Trung Quốc bỏ xa Mỹ trên mặt trận thanh toán di động

Silicon Valley có thể là quê hương của các hãng công nghệ tiêu dùng ảnh hưởng nhất thế giới song các gã khổng lồ Trung Quốc lại đang bỏ xa trong cuộc đua phát triển dịch vụ thanh toán di động.
Dùng ứng dụng Alipay quét mã QR để thanh toán khi mua đồ ăn vỉa hè
Dùng ứng dụng Alipay quét mã QR để thanh toán khi mua đồ ăn vỉa hè

Thị trường thanh toán điện tử của Trung Quốc đang do Alibaba và Tencent thống trị. Cả hai đã bắt đầu chuyển giao tiền, cố vấn sản phẩm và kỹ thuật cho các startup thanh toán di động tại các thị trường châu Á khác, từ Indonesia đến Ấn Độ. Khi người dùng châu Á đang dần chuyển từ tiền mặt sang ứng dụng smartphone để mua sắm và chuyển tiền cá nhân, các doanh nghiệp Mỹ vẫn chỉ tập trung vào thị trường quê nhà, theo nhận xét của nhà phân tích Shiv Putcha của hãng nghiên cứu IDC.

Số liệu của iResearch cho biết thị trường thanh toán di động tại Trung Quốc năm 2016 ước tính 9.000 tỷ USD, gấp gần 90 lần so với quy mô tại Mỹ, ước tính 112 tỷ USD, theo dữ liệu từ Forrester. Hai nền tảng Alipay của Alibaba và Tenpay của Tencent xử lý khoảng 90% thanh toán trực tuyến xét theo giá trị giao dịch. Khi thị trường nội địa dần bão hòa, Alibaba và Tencent lại đi tìm tăng trưởng ở nước ngoài, hỗ trợ startup địa phương tại những nước mới nổi chạy hệ thống tiền di động.

Theo CB Insights, các nhà đầu tư xứ Trung đã rót 2,7 tỷ USD cho startup công nghệ tài chính châu Á trong quý II/2017. Cũng như ở Trung Quốc, nhiều cửa hàng không có máy POS để xử lý thanh toán qua Apple Pay và Android Pay. Trong khi đó, ít khách hàng sở hữu thẻ tín dụng hay ghi nợ cần thiết.

Lãnh đạo ứng dụng thanh toán di động lớn nhất Ấn Độ, Paytm, tìm cảm hứng từ Alibaba, một trong các nhà đầu tư quan trọng của hãng. Giám đốc tài chính Madhur Deora cho biết công ty của mình được hưởng lợi từ những cuộc họp thường xuyên với các quan chức cao cấp của Alibaba. Nhân viên Paytm cũng bay sang văn phòng Alibaba tại Trung Quốc và ngược lại. Họ trao đổi ý tưởng về thiết kế, sản phẩm.

Kết quả là hơn 225 triệu người dùng của Paytm tại Ấn Độ có thể dùng sản phẩm tiết kiệm để mua vàng qua nền tảng. Ý tưởng này được đưa ra để thu hút những người vốn quen tích trữ của cải bằng vàng.

Năm ngoái, khi chính phủ Ấn Độ đột nhiên loại bỏ 86% tiền mặt nhằm hạn chế tham nhũng và trốn thuế, Paytm đã nổi lên. Nó hỗ trợ các cửa hàng – phần lớn không chấp nhận thẻ tín dụng vì thiếu máy quét – bằng sticker in logo Paytm và mã QR, công nghệ mà người dùng smartphone Trung Quốc đang sử dụng rộng rãi để thanh toán và mua sắm. Nền tảng người dùng của Paytm tăng chóng mặt.

Hiện tại, Paytm đang được dùng để trả cho mọi thứ. Người bán không cần thiết bị gì đặc biệt ngoài mã QR để chuyển tiền từ tài khoản di động của người mua sang người bán. Hồi tháng 5, tập đoàn Softbank Nhật Bản đã đầu tư 1,4 tỷ USD vào Paytm.

Mới đây, Google cũng ra mắt ứng dụng thanh toán di động riêng cho Ấn Độ để mọi người chuyển tiền cho người khác và doanh nghiệp mà không cần đến thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ. Trong lúc này, Alibaba và đối tác Ant Financial đã đầu tư vào công ty dịch vụ tài chính Ascend Money của Thái Lan.

Các ông hoàng thanh toán di động của Trung Quốc còn có một động cơ khác, đó là tiếp cận lượng khách du lịch nước ngoài – nhóm người tiêu dùng đang phát triển nhanh chóng. Alibaba và Tencent muốn phát triển đường dây giữa nền tảng thanh toán với dịch vụ cốt lõi nhằm đảm bảo các dịch vụ luôn sẵn sàng với người dùng Trung Quốc dù họ đi tới đâu.

Ant Financial hợp tác với tập đoàn truyền thông Emtek ra măt dịch vụ thanh toán tại Indonesia và với một hãng công nghệ tài chính khác tại Philippines. Alibaba giúp các startup học cách dùng công nghệ đám mây mới để xử lý giao dịch hiệu quả và ứng dụng tại thị trường nội địa.

 Theo ICTNews (nguồn WSJ)

http://ictnews.vn/cntt/trung-quoc-bo-xa-my-tren-mat-tran-thanh-toan-di-dong-159029.ict