Trung Quốc không thể độc chiếm Biển Đông nếu các nước đoàn kết

VietTimes -- “Các nước cần phải kết hợp lực lượng với nhau, nương nhờ lực lượng của nhau, cùng nhau tạo cơ chế hợp tác đa phương thì Trung Quốc không thể đạt được tham vọng độc chiếm Biển Đông” - Nhà ngoại giao kỳ cựu Nguyễn Khắc Huỳnh nhận định.
Nhà ngoại giao kỳ cựu Nguyễn Khắc Huỳnh.
Nhà ngoại giao kỳ cựu Nguyễn Khắc Huỳnh.

Vì sao Bắc Kinh ngày càng hung hăng?

Ông Nguyễn Khắc Huỳnh nói: “Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ tham vọng siết gọng kìm trên Biển Đông, và chiến dịch gọi là “giành chủ quyền biển lịch sử” của Bắc Kinh sẽ bao trùm toàn bộ “đường lưỡi bò” phi lý. Trung Quốc đang ráo riết thực hiện hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa các vị trí chiến lược nhằm đẩy nước khác ra khỏi vùng đất tranh chấp hoặc tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên toàn bộ hay một phần Biển Đông.

Điềunày trở nên rõ ràng hơn vào thời điểm hiện tại, khi mà Bắc Kinh có ý đồ dọa nạt và sử dụng sức mạnh nhằm khống chế khu vực theo ý mình, bất chấp luật pháp hay nguyên tắc quốc tế. Trung Quốc đã, đang và sẽ triển khai nhiều vũ khí và hoạt động quân sự nhằm khống chế các cửa ngõ của Biển Đông, tiến tới bao vây và độc chiếm Biển Đông, nơi hàng năm vận chuyển khối lượng thương mại trị giá lên tới 5,3 nghìn tỉ USD, và cũng là nơi có nguồn dự trữ dầu và khí đốt lớn.

Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã nhanh chóng tiến hành cải tạo trên 2.900 ha diện tích đất ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam để tăng cuờng yêu sách chủ quyền và khả năng kiểm soát các vùng nuớc xung quanh. Cách hành xử hung hăng của Trung Quốc là nhằm mục đích ngăn chặn việc đi lại của các quốc gia khác gần các đảo nằm trong yêu sách của Trung Quốc mà không cần phải trực tiếp dùng các tàu để đe doạ can thiệp”.

Nguyên nhân sâu xa nào khiến Trung Quốc tăng cuờng yêu sách chủ quyền và khả năng kiểm soát các vùng nuớc xung quanh, bất chấp dư luận khu vực và quốc tế, nhất là Mỹ nhiều lần đe dọa yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, thưa ông?

- Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo tôi, có 2 lý do chính. Một là, Trung Quốc có ưu thế quân sự vượt trội hơn so với bất kỳ bên yêu sách nào khác ở khu vực và họ hiểu rằng họ có thể giành đuợc điều mà họ muốn mà không cần phải thoả hiệp nhiều. Nói cách khác, các nước Đông Nam Á theo đuổi chính sách đối ngoại không có lợi cho Trung Quốc sẽ gặp phải sự trả đũa từ Bắc Kinh bằng cách ngăn cản việc khai thác tài nguyên, cản trở việc đi lại của tàu hải quân và thương mại, hoặc là sử dụng sức mạnh kinh tế để chèn ép trong quan hệ song phương.

Hai là, Trung Quốc cho rằng Mỹ chưa nghĩ ra kế hoạch ngăn hoạt động xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Các nhà lãnh đạo quân đội Trung Quốc, trong các phát biểu của mình, thường cho rằng Mỹ yếu kém khi thể hiện sự thận trọng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể đang xem tiến triển chậm chạp trong việc hoạch định chính sách của Washington (trong giai đoạn giao thời bầu cử Tổng thống Mỹ) như một sự do dự mà Bắc Kinh có thể tận dụng.

Việc Bắc Kinh đưa tên lửa HQ-9 tới Phú Lâm, theo tôi, là động thái leo thang được tính toán chặt chẽ đường đi nước bước trong quá trình “quân sự hóa” Biển Đông. Nếu chiến lược dài hạn của Trung Quốc là chiếm ưu thế quân sự trên Biển Đông, việc triển khai tên lửa HQ-9 sẽ phục vụ mục tiêu ngắn hạn là răn đe Mỹ thực hiện hoạt động tự do hàng không gần Hoàng Sa. Bắc Kinh nhiều khả năng cũng đã tính toán rằng sự hiện diện của các giàn tên lửa HQ-9 này sẽ không làm bùng phát một cuộc khủng hoảng tên lửa nghiêm trọng, nhưng nó cũng đủ để mở rộng ảnh hưởng của nước này trên Biển Đông.

Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông cuối tháng 6/2010 (Ảnh: AFP)Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông cuối tháng 6/2010 (Ảnh: AFP)

Những bước đi thực tế của Mỹ

Nói như vậy có nghĩa là thế giới “bó tay” trước những hành động ngang ngược của nhà cầm quyền Bắc Kinh?

