Trung Quốc tuyên bố nhà máy điện "đầu tiên trên thế giới" được trang bị hệ thống "làm mát trực tiếp tự nhiên" (NDC) hiện đã được nối lưới điện tại tỉnh Thiểm Tây.
Điều này đánh dấu một "bước đột phá" trong công nghệ làm mát nhà máy điện của Trung Quốc, theo một báo cáo được công bố bởi China Global Television Network (CGTN).
"Công nghệ này, được tờ báo địa phương Thiểm Tây mô tả là một 'cuộc cách mạng trong làm mát không khí công nghiệp', sử dụng luồng không khí tự nhiên trong nhà máy để dẫn nhiệt đến các thiết bị ngưng tụ không khí".
Theo giải thích của Powerchina Northwest Engineering Corporation Ltd., nhà phát triển công nghệ, hệ thống NDC không cần bất kỳ quạt nào để tạo ra luồng không khí, giúp tiết kiệm điện và giảm tiếng ồn so với các phương pháp làm mát không khí thông thường.
Không giống như các hệ thống làm mát gián tiếp, hệ thống NDC không cần máy bơm nước, công ty tuyên bố.
Powerchina Northwest chuyên về xây dựng cơ sở hạ tầng. Công ty tham gia xây dựng đường cao tốc, cầu đường và các dịch vụ liên quan khác. Công ty cũng hoạt động trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch, quản lý môi trường sinh thái nước, v.v.
Công ty có trụ sở tại Thiểm Tây cho biết: “Hệ thống NDC kết hợp những ưu điểm của cả hệ thống làm mát bằng không khí và làm mát gián tiếp".
Các chi tiết chính xác về cách thức hoạt động của hệ thống NDC này cho đến nay vẫn chưa được tiết lộ.
Hệ thống công nghệ này sẽ cho phép Nhà máy điện Yanghuopan ở thành phố Ngọc Lâm, Thiểm Tây, tiết kiệm 24.500 tấn than và cắt giảm 54.100 tấn khí thải carbon hàng năm, theo một báo cáo từ Tập đoàn Truyền thông Trung Quốc (CMG) cho biết.
Theo những thông tin từ CMG, với công suất 660 gigawatt giờ mỗi năm, nhà máy điện này sẽ hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng điện ở miền trung Trung Quốc.
Theo Shaanxi Daily, công nghệ NDC đã được công nhận là bộ máy công nghệ quan trọng ở cấp quốc gia.
Trung Quốc đã tăng cường khai thác than và xây dựng nhà máy nhiệt điện than với tốc độ nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới, điều này đã làm tăng lượng khí thải nhà kính lên gần 6% vào năm ngoái, tốc độ nhanh nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Trung Quốc đốt nhiều than hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. Và có thể hình dung rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục phụ thuộc vào than trong nhiều thập kỷ nữa, New York Times đưa tin vào tháng 11 năm 2022.
Các quốc gia phương Tây lo ngại về tham vọng xây dựng các cơ sở nhiệt điện than mới của Trung Quốc, có thể tiêu tốn tới 1 tỉ USD mỗi cơ sở.
Đặc phái viên về khí hậu của chính quyền Mỹ, John Kerry, đã đưa ra một cảnh báo nghiêm trọng vào năm ngoái, nói rằng "việc bổ sung hơn 200 gigawatt than trong 5 năm qua, và hiện có thêm 200 gigawatt nữa đang trong giai đoạn lập kế hoạch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng nóng lên toàn cầu".
Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã hứa rằng nước này sẽ thúc đẩy năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo nhanh hơn trong một báo cáo trước cuộc họp toàn quốc của Đảng Cộng sản vào tháng 10 năm 2022.
Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh năng lượng, điều này cho thấy rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục dựa vào than đá, loại nhiên liệu mà nước này có trữ lượng lớn nhất trong tất cả các quốc gia trên thế giới.
Theo IE