Trung Quốc xua “hạm đội tàu vỏ trắng” khuấy đảo Biển Đông

Vấn đề là Trung Quốc sẽ đối phó với các cuộc tuần tra như vậy chỉ bằng các hạm tàu hải cảnh hay lấy đó làm cái cớ để đưa hải quân nhập cuộc, một động thái chắc chắn sẽ gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Tàu hải cảnh Trung Quốc ngang ngược phun vòi rồng vào tàu thực thi pháp luật Việt Nam để ngăn cản không cho tiếp cận giàn khoan Hải Dương 891 hạ đặt trái phép trong vùng thềm lục địa Việt Nam năm 2014
Tàu hải cảnh Trung Quốc ngang ngược phun vòi rồng vào tàu thực thi pháp luật Việt Nam để ngăn cản không cho tiếp cận giàn khoan Hải Dương 891 hạ đặt trái phép trong vùng thềm lục địa Việt Nam năm 2014

Bloomberg ngày 26/10 tiếp tục cảnh báo hạm đội tàu hải giám, hải cảnh Trung Quốc đang trở thành đội quân tiên phong giúp Bắc Kinh thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Hạm đội “tàu vỏ trắng” ngày càng tăng cường hiện diện nhiều tại các vùng biển tranh chấp, đương đầu với các tàu cảnh sát biển và tàu cá của các nước tuyên bố chủ quyền khác. Bằng cách không điều động các tàu vỏ xám (tàu chiến) do quá lộ liễu, Trung Quốc tìm cách tránh bị quốc tế lên án về việc có thể làm nảy sinh rắc rối nếu cố gắng áp đặt chủ quyền bằng chiến hạm.

Theo Bloomberg, việc phân biệt này quan trọng trong bối cảnh quân đội Mỹ đang cân nhắc điều tàu chiến tiến vào khu vực 12 hải lý Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền xung quanh các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Biển Đông. Vấn đề là Trung Quốc sẽ đối phó với các cuộc tuần tra như vậy chỉ bằng các hạm tàu hải cảnh hay lấy đó làm cái cớ để đưa hải quân nhập cuộc, một động thái chắc chắn sẽ gia tăng căng thẳng trong khu vực.

‘Ban đầu có thể là hải cảnh, nhưng tôi lo về việc leo thang kiểm soát. Tôi nghĩ chúng ta phải  lường trước rằng hải quân Trung Quốc sẽ đáp trả theo cách nào đó”, Susan Shirk, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, hiện là chủ tịch chương trình Trung Quốc thế kỷ 21 thuộc Đại học California nói.

Bloombeerg đánh giá, Trung Quốc sử dụng hạm đội tàu vỏ trắng tại khu vực nhằm cố gắng nhấn mạnh thông điệp chính trị rằng Bắc Kinh xem ít nhất 80% diện tích Biển Đông thuộc chủ quyền của họ, là đối tượng thực thi pháp luật trái phép của nước này. Yêu sách chủ quyền phi lý dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” đơn phương vẽ bừa trên bản đồ vào những năm 1940. Tàu Trung Quốc thường hoạt động trên vùng biển xung quanh các bãi đá nay đang được ráo riết xây dựng đường băng và các trạm hải đăng.

“Trung Quốc đang sử dụng tàu hải cảnh như  một công cụ hung hăng trong chính sách nhà nước nhằm đỏi hỏi chủ quyền. Và họ đang theo đuổi các chiến thuật ngày càng hung hăng hơn”, Lyle Morris, chuyên gia Tập đoàn Rand Corp từng đến Việt Nam, Philippines, Trung Quốc và Nhật Bản để nghiên cứu về lực lượng cảnh sát biển nhận xét.

Vào tháng 6/2015, một tàu hải cảnh Trung Quốc yểm hộ một tàu cá nước này đã tiến vào vùng biển thuộc quần đảo Natuna của Indonesia,  theo đô đốc A. Taufiq R., tư lệnh hạm đội miền tây Indonesia. Quần đảo này nằm ngoài “đường lưỡi bò” và tướng Taufiq cho biết đã ra lệnh cho tàu Trung Quốc phải rời đi. Mặc dù Indonesia không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng một số quan chức vẫn bày tỏ lo ngại về các mưu đồ của Bắc Kinh.

Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào ở Biển Đông, nhưng giới chức Mỹ, bao bồm cả bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter liên tục tuyên bố rằng Mỹ sẽ bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Trung Quốc đã xây dựng một “hạm đội tàu vỏ trắng” lớn nhất tại châu Á để hậu thuẫn cho tuyên bố chủ quyền hung hăng ở Biển Đông, cũng như đòi hỏi chủ quyền ở biển Hoa Đông tại quần đảo Sankaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản. Biển Đông là một trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới, tuyến cung cấp thương mại và năng lượng giữa châu Âu và châu Á.