- Kẻ mạnh nào cũng có điểm yếu. Trung Quốc đang “đơn thương độc mã” trên Biển Đông, gây tác động xấu đến an ninh khu vực, và hành động đó đang khiến Bắc Kinh tự cô lập mình trước cộng đồng quốc tế. Trung Quốc không “chơi đẹp”, lại lựa chọn lối đi sai lầm chệch hướng khỏi thông lệ và quy tắc quốc tế vốn là nền tảng cho kiến trúc an ninh châu Á- Thái Bình Dương, cũng như sự đồng thuận về ưu tiên giải pháp ngoại giao, tránh sử dụng vũ lực của khu vực.

Trong khi các nước trong khu vực muốn ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông thì có nhiều. Các nước cần phải kết hợp lực lượng với nhau, nương nhờ lực lượng của nhau, và cùng nhau tạo cơ chế hợp tác đa phương. Nếu các đối thủ của Trung Quốc ở Biển Đông có đối sách tận dụng được điểm yếu của Trung Quốc và điểm mạnh của mình, thì Trung Quốc khó lòng đạt được tham vọng độc chiếm khu vực.

“Trong chiến tranh Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, gây ra thảm họa to lớn, nhưng người Nhật chẳng những không thù địch với Mỹ mà còn trở thành đồng minh tin cậy của Mỹ là vì sao? Vì năm 1952, quân chiếm đóng Mỹ trả chính quyền về cho chính phủ Nhật Bản. Sau 7 năm chiếm đóng, người Mỹ cải cách triệt để con đường phát triển của Nhật Bản, chủ quyền quốc gia từ trong tay kẻ chuyên chế trao lại cho người dân Nhật Bản, những tiền đề tiến bộ đầu tiên này giúp người Nhật bước vào con đường thênh thang. Hơn 10 năm sau, Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, quốc gia phồn vinh, nhân dân giàu có, xã hội ổn định”

Nguyễn Khắc Huỳnh
Còn vai trò của Mỹ ở khu vực này thì sao, thưa ông? Các nước, trong đó có Việt Nam có thể trông chờ gì ở họ?

-Có thể nói, Mỹ có lợi ích trực tiếp đối với sự ổn định ở Biển Đông, vốn đến nay vẫn được duy trì thông qua khuôn khổ an ninh Châu Á-Thái Bình Dương. Trong nhiều năm, Mỹ đã cố gắng thúc đẩy một môi truờng giúp tạo điều kiện cho các nuớc có tranh chấp chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông có thể đi đến thỏa hiệp. Mỹ đã đi đầu trong nỗ lực duy trì luật pháp quốc tế và ủng hộ các tiến trình ngoại giao đa phương, và Mỹ cũng đã có hành động để bảo vệ đồng minh và các đối tác của mình ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trong số đó, nhiều hành động được thực hiện với mục tiêu khuyến khích các nuớc quanh khu vực phản kháng lại những hành động hiếu chiến của Trung Quốc. Các chuyên gia Mỹ đều khẳng định Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter đã có kế hoạch cho việc này và Washington hiện có rất nhiều cách để đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc. Chẳng hạn, Mỹ đã gia tăng các hoạt động trong khu vực, đồng thời đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn.

Nhưng người Mỹ rõ ràng là cần phải có những bước đi cụ thể hơn chứ không chỉ dừng lại ở sự đe dọa Trung Quốc?

- Mỹ đang triển khai những hành động thực tế. Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt đầu triển khai Sáng kiến An ninh Biển (Maritime Security Initiative - MSI) nhằm xây dựng và nâng cao năng lực biển cho các nước đồng minh, đối tác trong khu vực. Khoản ngân sách để thực hiện sáng kiến này trong 5 năm đầu tiên là 425 triệu USD, theo đó Mỹ sẽ viện trợ cho 5 quốc gia chính gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, cùng với các đối tác Singapore, Brunei và Đài Loan nhằm mục tiêu cải thiện năng lực cho các quốc gia, vùng lãnh thổ này trong giải quyết một loạt các thách thức hàng hải trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng thể hiện sự hung hăng trên Biển Đông.

Quan hệ Việt - Mỹ quan trọng thế nào?

Trong mối quan hệ Mỹ- Trung, Việt- Mỹ và Việt –Trung, ông đánh giá như thế nào về quan hệ Việt-Mỹ?

- Trong giai đoạn cực kỳ phức tạp hiện nay thì việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ, nâng quan hệ này lên tầm cao mới là hết sức quan trọng với Việt Nam.

Cho đến nay vẫn còn không ít người Việt Nam nhìn Mỹ với con mắt thù địch. Đã đến lúc chúng ta phải khép lại quá khứ đau thương, nhìn về tương lai của chính chúng ta chứ không phải vì người Mỹ. Phải gạt bỏ chuyện thắng-thua, ám ảnh ý thức hệ để nhìn nước Mỹ như một siêu cường số 1 trên thế giới. Vì vậy chuyến thăm Việt Nam vào cuối tháng 5 tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama rất có ý nghĩa với Việt Nam. Những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ ông Obama muốn để lại một di sản của mình trong 2 nhiệm kỳ làm Tổng thống. Việc gỡ bỏ cấm vận và tới thăm Cuba vừa qua là một tín hiệu lạc quan cho thấy Tổng thống Barack Obama thực sự muốn để lại dấu ấn như là một người ôn hòa, muốn thế giới phát triển hòa bình.

