Chiến đấu cơ Trung Quốc hoạt động phi pháp ở Biển Đông |
Mối quan hệ Trung – Mỹ lại nổi phong ba kể từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế The Hague về vấn đề Biển Đông bác bỏ hoàn toàn yêu sách hoang tưởng về cái gọi là “đường chín Đoạn” của Trung Quốc. Trong ván cờ Trung – Mỹ hiện nay, khu vực này là khu vực địa chính trị quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến an ninh thế giới. Khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ cuối cùng như thế nào? Liệu có phải cuộc chiến này chỉ là vấn đề sớm hay muộn?
Tổ chức nghiên cứu chiến lược nổi tiếng Rand của Mỹ vừa công bố báo cáo “Chiến tranh với Trung Quốc – Điều không thể tưởng tượng”, theo đó cho rằng cuộc chiến tranh Mỹ - Trung không phải hoàn toàn không có khả năng, cho dù hiện cả hai nước không bên nào dám khai chiến, nhưng quân đội hai bên đều đang sẵn sàng cho tình thế chiến tranh có thể xảy ra.
Quân đội Trung Quốc luôn lớn tiếng rằng, nếu xảy ra chiến tranh ở Biển Đông thì Trung Quốc chắc chắn sẽ chiến thắng. Một bài xã luận trên Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc còn tự tin nhận định nếu chiến tranh nổ ra, “lòng quyết tâm của Trung Quốc cao hơn Mỹ, năng lực chịu đựng tổn thất chiến tranh cũng cao hơn Mỹ”. Khả năng chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ cuối cùng như thế nào? Liệu có phải cuộc chiến này chỉ là vấn đề sớm hay muộn?
Theo giả thuyết trong báo cáo của tổ chức Rand, có 4 tình thế trong chiến tranh Trung – Mỹ: cuộc chiến cấp tốc cường độ cao, cuộc chiến trường kỳ cường độ cao, cuộc chiến cấp tốc cường độ trung bình và cuộc chiến trường kỳ với cường độ trung bình. Tuy nhiên theo báo cáo, nếu xảy ra chiến tranh giữa hai nước thì sẽ là cuộc chiến cường độ cao trong thời gian dài và Trung Quốc sẽ tổn hại lớn hơn nhiều, không chỉ về phương diện quân sự mà còn về kinh tế và chính trị. Tổ chức Rand cũng nhận định, do thực lực quân sự của Trung Quốc đã mạnh hơn nên nếu Mỹ khai chiến cũng khó đảm bảo điều khiển được cuộc chiến như dự tính của mình, cũng không hẳn có thể quyết định được thắng lợi.
Vì sao Rand công bố báo cáo này? Mục đích và động cơ là gì? Có thể Rand đang cảnh cáo Trung Quốc không nên có hành động quá khích ở Biển Đông, đặc biệt không nên dùng vũ lực giải quyết tranh chấp, nếu không sẽ phải gánh hậu quả nghiêm trọng. Vì sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế The Hague về Biển Đông, Trung Quốc đã có hàng loạt hành động khiêu khích, lôi kéo cả Nga tham gia vào kế hoạch biểu dương lực lượng. Quân đội Trung Quốc càng lúc càng có thái độ cứng rắn.
Những động thái của Trung Quốc khiến người Mỹ không hài lòng, Phó Tổng thống Biden đã lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc rằng, “chi tiêu quốc phòng của Mỹ nhiều hơn tổng số 8 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới gộp lại, đừng trông chờ Mỹ sẽ từ bỏ vai trò ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Ngoài ra, mục đích của Rand còn là đánh đòn tâm lý đối với Trung Quốc để Bắc Kinh nhận rõ tình hình, biết người biết ta, tránh manh động.
Tổ chức Rand nổi tiếng về dự đoán tình hình, đã từng có những dự đoán chính xác về vấn đề Trung Quốc xuất quân giúp Triều Tiên, ngoại giao Trung - Mỹ, nguy cơ tên lửa đạn đạo Cuba, suy thoái kinh tế Mỹ và sự kiện trọng đại thống nhất nước Đức. Có thể nói, đây là tổ chức Think Tank hàng đầu của Mỹ. Với tiếng tăm lừng lẫy, báo cáo của Rand chắc chắn gây ảnh hưởng mạnh đối với lãnh đạo Trung Quốc, cho dù Bắc Kinh không muốn thừa nhận công khai.
