Mỹ tham gia “cuộc chiến" chế tạo chip với Trung Quốc, tại sao Nhật Bản lại lo lắng và không vui?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khi Mỹ và các quốc gia khác tăng cường đầu tư vào lĩnh vực chế tạo chip, Nhật Bản luôn lo lắng rằng mình sẽ bị tụt hậu, hoặc thậm chí bị bóp chết.
Ảnh: AsiaTimes
Ảnh: AsiaTimes

Theo Reuters, Mỹ có kế hoạch đầu tư hàng tỉ USD vào sản xuất chip để chống lại địa vị đang lên của Trung Quốc, Nhật Bản ngửi thấy mùi nguy hiểm và lo ngại trận chiến mới này có thể chấm dứt ngành công nghiệp bán dẫn từng thống trị thế giới của họ. Trong ba thập kỷ qua, thị phần của Nhật Bản trong ngành bán dẫn toàn cầu đã giảm mạnh từ 50% xuống 10%.

Trên thực tế, khi Mỹ và các quốc gia khác tăng cường đầu tư vào lĩnh vực chip, Nhật Bản luôn lo lắng rằng mình sẽ bị tụt hậu trong cuộc cạnh tranh này, hoặc thậm chí bị bóp chết.

Để bắt kịp "ba mươi năm đã mất", Chính phủ Nhật Bản đã thiết lập chiến lược công nghiệp kỹ thuật số bán dẫn với mục tiêu mở rộng năng lực sản xuất trong nước vào tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng không dễ để Nhật Bản "lội ngược dòng".

Giảm mạnh từ 50% xuống 10%

Trong thế vận hội Olympic Tokyo vừa qua, nước chủ nhà Nhật Bản đã mang đến nhiều công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và công nghệ theo dõi 3D. Tuy nhiên, trong mắt truyền thông nước ngoài, so với ánh hào quang trong quá khứ, công nghệ của Nhật Bản có phần "giảm sút".

Bloomberg viết rằng trong khi Mỹ và Trung Quốc đang thiết lập các tiêu chuẩn trong lĩnh vực công nghệ và dữ liệu, Nhật Bản đối mặt với nguy cơ tụt hậu hơn nữa.

Cũng giống như thực tế được phản ánh trong Thế vận hội Tokyo, sự suy giảm của Nhật Bản trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực chip, ngày càng trở nên nổi bật. Theo số liệu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, sau "ba mươi năm đã mất", thị phần sản xuất chip toàn cầu của Nhật Bản đã giảm từ 50% xuống còn 1/10.

Tài liệu do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ban hành vào đầu năm nay cho thấy ước tính đến năm 2030, thị phần của Nhật Bản trong ngành công nghiệp chip toàn cầu có thể bằng không.

Đồng thời, các quan chức Nhật Bản lo ngại rằng một số công ty nổi tiếng của Nhật Bản, bao gồm nhà sản xuất chip Shin-Etsu, nhà sản xuất vật liệu bán dẫn SUMCO, JSR, nhà sản xuất máy móc Sculin Group và Tokyo Electronics,... có thể sẽ theo đà của những gã khổng lồ bán dẫn châu Á như TSMC của Đài Loan, và "chuyển" sang Mỹ.

Người phát ngôn của JSR cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng đáp ứng những thay đổi chính sách ở các quốc gia khác nhau bất kỳ lúc nào".

"Ba mươi năm đã mất"

Ảnh: QQ
Ảnh: QQ

Vào những năm 1980, Nhật Bản từng thống trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Nhờ quá trình phát triển nhanh chóng sau chiến tranh, khả năng cạnh tranh xuất khẩu của ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản đã tăng lên rất nhiều, và thị phần của Nhật Bản trên thị trường thế giới đã đạt hơn 50%.

Tuy nhiên, kể từ đó, với sự phát triển lặp đi lặp lại của công nghệ chip cùng các công ty mới nổi ở Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan lần lượt xuất hiện, vị thế của các nhà sản xuất Nhật Bản đã giảm tương đối. Với việc chuyển giao mảng kinh doanh bán dẫn của Toshiba và việc Matsushita rút khỏi mảng kinh doanh bán dẫn, kỷ nguyên huy hoàng của Nhật Bản kết thúc.

Tuy nhiên, khi mô hình kinh tế truyền thống chuyển sang nền kinh tế số và nền kinh tế thông minh, chip ngày càng trở nên quan trọng hơn trong thời đại ngày nay, thậm chí chúng còn được một số quốc gia đưa vào lĩnh vực an ninh quốc gia. "Không ngoa khi nói rằng ai làm chủ được chất bán dẫn sẽ làm chủ thế giới", theo Cựu Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Bản Akira Amari.

