Ngày 9/7, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đồng loạt đưa tin về các cuộc tập trận của hải quân nước này ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, chỉ vài ngày trước khi Tòa án Trọng tài Thường trực ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông.
Theo tờ Nhật Báo Giải phóng quân Nhân dân, hải quân nước này ngày 8/7 đã tiến hành các cuộc tập trận giao tranh với các tên lửa thật, ở khu vực nằm giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam. Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV thì chiếu hình ảnh các máy bay tiêm kích và chiến hạm đang bắn các tên lửa, các phi cơ, trực thăng đang cất cánh và các tàu ngầm đang di chuyển.
Tờ Quân giải phóng cho biết cuộc tập trận chủ yếu tập trung vào kiểm soát không phận, hải chiến và chiến tranh chống tàu ngầm. Tuy nhiên tờ báo này khẳng định đây là một cuộc thao diễn bình thường, không có liên quan gì đến vụ kiện Biển Đông. Theo dự kiến, ngày 12/07 tới, Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về bản đồ «đường lưỡi bò».
Trung Quốc loan báo các cuộc tập trận ở khu vực Hoàng Sa sẽ kéo dài một tuần, từ 5/7 đến 11/07, tức là sẽ kết thúc ngay trước ngày tòa ra phán quyết. Đây rõ ràng là một hành động cố tình thách thức dư luận và tòa án quốc tế, đẩy tình hình khu vực leo thang căng thẳng của Trung Quốc. Giáo sư Trường Hải chiến Mỹ và là chuyên gia về luât hàng hải James Kraska nêu rõ, hành vi Bắc Kinh lập khu vực cấm tiếp cận, không cho tàu bè qua lại trên vùng biển quốc tế rõ ràng vi phạm Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển.
Khi đệ đơn kiện Bắc Kinh vào năm 2013, Manila đã chủ yếu yêu cầu Tòa Trọng tài ra phán quyết rằng những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc được thể hiện qua bản đồ «đường lưỡi bò» là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, mà cả hai nước đều đã ký kết. Nhưng Bắc Kinh đã không thừa nhận thẩm quyền xét xử của Tòa án Trọng tài Thường trực và đã nhiều lần tuyên bố sẽ không tuân thủ phán quyết của tòa án này.
Ngày 4/7 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng phản đối các cuộc tập trận nói trên của Trung Quốc, xem đây là hành động «xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa». Việt Nam yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt những hành động đe dọa đến an ninh và an toàn hàng hải.