Theo báo cáo của Bloomberg, hiện chưa có quốc gia nào tại Châu Âu ban hành lệnh cấm đối với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, Huawei sau hàng loạt cáo buộc của Washington. Thậm chí, đầu tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng cảnh báo rằng: “Nếu một quốc gia sử dụng thứ này [thiết bị Huawei] và đưa vào một số hệ thống thông tin quan trọng, chúng tôi sẽ không thể chia sẻ thông tin với họ”
Trong bối cảnh Châu Âu đang muốn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh số, thì một nhà cung cấp thiết bị 5G hàng đầu thế giới như Huawei rất khó để bỏ qua trong chuỗi cung ứng quan trọng. Thống kê năm 2018 cho thấy Huawei đã sở hữu tới 5.405 bằng sáng chế trên toàn cầu, nhiều gấp đôi cả Nokia và Erisson gộp lại.
Thị phần thiết bị viễn thống của Huawei trên toàn cầu là 28,6%; tăng 8% kể từ năm 2013. Nguồn: Bloomberg
|
Mặc dù mối lo ngại về rủi ro an ninh và gián điệp trên thiết bị Huawei đang gia tăng, nhưng một số quốc gia Châu Âu đang có rất ít lựa chọn, nếu muốn thúc đẩy quá trình triển khai 5G. Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ bắt đầu chuyến công du Châu Âu từ ngày 22/3. Các chuyên gia Bloomberg nhận định Châu Âu khó có thể đưa ra một quyết định gây bất lợi cho “nhà vô địch quốc gia” Trung Quốc trong thời gian tới.
Rắc rối của Huawei bắt đầu với vụ bắt giữ CFO Mạnh Vãn Châu tại Vancouver hồi tháng 12 vì Bộ Tư pháp Mỹ nghi ngờ bà vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Bà Châu, con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, đang được tại ngoại để chờ lênh dẫn độ về Mỹ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng mục đích thực sự của chính quyền Trump là ngăn chặn sự thống trị của công ty Trung Quốc trên thị trường 5G.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Các giải pháp toàn cầu ở Berlin ngày 19/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố: "Có 2 điều tôi không tin theo. Thứ nhất là thảo luận những vấn đề an ninh vô cùng nhạy cảm một cách công khai và thứ hai là loại trừ một công ty chỉ vì họ đến từ một quốc gia nào đó".
Theo Bloomberg