Tự làm hỏng lá gan chỉ vì tin vào “thần dược” của thầy lang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chỉ vì muốn nhanh khỏi bệnh mà nhiều người đã tin tưởng vào những phương thuốc được coi là “thần dược” của thầy lang, dẫn đến tình trạng “tiền mất, tật mang”
Bệnh nhân Đ. bị xơ gan nặng sau nhiều năm uống thuốc nam (Ảnh - Minh Thuý)
Bệnh nhân Đ. bị xơ gan nặng sau nhiều năm uống thuốc nam (Ảnh - Minh Thuý)

Xơ gan nặng vì uống “Đại kiện can”

Gần đây, Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương liên tiếp tiếp nhận những bệnh nhân vào viện trong tình trạng sức khoẻ bị tổn hại nghiêm trọng vì nghe theo lời chào mời của thầy lang để uống thuốc nam trị các bệnh lý về gan.

Trao đổi với PV VietTimes, BS. CKII. Nguyễn Nguyên Huyền - Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cho biết: Trong số những bệnh nhân nhập viện, trường hợp mắc bệnh nặng, tốn nhiều thời gian để điều trị nhất là bệnh nhân K.T.T., 51 tuổi, sống ở Sông Công, Thái Nguyên. Ông T. vào viên trong tình trạng vàng mắt, vàng da, xơ gan kèm suy gan tối cấp, suy thận sau 1 tháng uống một loại thuốc nam có tên “Đại kiện can”.

BS. CKII. Nguyễn Nguyên Huyền - Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

BS. CKII. Nguyễn Nguyên Huyền - Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

Trước khi vào bệnh viện, bệnh nhân hoàn toàn khoẻ mạnh, chưa bị xơ gan. Sau khi bỏ thuốc tây y và uống 1 tháng thuốc nam thì sức khoẻ của bệnh nhân đã bị sụt giảm đáng kể.

Với mong muốn nhanh chóng khỏi bệnh, bệnh nhân đã tin tưởng vào lời giới thiệu của thầy lang xưng danh làm việc ở hội y học cổ truyền để uống thuốc “Đại kiện can”. Sau 1 tháng uống thuốc, bệnh nhân bắt đầu bị vàng mắt, vàng da, thậm chí là suy thận. Ngay lập tức, bệnh nhân đã được chuyển tới Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị. Sau khi được các bác sĩ tiến hành lọc máu, sức khoẻ của bệnh nhân đã ổn định, tiếp tục uống thuốc và điều trị lâu dài.

Cũng tin tưởng vào những lời chào mời của thầy lang về thuốc nam, ông Đ., 49 tuổi, sống ở Thái Nguyên, mắc bệnh gan 5 năm cho biết: “Khi nhà máy nơi tôi làm việc khám sức khoẻ định kỳ thì tôi mới biết mình mắc bệnh viêm gan B. Từ trước tới nay, chưa bao giờ tôi uống thuốc tây mà chỉ uống thuốc nam để trị bệnh. Cứ có ai giới thiệu thì tôi lại đi cắt thuốc nam để uống. Sau một thời gian dài uống thuốc nam, tôi bị xơ gan nặng nên phải nhập viện để điều trị”.

Ông Đ., 49 tuổi, sống ở Thái Nguyên, mắc bệnh gan tròn 5 năm (Ảnh - Minh Thuý)

Ông Đ., 49 tuổi, sống ở Thái Nguyên, mắc bệnh gan tròn 5 năm (Ảnh - Minh Thuý)

Ông Đ. cho hay: “Loại thuốc nam mà tôi uống gần đây nhất được mua của một thầy lang ở Trại Cau. Thuốc này gồm những lá thuốc cắt nhỏ, sấy khô được gói trong giấy. Tôi thường đun thuốc lên uống 3 ngày/thang từ đầu năm đến nay”.

