Trung Quốc và Mỹ: Ai sẽ chiến thắng trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mặc dù hiện tại Mỹ đang dẫn đầu cuộc đua AI, nhưng trong tương lai gần, việc Mỹ có thể tiếp tục duy trì được vị thế hay không là điều khó có thể đoán trước.
Trong lĩnh vực AI, Mỹ đang phải đối đầu với một đối thủ đáng gờm đến từ châu Á - Trung Quốc. Ảnh: The Intercept
Trong lĩnh vực AI, Mỹ đang phải đối đầu với một đối thủ đáng gờm đến từ châu Á - Trung Quốc. Ảnh: The Intercept

Trung Quốc đang trên đà phát triển nhanh chóng hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên thế giới. Quốc gia châu Á này đã sẵn sàng tiên phong trong việc đưa các ứng dụng AI vào sản xuất, chăm sóc sức khỏe và giao thông, đi trước phương Tây trong các công nghệ mới quan trọng.

Cố vấn trưởng về châu Á của Tổng thống Mỹ Joe Biden - ông Kurt Campbell cho rằng Mỹ nên “cân bằng giữa hợp tác và cạnh tranh” với Trung Quốc. “Chúng ta đã bị bỏ xa trong cuộc đua giành vị trí dẫn đầu trong một loạt các ứng dụng AI - một lĩnh vực quan trọng trong các chính sách phát triển của Mỹ” - ông Kurt nói.

Trung Quốc đang thực hiện mục tiêu xây dựng 10 triệu trạm gốc di động 5G vào năm 2024, cung cấp “công nghệ nền” cho toàn bộ đất nước để phát triển các công nghệ khác. Một số đã được triển khai để đối phó với đại dịch COVID-19.

Các cảm biến được kết nối với điện thoại thông minh và liên kết với cơ sở dữ liệu tập trung nhằm theo dõi các dấu hiệu quan trọng của hàng trăm triệu công dân và người nước ngoài ở Trung Quốc trong thời gian thực. Hình ảnh 3D của khuôn mặt cho phép các hệ thống này theo dõi việc di chuyển của mọi người và các liên lạc với những người khác.

Các thuật toán AI sẽ trích xuất thông tin từ những dữ liệu này để xác định các điểm nóng dịch bệnh tiềm ẩn, sau đó đưa ra các hướng dẫn để phòng ngừa dịch bệnh. Sự kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả của Trung Quốc đã tạo động lực đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ số trong lĩnh vực y tế.

Công nghệ nhận dạng 3D khuôn mặt trong các sáng kiến y tế cộng đồng của Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm của quốc tế. Trong khi các nhà phân tích Hoa Kỳ thường tập trung vào tác động của nó đối với việc kiểm soát xã hội thì tại Trung Quốc, công nghệ này thậm chí còn được tích hợp vào một loạt các dịch vụ khác. Với công nghệ nhận dạng khuôn mặt mới, người dân Trung Quốc có thể đi tàu, mua sắm sản phẩm và nhận các dịch vụ y tế mà không cần tiếp xúc trực tiếp.

Nhiều công nghệ y tế cộng đồng đang được phát triển tại Trung Quốc. Trong vài năm tới, nước này dự kiến sẽ triển khai một hệ thống y tế tiên tiến sử dụng dữ liệu lớn và các cảm biến. Chìa khóa của hệ thống y tế mới này là các robot - dựa trên cơ sở dữ liệu lớn để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, bao gồm cả chăm sóc người cao tuổi tại nhà.

Robot cũng sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong sản xuất. Thời gian phản xạ gần như là ngay lập tức dưới sự hỗ trợ của băng thông rộng 5G, cho phép chúng chia sẻ thông tin và thậm chí tự đưa ra các quy trình sản xuất trong nhà máy.

Tại Trung Quốc, việc sản xuất các thiết bị công nghệ cao như điện thoại thông minh đã được tự động hóa rất cao. Hiện chưa có quốc gia nào có thể vượt được Trung Quốc trên cả hai phương diện với các sản phẩm có chất lượng cao và chi phí sản xuất thấp. Dưới sự “bảo hộ” của chính phủ, những rào cản cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc đã tăng lên nhanh chóng, giúp các tập đoàn tư nhân công nghệ cao của nước này vươn lên mạnh mẽ.

Trung Quốc cũng đang trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực giao thông tự lái. Quốc gia này dự kiến sẽ thương mại hóa việc chở khách và giao hàng bằng công nghệ tự lái vào năm 2035. Đây là một mục tiêu khá tham vọng và đòi hỏi cần có những khoản đầu tư “khủng”.