Dưới ảnh hưởng bởi các yếu tố như đại dịch Covid-19, tình trạng thiếu chip trên toàn cầu đã trở nên nghiêm trọng hơn kể từ cuối năm ngoái, và nó đã lan sang điện tử tiêu dùng và các lĩnh vực khác. Bloomberg cho biết, đối mặt với cuộc khủng hoảng "thiếu lõi", Nhật Bản rất mong manh vì sau nhiều thập kỷ đầu tư không đủ, các nhà sản xuất của nước này phải nhập khẩu khoảng 2/3 số chip.

Đồng thời, Mỹ và Liên minh châu Âu đã và đang tăng cường đầu tư, cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt. Vào tháng 5 năm nay, có thông tin cho rằng Liên minh châu Âu có kế hoạch thành lập một "liên minh chip" để đầu tư một khoản tiền khổng lồ nhằm đạt được khả năng tự cung cấp chip. Ngoài ra, EU cũng có ý định chi khoản tiền khổng lồ để thu hút Intel, Samsung hay TSMC thành lập các nhà máy sản xuất chip cao cấp tại châu Âu.

Vào tháng 6 năm nay, Thượng viện Mỹ đã thông qua một kế hoạch lập pháp toàn diện, cho phép phân bổ khoảng 190 tỉ USD để tăng cường nghiên cứu công nghệ của Mỹ, trong đó 54 tỉ USD được sử dụng để sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn và thiết bị viễn thông.

Ngoài ra, Samsung Electronics và SK Hynix của Hàn Quốc cũng đang nỗ lực chạy đua, họ không muốn bị tụt lại trong cuộc cạnh tranh định hướng tương lai này.

"Hồi sinh" không dễ

Ảnh: QQ
Ảnh: QQ

Để bắt kịp nhịp độ cạnh tranh này, chính phủ Nhật Bản cũng coi cung cấp chất bán dẫn là một ngành công nghiệp then chốt quan trọng không kém cung cấp thực phẩm và năng lượng.

Vào tháng 5 năm nay, Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản đã thành lập một nhóm chuyên đảm bảo nguồn cung cấp chất bán dẫn của Nhật Bản và cải thiện khả năng cạnh tranh của Nhật Bản trong lĩnh vực này. Nhóm sẽ do Akira Amari làm chủ tịch, cựu Thủ tướng Shinzo Abe và Bộ trưởng Tài chính hiện tại Taro Aso sẽ giữ vai trò cố vấn cấp cao.

Ông Shinzo Abe đã nói trong cuộc họp đầu tiên của nhóm: "Chúng ta phải làm điều gì đó ở một cấp độ hoàn toàn khác".

Kể từ đó, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã công bố vào tháng 6 năm nay rằng Nhật Bản đã hoàn thành việc nghiên cứu và biên soạn chất bán dẫn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và chiến lược công nghiệp kỹ thuật số, đồng thời thiết lập chiến lược công nghiệp kỹ thuật số bán dẫn với mục tiêu mở rộng năng lực sản xuất.

Theo chiến lược này, Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác với nước ngoài, cùng phát triển công nghệ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến và đảm bảo năng lực sản xuất; đẩy nhanh đầu tư kỹ thuật số, tăng cường thiết kế và phát triển chất bán dẫn logic tiên tiến; tối ưu hóa bố cục của ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, và tăng cường khả năng phục hồi công nghiệp.

Reuters chỉ ra rằng thành công của Nhật Bản sẽ phụ thuộc vào nguồn vốn. Tính đến nay, Nhật Bản đã phân bổ 500 tỉ yên (tương đương 4,5 tỉ USD) để tăng cường chuỗi cung ứng công nghệ, giúp các công ty giải quyết vấn đề "thiếu hụt cốt lõi" và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang 5G, nhưng vẫn còn yếu so với các nước khác.

Ông Akira Amari nói với Reuters rằng ông hy vọng sẽ "đưa Nhật Bản trở thành số một một lần nữa". Tuy nhiên, xem xét tình hình tài chính hiện tại của Nhật Bản, Nhật Bản sẽ khó có thể cạnh tranh với Mỹ, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc.

Tetsuro Toshiro, cựu chủ tịch của Tokyo Electronics và là người đứng đầu nhóm chuyên gia chiến lược chip của chính phủ Nhật Bản, trước đây cũng từng nói rằng sẽ mất 10 năm hoặc hơn để xây dựng một ngành công nghiệp đẳng cấp thế giới. "Thật không dễ dàng để trở lại. Nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội này ngay bây giờ, có lẽ chúng ta sẽ không còn cơ hội khác".

Theo QQ