Trung Quốc vẫn còn tụt hậu trong công nghệ bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mặc dù đổ rất nhiều ngân sách vào việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ cốt lõi nhưng hiện tại Trung Quốc vẫn đi sau 3 hoặc 4 thế hệ so với những công nghệ tân tiến nhất hiện nay.
Ảnh: Techwire Asia
Ảnh: Techwire Asia

Trở lại năm 2018, Chủ tịch Tập Cận Bình lưu ý rằng “Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ cốt lõi là rắc rối tiềm ẩn lớn nhất đối với chúng tôi”. Thật vậy, ngành công nghiệp bán dẫn được coi là chiến trường chiến lược quan trọng, trong khi đó Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Thông điệp cốt lõi của ông Tập nhấn mạnh rằng có những rủi ro tiềm ẩn đi kèm với việc các công nghệ cốt lõi chưa được làm chủ trong nước.

Trên thực tế, ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc “phải đẩy nhanh việc phát triển các kế hoạch trong nước của chúng ta, thiết lập các hệ thống công nghệ thông tin an toàn và có thể kiểm soát được, thúc đẩy và tạo đột phá trong nghiên cứu và phát triển máy tính hiệu suất cao, truyền thông di động, truyền thông lượng tử, và chip lõi và hệ thống vận hành”.

Đây chính là những gì Trung Quốc đã và đang làm, còn hơn thế nữa kể từ khi đại dịch xuất hiện. Nước này thậm chí đã công bố kế hoạch đầu tư 1,4 nghìn tỉ USD từ năm 2020 đến năm 2025 vào các công nghệ tiên tiến và bao gồm cả chất bán dẫn.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của quốc gia này, được công bố vào tháng 3 năm ngoái. Kế hoạch này đã liệt kê chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là hai trụ cột làm nền tảng cho sự phát triển công nghệ trong tương lai trong 5 năm tới. Mục tiêu của Trung Quốc là có thể tự cung tự cấp chất bán dẫn và là nhà xuất khẩu linh kiện công nghệ cao cho các quốc gia khác.

Được biết, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố trong tuần này rằng sản lượng chất bán dẫn của Trung Quốc đã tăng 33% kể từ năm ngoái, cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng đã đạt được trong một năm trước đó. Con số này cho thấy đất nước có thể đang đi đúng hướng trong việc đạt được các mục tiêu của mình.

Liệu Trung Quốc có bắt kịp với các công nghệ bán dẫn hiện đại nhất?

Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ chất bán dẫn lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc đại lục lại đi sau Mỹ hàng dặm về việc chế tạo bộ vi xử lý tiên tiến. Có thể thấy, vai trò chính của Trung Quốc trong thế giới chất bán dẫn chỉ đơn giản là nhà lắp ráp và đóng gói.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNBC, Phó chủ tịch tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDC) phụ trách công nghệ và chất bán dẫn Mario Morales đã thảo luận về cuộc chạy đua chip bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc. “Tôi vẫn tin rằng Trung Quốc có lẽ đã đi sau 3 hoặc 4 thế hệ so với những công nghệ tân tiến nhất hiện nay” ông nói.

Morales cho rằng các quy trình 16 nanomet hoặc 14 nanomet trở xuống chính là những công nghệ hàng đầu. Ông nói thêm: “Phần lớn công nghệ đó đến từ Đài Loan và Hàn Quốc và một mức độ nhất định ở Mỹ, với Intel. Tóm lại, Trung Quốc đã không theo kịp tốc độ phát triển này".

Các chip thường được đánh giá bằng các tiến trình nanomet, đây là thước đo chiều rộng của các cổng trong bóng bán dẫn của chip; cổng nhỏ hơn cho phép hoạt động nhanh hơn mà sử dụng ít năng lượng hơn. SMIC của Trung Quốc cho biết họ có thể sản xuất chip 14nm, mặc dù hoạt động kinh doanh chính của họ hiện đang sản xuất các con chip với tiến trình 28nm và các công nghệ khác.

Để so sánh, Công ty sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), hiện là công ty sản xuất chip lớn nhất trên thế giới, đặt mục tiêu tăng cường sản xuất hàng loạt chip 3nm vào cuối năm nay, khiến SMIC chậm hơn 5 đến 6 năm so với gã khổng lồ chất bán dẫn này.

Một trong những doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn khác của Trung Quốc đại lục ngoài SMIC là Huawei. Mặc dù cả hai công ty này đều là những doanh nghiệp lớn với quy mô toàn cầu nhưng cả hai đều chưa một lần lọt vào top 15 thế giới về doanh số bán dẫn. Mặc dù Huawei là một công ty đẳng cấp thế giới, nhưng khả năng thâm nhập thị trường của Huawei đã bị hạn chế kể từ khi các chính sách của chính quyền Trump trước đây được áp dụng.

Tóm lại, sẽ không mất quá nhiều thời gian nữa để Trung Quốc có thể tự chủ về công nghệ cốt lõi, quốc gia này hiện đang có một khởi đầu tốt. Hiện tại, Trung Quốc đã là nước chi tiêu nhiều thứ hai trên thế giới cho R&D (nghiên cứu và phát triển), họ đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Mỹ.

Theo Techwire Asia