Lĩnh vực giao thông tự lái cũng sẽ cần đến sự phối hợp của ô tô, xe buýt, tàu cao tốc và các hình thức vận chuyển khác. Các thành phố mới đang được xây dựng để hỗ trợ giao thông tự lái, trong khi việc chuyển đổi các thành phố hiện sẽ lại là một thách thức lớn hơn. AI sẽ đóng một vai trò quan trọng. Baidu, Alibaba, Tencent và những công ty công nghệ khác đang hợp tác với các công ty sản xuất ô tô Trung Quốc để phát triển các phương tiện này. Đồng thời, một hệ thống máy bay không người lái mới cũng đang được phát triển để vận chuyển hàng hóa.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang xây dựng chuỗi cung ứng pin và các thành phần khác của xe điện. Nó sẽ tạo ra công suất pin lớn nhất cho ô tô điện trong vài năm tới, với kỳ vọng sản xuất 21 triệu chiếc vào năm 2030. Với lĩnh vực sản xuất pin năng lượng mặt trời, tình hình cũng tương tự - với việc các công ty Trung Quốc chiếm 85% công suất của thế giới.

Trung Quốc còn là quốc gia dẫn đầu thế giới về tiền tệ kỹ thuật số. Khoảng 75-85% dân số đã sử dụng smartphone để thanh toán các khoản mua hàng hóa và dịch vụ. Các ứng dụng như Alipay, WeChat Pay,… được áp dụng một cách rộng rãi.

Đối với các cuộc thảo luận về việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, không có nền kinh tế nào trên thế giới có lực lượng lao động và cơ sở hạ tầng để tạo ra nhiều khác biệt như Trung Quốc. Nhu cầu về thiết bị y tế và điện tử tiêu dùng của Mỹ tăng cao đã đưa sản lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đạt mức kỷ lục trong năm 2020 bất chấp mức giá cao hơn mà người tiêu dùng và các công ty Hoa Kỳ phải trả cho các sản phẩm của Trung Quốc vì thuế quan. Hầu hết các nhà máy của Trung Quốc sẽ hoạt động hết công suất vào năm 2021.

Việc đưa các các dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc trở về Mỹ được cho là một nhiệm vụ khó khăn. Các công ty Mỹ không muốn chi ra một khoản đầu tư lớn để xây dựng các cơ sở sản xuất tự động hóa cao cho các sản phẩm công nghệ cao ở trong nước. Nhưng điều đó không có nghĩa là các nhà chức trách Mỹ sẽ từ bỏ mục tiêu này. Có ít nhất 4 bài học mà họ có thể rút ra từ sự thành công trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc.

Thứ nhất, Trung Quốc sẽ không cúi đầu trước áp lực từ phía Mỹ. Thành tích kinh tế của Trung Quốc năm 2020 của Trung Quốc cho thấy khả năng phục hồi của các công ty công nghệ nước này bất chấp các lệnh trừng phạt của Washington. Nó cũng thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng không có lý do gì phải chấp nhận các yêu cầu của Mỹ về việc thay đổi mô hình quản lý kinh tế của họ.

Thứ hai, Mỹ có rất ít đòn bẩy để tạo ra một sự thay đổi chính trị ở Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn giữ vững được uy tín của mình sau “cú sốc” ban đầu liên quan đến đại dịch và sẽ giữ vững “Thiên mệnh” của mình trong năm 2021 và hơn thế nữa. Chính sách thuế quan và tẩy chay công nghệ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump đã không thể kiềm chế được Trung Quốc thậm chí còn làm giảm vị thế của Mỹ trên thế giới.

Thứ ba, Mỹ phải phát triển một chiến lược hàn gắn cho “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và thuyết phục các đồng minh rằng sự lãnh đạo của Mỹ là tốt nhất cho lợi ích của họ. Kinh phí cho nghiên cứu và phát triển sẽ phải tăng gấp đôi khi Washington đẩy mạnh phát triển nền kinh tế kỹ thuật số. Mặc dù chiến dịch của Tổng thống Joe Biden trước đó hứa hẹn sẽ chi tiêu nhiều hơn để thúc đẩy vai trò lãnh đạo công nghệ của Mỹ nhưng quy mô của yêu cầu này dự kiến sẽ còn lớn hơn rất nhiều so với mức dự kiến.

Thứ tư, Mỹ phải giải quyết được nguyên nhân cơ bản khiến lĩnh vực sản xuất của họ suy giảm. Trong khi các chính phủ châu Á hỗ trợ mạnh tay cho ngành sản xuất thì cơ cấu thuế doanh nghiệp của Mỹ lại ủng hộ các doanh nghiêp dịch vụ và phần mềm “ít vốn”. Nếu Mỹ muốn vượt qua Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất, viễn thông và vũ khí, nước này cần có một chính sách công nghiệp ưu tiên các khoản đầu tư yêu cầu nhiều vốn.

Theo News Week