trị do không có máy, thì đề nghị mua thêm máy…
Theo ông Thường, ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, hệ thống CNTT ở các khoa, phòng sẽ giúp giám đốc bệnh viện biết được bác sĩ ở phòng khám có đọc kết quả sau khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm/chụp chiếu hay không và đọc trong bao lâu, để tránh sót bệnh. Vì từng có bệnh viện để xảy ra việc bác sĩ khám không xem phim sau khi bệnh nhân đi chụp, nên đã không phát hiện bệnh nhân mắc ung thư vú và kết luận bình thường rồi cho về. Mấy tháng sau bệnh nhân quay lại thì đã di căn.
Hệ thống CNTT còn giúp lãnh đạo bệnh viện giám sát được các cán bộ y tế ở nhà mổ làm có đúng quy trình, từ rửa tay đến thao tác kỹ thuật hay không.
Ông Thường cũng lưu ý: Cùng với cải cách hành chính, ứng dụng CNTT để ngăn chặn tiêu cực, cũng cần phải chăm lo đời sống cho CBCNV để họ yên tâm làm việc.