Tờ Nam Hoa buổi sáng Hồng Kông ngày 19/9 cho hay Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc vừa qua đã phê chuẩn "Nguyên tắc cấp cao G20 về truy bắt truy tìm chống tham nhũng", đồng thời thành lập Trung tâm nghiên cứu truy tìm, truy bắt chống tham nhũng ở Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Trung Quốc.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 cũng đã phê chuẩn "Kế hoạch hành động chống tham nhũng G20 năm 2017 - 2018", đã đưa ra các khái niệm mới như "không khoan nhượng", "không sơ hở", "không có rào cản".
Mặc dù những biện pháp chống tham nhũng này hoàn toàn không cần các nước thành viên G20 biểu quyết thông qua bằng hình thức bỏ phiếu, Trung Quốc cũng chỉ mong muốn thông qua nhóm công tác chống tham nhũng của các nước thành viên để triển khai thực hiện, nhưng tất cả các biện pháp cũng đã được đệ trình toàn bộ lên Hội nghị Thượng đỉnh phê chuẩn. Đây là một thành quả quan trọng.
Năm 2010, G20 đã thành lập cơ chế hợp tác chống tham nhũng, nhưng một số nước đến nay vẫn là "cảng tránh gió" cho quan chức tham nhũng và là điểm đến của tài sản khả nghi.
Các nước trên thế giới đã đạt được đồng thuận: Các biện pháp chống tham nhũng của các nước thành viên G20 có tác dụng quan trọng trong tiến hành truy bắt tội phạm và truy tìm tang vật quốc tế.
Từ khi thiết lập Văn phòng công tác truy bắt, truy tìm quốc tế của Tiểu ban phối hợp chống tham nhũng Trung ương đến nay, Trung Quốc đã lần lượt triển khai các chiến dịch như "Lưới trời 2014", "Lưới trời 2015", bắt và mang về nước được 1.915 người từ hơn 70 quốc gia và khu vực, thu về 7,47 tỷ nhân dân tệ.
Mặt khác, có 100 cán bộ nhà nước chạy ra nước ngoài và cán bộ tình nghi liên quan vụ án tham nhũng đã bị đưa vào "lệnh truy nã đỏ" của Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), 1/3 trong số đó đã bị bắt.
Vụ án mua bán phiếu bầu được công khai gần đây càng cho thấy kết quả chống tham nhũng của Trung Quốc. Ngày 26/8, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố khai trừ chức vụ và khai trừ Đảng đối với ông Trịnh Ngọc Trác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân (Nhân đại) tỉnh Liêu Ninh.
Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc vừa triệu tập hội nghị, xử lý ảnh hưởng của vụ bê bối phiếu bầu này.
Tân Hoa xã cho biết trong số 62 cán bộ của Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tỉnh Liêu Ninh có 38 người bị mất tư cách đại biểu do dính dáng đến mua bán phiếu bầu.
Không chỉ có vậy, có 523 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Liêu Ninh liên quan đến vụ án. 45 đại biểu Quốc hội dính dáng đã bị hủy bỏ tư cách. Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật tỉnh Liêu Ninh còn cho hay Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thành phố Thẩm Dương đang bị điều tra do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Vụ mua bán phiếu bầu ở tỉnh Liêu Ninh là "án trong án" của một vụ đại án tham nhũng, có liên quan đến Vương Mân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh.
Vương Mân cũng là đại biểu Quốc hội Trung Quốc, bị tổ chức điều tra vào tháng 3/2016. Ông ta sau đó bị lên án là có rất nhiều hành vi tham nhũng trong quá trình tổ chức bầu cử và đề bạt quan chức ở địa phương.
Phạm vi và số người liên quan của vụ mua bán phiếu bầu lần này khiến cho dư luận cảm thấy kinh ngạc.
Cùng với việc vụ mua bán phiếu bầu ở Liêu Ninh được đưa ra ánh sáng, thành quả chống tham nhũng của Hội nghị Thượng đỉnh G20 có thể cuối cùng sẽ được quan tâm đúng mức.
Tân Hoa xã ngày 13/9 cũng cho rằng, từ Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay, ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc nhiều lần tuyên bố rằng trạng thái sức ép cao trong chống tham nhũng phải tiếp tục duy trì, kiên trì trừng trị tham nhũng với thái độ "không khoan nhượng".
Từ vụ phá hoại bầu cử ở Hành Dương, tỉnh Hồ Nam năm 2013 đến vụ mua chuộc phiếu bầu ở Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên năm 2015, và nay là vụ mua chuộc phiếu bầu ở Liêu Ninh năm 2016, Trung ương Trung Quốc đã tỏ thái độ kiên quyết chống mua bán phiếu bầu, kiên trì điều tra triệt để, tiến hành điều tra, ngăn ngừa và truy trách nhiệm một cách nghiêm túc.
Việc kiên quyết xét xử vụ mua bán phiếu bầu ở Liêu Ninh là một "quả đấm" nữa được tung ra để Trung ương Trung Quốc thúc đẩy toàn diện trị quốc bằng pháp luật, chỉnh đốn toàn diện tổ chức đảng, là tín hiệu rõ ràng tiếp theo khi tuyên chiến với mua bán phiếu bầu.
Vụ án này được điều tra cho thấy Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới, trạng thái mới trong cuộc chiến chống tham nhũng. Ở Trung Quốc sẽ không có vùng cấm, không khoan nhượng đối với tội tham nhũng.
Hiện nay là thời điểm bầu cử hội đồng nhân dân ở cơ sở và ban lãnh đạo các cấp ở địa phương. Việc xét xử vụ mua bán phiếu bầu ở Liêu Ninh là thông điệp cảnh cáo đối với các đại biểu hội đồng nhân dân các cấp ở Trung Quốc tuyệt đối không được dùng tiền để đổi chác, không cho phép tiền thẩm thấu được vào chế độ đại hội đại biểu nhân dân, không cho phép thông qua bất cứ thủ đoạn nào can thiệp vào cuộc bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân - Tân Hoa xã nhấn mạnh.
Tân Hoa xã cuối cùng cho hay Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ nghiêm túc điều tra làm rõ trách nhiệm, tiếp tục làm nghiêm kỷ luật, bảo đảm cho các cuộc bầu cử được "sạch sẽ" bằng quyết tâm "sắt", biện pháp "sắt" và kỷ luật "sắt".