Khác với ông T. và ông Đ., bà M., 61 tuổi, không chỉ uống thuốc nam để trị viêm gan mà còn uống nhiều loại thuốc khác được quảng cáo trên mạng như thuốc lá để giảm cân, thuốc khớp được bạn bè giới thiệu,…

Bà M., 61 tuổi, không chỉ uống thuốc nam để trị viêm gan mà còn uống nhiều loại thuốc khác được quảng cáo trên mạng (Ảnh - Minh Thuý)

Bà M., 61 tuổi, không chỉ uống thuốc nam để trị viêm gan mà còn uống nhiều loại thuốc khác được quảng cáo trên mạng (Ảnh - Minh Thuý)

Chia sẻ về việc uống thuốc nam để trị bệnh, bà M. tâm sự: “Sau khi uống nhiều loại thuốc khác nhau, tôi thấy cơ thể mệt mỏi, đau khớp chân. Đến gần Tết, bụng tôi bắt đầu bị trướng lên, vàng mắt, vàng da nên tôi phải đi khám. Khi vào viện, các bác sĩ phát hiện men gan của tôi tăng cao gấp 4 lần người bình thường. Ngay lập tức tôi đã nhập viện để điều trị”.

Trước đó, bà M. không hề bị viêm gan hoặc mắc các bệnh lý về gan, cơ thể hoàn toàn khoẻ mạnh, bình thường.

Không nên tin tưởng vào lời chào mời của thầy lang, quảng cáo trên mạng

BS. Mai Đình Cửu – Phó Trưởng Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – Thời gian gần đây, Khoa Viêm gan đã tiếp nhận những bệnh nhân bị viêm gan B uống thuốc nam do thầy lang mời chào, quảng cáo dẫn đến tình trạng bệnh nặng, bị xơ gan. Thậm chí, có bệnh nhân còn tự ý bỏ thuốc mà các bác sĩ chỉ định để trị bệnh dẫn đến tình trạng bệnh nặng, thậm chí không thể qua khỏi.

Trên thực tế, tất cả những độc chất vào cơ thể dù ở con đường nào thì lá gan là nơi duy nhất có thể khử độc. Do đó, gan được coi là một “nhà máy sinh hoá khổng lồ” để xử lý các độc chất từ bên ngoài vào cơ thể. Nhiều người bệnh viêm gan cảm thấy cơ thể hoàn toàn bình thường nhưng thực chất không phải như vậy vì mầm bệnh viêm gan đã có sẵn. Khi gan bị quá tải vì phải lọc nhiều độc chất, virus sẽ bùng phát gây tổn thương gan.

BS. Mai Đình Cửu – Phó Trưởng Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

BS. Mai Đình Cửu – Phó Trưởng Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

Vì vậy, BS. Cửu nhấn mạnh: “Nếu bệnh nhân đã nhiễm virus viêm gan B thì phải đi khám sức khoẻ định kỳ và tuân thủ quá trình điều trị. Khi phát hiện cơ thể có những biểu hiện bất thường như: mệt mỏi, vàng mắt, vàng da,…thì bệnh nhân phải đến bệnh viện để khám ngay, không nên uống thuốc nam hoặc uống các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo trên mạng. Đặc biệt, để phòng bệnh mỗi người dân nên đi tiêm vaccine phòng viêm gan B”.

Theo BS. Huyền, viêm gan B là bệnh khiến người bệnh mất nhiều thời gian để điều trị. Thời gian điều trị lâu khiến không ít bệnh nhân có tâm lý chán chường, mong muốn có phương pháp khác giúp bệnh nhanh khỏi. Nhiều người đã lợi dụng tâm lý này của người bệnh để lừa bệnh nhân rằng có loại thuốc giúp bệnh khỏi nhanh. Về nguyên tắc, mục đích chính của việc điều trị viêm gan là giúp bệnh nhân có thể sống lâu như người bình thường với chất lượng cuộc sống tốt nhất.

Trước những trường hợp bệnh nhân vào viện vì tự ý uống thuốc nam để trị bệnh, BS. Huyền khuyến cáo: Người dân hay có tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”. Tuy nhiên, để điều trị có hiệu quả các bệnh lý về gan, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế có uy tín để khám, chữa bệnh, không nên quá tin tưởng vào những quảng cáo trên mạng xã hội, internet vì những quảng cáo này chưa được Bộ Y tế kiểm chứng. Vì thế, nếu tin tưởng uống thuốc, sử dụng những loại thuốc chưa được chứng minh rõ nguồn gốc, xuất xứ, tác dụng, chính người dân sẽ phải hứng chịu hậu quả về sức khoẻ.