Trung Quốc xem Twitter, Facebook cấm TT Trump làm bài học khi quản lý Big Tech

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Một quan chức Trung Quốc cho rằng nước này không thể để hành vi tương tự diễn ra. Các nền tảng mạng xã hội tự do hóa quá mức sẽ là mối đe dọa chính trị với quốc gia.
Ảnh minh họa: SCMP
Ảnh minh họa: SCMP

Việc Tổng thống Donald Trump đồng loạt bị nhiều mạng xã hội (MXH) lớn cấm cửa đã gây sốc trên toàn cầu trong bối cảnh vai trò và quyền lực của Big Tech trong đời sống là vấn đề gây tranh cãi. Kể từ vụ bạo loạn Đồi Capitol tuần trước, ông Trump đã bị cấm dùng Twitter, cấm chưa rõ thời hạn trên Facebook, Instagram và bị YouTube đình chỉ 1 tuần.

Tại Trung Quốc, phản ứng trước vụ việc không đồng nhất. Nhiều người sốc vì mức độ táo bạo của các nền tảng Mỹ khi buộc Tổng thống “im lặng”. Số khác tin rằng ông Trump nên bị phạt. Lại có người tỏ ra cảm thông hơn vì họ cũng từng bị các MXH cấm.

Các học giả, cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc cũng nhanh chóng tham gia, phác họa lệnh cấm như câu chuyện cảnh tỉnh trước quyền lực quá lớn của MXH. Nhiều người cho rằng lệnh cấm đi ngược lại với tư tưởng ủng hộ tự do ngôn luận của Mỹ.

Tất cả diễn ra giữa lúc chính phủ Trung Quốc tăng cường giám sát các hãng công nghệ lớn trong nước, bắt đầu từ tháng 11/2020 với vụ hủy IPO sát nút của Ant Group và cuộc điều tra độc quyền Alibaba, công ty thương mại điện tử lớn nhất đại lục.

Chuyên gia nghiên cứu Mei Xinyu của Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ lo ngại trước việc các nền tảng tự do hóa quá mức sẽ là mối đe dọa chính trị tới đất nước. “Hành vi của các nền tảng MXH này đã gây hoảng loạn tại những quốc gia khác. Các hãng công nghệ Trung Quốc phải tạo ra tác động tích cực. Chúng ta sẽ không hạn chế bản thân về kinh tế song xét đến rủi ro chính trị, chúng ta không cho phép điều đó xảy ra tại Trung Quốc”.

Giáo sư Wang Sixin của Đại học Truyền thông Trung Quốc có chung quan điểm. Theo ông Wang, “một nhóm các gã khổng lồ công nghệ cùng nhau chặn đứng Trump là bài học cảnh tỉnh cho quy định của chúng ta. Nói cách khác, chúng ta không được phép để các các công ty Internet này, đặc biệt là liên minh của họ, đạt được độc quyền thông tin”.

Trên Weibo, biên tập viên của Thời báo Hoàn Cầu Hu Xijin cho rằng Trung Quốc nên duy trì tiêu chuẩn và nguyên tắc quản lý riêng đối với Internet, độc lập với hành động của chính phủ Mỹ hay các các công ty khác. “Mỹ từng bác bỏ cách Trung Quốc diễn giải tự do ngôn luận nhưng nay người Mỹ đã cho thấy con người thật của họ. Họ thừa nhận rằng xã hội của họ áp đặt các ràng buộc với tự do ngôn luận”.

Blogger nổi tiếng Ren Yi gọi lệnh cấm Tổng thống Trump của các MXH là ví dụ của “tư bản và doanh nghiệp lớn kiểm soát tự do ngôn luận”. Ren Yi nhận định “sức mạnh công chúng không thể hạn chế tự do ngôn luận song doanh nghiệp lại có thể. Đây là hiện thực thú vị đang xảy ra tại Mỹ”.

Trong khi toàn thế giới tranh luận về tự do ngôn luận, việc bị cắt đứt khỏi các dịch vụ Internet tại Trung Quốc gây hậu quả nặng nề. Những ứng dụng như WeChat đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống Trung Quốc, do đó không được sử dụng nó đồng nghĩa với không được tiếp cận nhiều dịch vụ quan trọng cả trên mạng lẫn ngoài đời, mất kết nối với bạn bè, gia đình.

Theo trang Caixin, tháng 8/2020, một người đã nhảy từ trung tâm chăm sóc khách hàng của Tencent tự sát sau khi không kháng cáo lệnh cấm WeChat thành công.

Lin Yi, một công dân Vũ Hán, nhận thấy sự hiện diện của Big Tech trong thường nhật là một vấn đề. Cô muốn các nhà chức trách ra quy định yêu cầu WeChat cảnh báo cho người dùng trước khi thực hiện bất kỳ biện pháp đình chỉ nào.

Giáo sư luật Jyh-an Lee tại Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông cho rằng các dịch vụ như thanh toán di động đã trở thành một tiện ích tại Trung Quốc, khiến mọi người không có lựa chọn thoát ra. Nó cũng biến các công ty trở thành đối tượng quản lý khi chính phủ muốn bảo vệ người dùng và củng cố quyền kiểm soát chính trị.

Theo ông Lee, “điều khiến công nghệ trở nên đặc biệt có giá là người dùng không còn lựa chọn nào khác. Bạn không thể sống thiếu Alipay hay WeChat Pay. Đó là cách mà chính phủ quản lý các hành vi riêng tư, thông qua các hãng công nghệ cao. Mọi hành động bạn làm trên mạng đều được theo dõi, lập hồ sơ và ghi lại. Vì thế dữ liệu trở nên vô cùng quan trọng. Nó không chỉ bôi trơn nền kinh tế mới mà còn là nguồn lực quan trọng”.

Theo tạp chí Oriental Outlook, Cơ quan quản lý an ninh mạng Thiên Tân xem dữ liệu lớn là công cụ quản trị quan trọng. Dữ liệu lớn cũng quan trọng không kém quân sự và tuyên truyền. Với cuộc điều tra đang diễn ra và giới thiệu một loạt dự thảo mới nhằm vào các hãng Internet về độc quyền và dữ liệu người dùng, các công ty Trung Quốc chỉ còn cách hợp tác. Dù sao, theo ông Lee, hợp tác cũng tốt hơn là đối đầu.

Theo Vietnamnet