Bloomberg nhắc rằng, Trung Quốc từng huy động hạm đội tàu khổng lồ để bảo vệ việc hạ đặt phi pháp giàn khoan trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi năm 2014, dùng tàu đâm húc và bắn vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Năm 2012, Trung Quốc cũng dùng hạm đội tàu hải giám, hải cảnh trợ giúp việc chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines.

Hiểu rõ vai trò của hạm đội tàu vỏ trắng Trung Quốc, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, đô đốc Scott Swift tuyên bố hồi tháng 8 rằng Mỹ đang tìm cách đưa lực lượng tuần biển Trung Quốc vào một thỏa thuận các quốc gia nhất trí, được xây dựng để tránh các cuộc đụng độ trong các vụ ngăn chặn không mong muốn giữa tàu hải quân các bên. “Các tàu hải quân của tôi thường xuyên vấp phải nhiều vụ chặn đuổi trên biển với lực lượng hải cảnh Trung Quốc, trong khi chúng được các chiến hạm hộ tống”, đô đốc Swift cho biết.

Cơ quan tình báo hải quân Mỹ ước tính Trung Quốc có khoảng 205 tàu chấp pháp, trong khi Nhật Bản có 78 tàu, cảnh sát biển Việt Nam có 55 tàu và Philippines chỉ có 4 chiếc. “Bắc Kinh đặc biệt ưa sử dụng đội tàu hải cảnh trong chiến dịch thúc đẩy yêu sách chủ quyền trên biển, với một số ít hơn các tàu hải quân để bảo đảm an ninh”, một báo cáo công bố hồi tháng 4/2015 cho biết. “Đây là cuộc chơi về số lượng. Khi bạn cố gắng khẳng định chủ quyền và bạn có nhiều tàu hơn các đối thủ khác, thường là sau đó bạn sẽ giành phần thắng”, chuyên gia Morris nói.

Số lượng tàu vỏ trắng Trung Quốc (nhiều tàu là chiến hạm trá  hình)  vượt trội so với các nước trong khu vực
Số lượng tàu vỏ trắng Trung Quốc (nhiều tàu là chiến hạm trá hình) vượt trội so với các nước trong khu vực

Theo Tập đoàn chuyên nghiên cứu về quốc phòng IHS Jane’s, Trung Quốc đang tích cực chuyển đổi các tàu chiến cũ thành các tàu hải cảnh, hải giám. Janes còn công bố ảnh hai tàu hộ vệ Trung Quốc đang được sơn thành màu trắng tại một cảng hải quân. “Thậm chí bạn không dùng tới súng và các thứ khác, đó vẫn là những con tàu rất lớn, có thể bám biển dài ngày và chúng có thể phối hợp hoạt động với  các tàu chiến hiện tại”, chuyên gia Dean Cheng, chuyên nghiên cứu về năng lực quân sự thuộc Quỹ Di sản ở Washington nhận xét.

Việc Bắc Kinh bành trướng trên biển khiến các nước khác trong khu vực phải phát triển đội tàu dân sự của mình và thúc đẩy thỏa thuận hợp tác an ninh hàng hải khu vực với Mỹ và Nhật Bản nổi lên như những tay chơi chủ chốt, giúp xây dựng năng lực cảnh sát biển. Nhật Bản đã cung cấp cho Philippines và Việt Nam một số tàu tuần tra. Tháng 9/2015, Nhật Bản và Việt Nam đã ký ghi nhớ hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước.

Mỹ cũng tăng cường hỗ trợ sáng kiến thực thi luật pháp trên biển, được Ngoại trưởng John Kerry khởi động năm 2013. Tháng này, Mỹ cho biết sẽ cấp hơn 100 triệu USD cho các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia, từ số dự kiến ban đầu 25 triệu USD.

Tuy nhiên, những nỗ lực trên vẫn bị lu mờ khi so sánh với ngân sách Trung Quốc dành xây dựng hạm đội tàu vỏ trắng của họ. Rand Corp ước tính Trung Quốc chi khoảng 1,74 tỷ USD mỗi năm cho hạm đội tàu hải giám, hải cảnh trong 5 năm qua. Chỉ Nhật Bản mới có ngân sách gần bằng với khoảng 1,5 tỷ USD một năm. Cùng thời điểm, các nước châu Á-Thái Bình Dương khác chỉ chi từ 100-200 triệu USD/năm.

 “Điểm giới hạn ở chỗ các nước khác không thể dùng tàu hải quân để đối phó với những gì Trung Quốc đang làm vì hành động này bị xem là sự leo thang không cần thiết. Vì vậy thực tế họ cần đầu tư vào lực lượng cảnh sát biển, tuy nhiên vấn đề là họ không có nhiều ngân sách. Họ đang bị thách thức làm sao để đối phó”, ông Morris nói.

Theo QPAN