Báo cáo cũng chỉ ra, Washington không muốn nổ ra cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Báo cáo không chỉ khuyên nhủ Trung Quốc mà còn nhắc nhở Lầu Năm Góc: Tuy Trung Quốc khó giành chiến thắng nhưng phần thắng của Mỹ cũng chưa thể tính được, nhưng cho dù cục diện như thế nào thì cả hai nước đều phải trả cái giá rất đắt, vì thế phải vô cùng cẩn trọng trong quyết định. Gần đây Trung Quốc đã ngày càng tỏ thái độ phản ứng cứng rắn, trong nội bộ thì khuấy động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, một phần để gia cố vị thế nắm quyền của chính quyền. Đây là nguyên nhân khiến tổ chức Rand công bố báo cáo để cảnh tỉnh chính quyền hai nước.
Xung đột Mỹ - Trung cũng là kết quả ván cờ lợi ích của hai cường quốc, trong đó gồm lợi ích quốc gia, các tập đoàn tư bản, vị thế địa chính trị, và xung đột về hệ tư tưởng quản lý xã hội. Vì muốn giữ vững vị thế của mình, Mỹ không muốn Trung Quốc nổi lên tranh giành quyền lực và địa vị của Mỹ. Còn Trung Quốc muốn nổi lên thì không thể không đụng chạm đến lợi ích của Mỹ, buộc phải tranh giành tầm ảnh hưởng và quyền lực với Mỹ. Có thể nói, xung đột Trung – Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương là điểm quan trọng nhất của xung đột thế giới trong tương lai, dễ hiểu vấn đề Biển Đông càng lúc càng trở thành điểm nóng của khu vực.
Theo phân tích, rất khó để xác định phần thắng bại nếu cuộc chiến tranh Trung – Mỹ nổ ra. Theo tuyên bố của Bắc Kinh thì Trung Quốc có sức chịu tổn hại cao hơn Mỹ, vì thế Mỹ sẽ thua. Tổ chức Rand thì cho rằng, Trung Quốc sẽ tổn hại khủng khiếp nếu duy trì cuộc chiến cường độ cao kéo dài. Thực tế, quan điểm mỗi bên đều có lý của mình, phản ánh những tình thế khác nhau. Trung Quốc là nước tập quyền nên có hiệu quả cao trong điều khiển quân đội cũng như ý thức người dân, ngoài ra còn có ưu thế về sức mạnh lòng tự tôn dân tộc cũng như những ký ức tiêu cực về lịch sử thực dân, nhờ đó có sức mạnh trong việc điều động nhân dân tham chiến, đây là những vũ khí lợi thế của Trung Quốc so với Mỹ. Nhưng sức mạnh này của Mỹ không hề thua nếu nhìn vào Thế chiến thứ Hai, còn sau hơn nửa thế kỷ tình hình này hiện nay tăng hay giảm như thế nào thì chưa thể biết được.
Tuy vậy, một số giả thuyết của Rand trong trường hợp Trung – Mỹ có chiến tranh cho thấy Trung Quốc ở vào thế yếu. Vài chục năm qua quân đội Trung Quốc chưa từng tham gia chiến đấu nên rất thiếu kinh nghiệm thực chiến, nghiêm trọng nhất là lối sống quân nhân bị sa đọa trong thời gian dài nên khó có thể lạc quan về sức chiến đấu của đội quân này. Ngoài ra, vũ khí hạt nhân sẽ kết liễu bất cứ nước lớn nào phát động chiến tranh, còn vũ khí mới với công nghệ tiên tiến hơn sẽ làm thay đổi hoàn toàn cục diện, vì thế rất khó để dự đoán tình hình.
Nhìn chung, cả Mỹ và Trung Quốc không bên nào muốn khai chiến, nhưng cũng khó bảo đảm trong 20 – 30 năm sau có nổ ra chiến tranh giữa hai nước này hay không. Điều này còn phụ thuộc vào tư duy chiến lược và đối sách của lãnh đạo hai nước, còn người ra quyết sách lại bị ràng buộc vì những lợi ích của họ. Ngành công nghiệp vũ khí khổng lồ của Mỹ và kế sách vận động hành lang có ảnh hưởng lớn đến chính sách quân đội của Mỹ, họ thường xuyên phóng đại tiềm lực để gây uy hiếp và dựng lên những kẻ thù mới, vì đây là cách hưởng lợi của họ.
Trong khi khu vực châu Á – Thái Bình Dương là miếng mồi béo bở để buôn bán vũ khí, là khu vực đang tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, khi xảy ra tình hình căng thẳng thì các nước sẽ tận dụng nguồn tài nguyên khổng lồ cho việc bổ sung quân bị, cuốn vào xung đột. Thực tế này khiến cuộc chiến tranh Trung - Mỹ trở nên rất khó lường.