Như chúng ta vừa phân tích ở trên, việc đem lại hòa bình và ổn định ở Biển Đông không thể thiếu vai trò của siêu cường số 1 thế giới là Mỹ.

Nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh (hàng thứ hai, ngoài cùng, bên trái) tại Hội nghị Paris. (Ảnh Tư liệu)

Vậy Việt Nam có thể trông mong gì ở chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama?”

-Tôi tin rằng chuyến thăm sẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư, phát triển kinh tế, tăng cường quan hệ Mỹ-Việt và hợp tác trong các vấn đề toàn cầu. Đương nhiên, Tổng thống Obama sẽ bàn bạc về Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm tăng cường thương mại và cơ hội đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, tác động của hiệp định đến Mỹ và Việt Nam. Trong đó, vấn đề không thể thiếu là cùng nhau bàn thảo về vấn đề an ninh khu vực.

Có ý kiến cho rằng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama không hẳn chỉ hoàn toàn thuận lợi cho Việt Nam. Rất có thể sau đó Mỹ sẽ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm mua bán vũ khí sát thương với Việt Nam. Tuy nhiên điều kiện đưa ra là vấn đề nhân quyền, thưa ông?

- Trong đàm phán quốc tế luôn kèm theo điều kiện là chuyện bình thường. Vấn đề cần cải thiện nhân quyền thì nước nào cũng có.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu rõ vấn đề này. Phát biểu ngày 8/7/2015, tại trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trong chuyến thăm Mỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Nhân quyền là vấn đề mà cả hai nước còn có những khác biệt trong cách nhìn nhận, và chúng ta nên tiếp tục làm việc thông qua các đối thoại thẳng thắn, mang tính xây dựng để đạt được một nền tảng chung trong vấn đề nhân quyền, và tiến tới một sự thay đổi có tính hệ thống, nền tảng trong vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Chúng ta không thể để vấn đề nhân quyền trở thành rào cản trong quan hệ đang lớn mạnh của Việt Nam và Mỹ”.

Có một vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Việt- Mỹ, đó là “Diễn biến hòa bình”. Liệu vấn đề này có phải là cản trở trong quan hệ hai nước?

- Tôi xin hỏi Mỹ thực sự muốn Việt Nam mạnh lên hay yếu đi tại khu vực? Điều người Mỹ muốn là Việt Nam thực sự mạnh lên, không “đi theo” Trung Quốc, liên minh với Mỹ, cùng các nước khác trong khu vực, ngăn chặn mưu đồ của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Việt Nam lớn mạnh ở khu vực, thì bản thân nước Mỹ chỉ có lợi, vì với người Việt Nam, Trung Quốc luôn là mối nghi ngại nhất, người Việt luôn lo họa Trung Quốc xâm lăng. Lịch sử 4000 năm như vậy rồi, và trong tương lai xa chắc chắn sẽ vẫn như vậy. Việt Nam mạnh là một thế lực kìm tỏa Trung Quốc ở biển Đông. Người Mỹ cần điều đó không? Cần chứ.

Còn “diễn biến hòa bình” là sản phẩm của thời chiến tranh lạnh. Hiện nay không ít người cho rằng đây là một nguy cơ. Đó là một thực tế. Tuy nhiên, theo tôi, không nên quá bị ám ảnh về điều này.

Mỹ chưa bao giờ đi chiếm lãnh thổ của ai cả. Mỹ là cường quốc. Hiện tại, do nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, nước Mỹ cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Nhưng xét về mặt tổng thể, trong một tương lai xa, Mỹ vẫn là cường quốc số 1 thế giới. Do đặc thù của nền chính trị Mỹ, do cơ cấu, tổ chức chính quyền, Mỹ thừa khả năng điều chỉnh những bất cập ấy. Vì là siêu cường, trách nhiệm của Mỹ đối với thế giới cũng lớn hơn các nước khác. Việt Nam chúng ta cần hiểu rõ điều này và phải coi quan hệ Việt- Mỹ được nâng lên thì an ninh của Việt Nam càng được củng cố.

Ông Nguyễn Khắc Huỳnh vừa là một trong những chứng nhân vừa là hiện thân lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Sinh năm 1928. Bắt đầu nghề ngoại giao từ năm 18 tuổi. Thành viên Đoàn đàm phán nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 1968-1973, từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Mozambique, Zimbabwe, Zambia. Những tác phẩm như “Ngoại giao Việt Nam- phương sách và nghệ thuật đàm phán”, “Nghệ thuật ngoại giao Việt Nam, góc nhìn và suy ngẫm”, “Nghệ thuật ngoại giao Việt Nam với cuộc đàm phán Paris” và hàng loạt các bài phát biểu, tham luận khác của ông thực sự là những công trình nghiên cứu giá trị và bài học quý giá cho các nhà hoạt động ngoại giao Việt Nam.