Mỗi năm cứ gần đến ngày 31 tháng 3, ngày mất của chị gái chúng tôi - Nguyễn Thu Hồng - tôi lại nhớ lần cuối cùng được gặp chị.
Chị ơi, ngày 31/3 năm nay (2022), tròn 50 năm chị đã dũng cảm hy sinh trên mảnh đất thân yêu của quê hương, trong những ngày ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Cứ gần đến ngày này, ký ức về chị lại ùa về trong em. Năm nay lại cũng vậy...
Mùa hè 1971, mình đi từ Nam ra Bắc, vào chiến trường Quảng Trị thăm ba má. Theo xe thương binh trên đường ra Bắc mình phải nằm lại 1 tuần ở một binh trạm thuộc Quảng Bình, gần Cộn, phía Bắc Phà Long Đại trên đường mòn Hồ Chí Minh (đường 15a).
Chị Hồng và đơn vị hành quân vào Nam, đóng gần binh trạm mình ở. Biết tin, chị vào binh trạm tìm em. Cuộc gặp thật bất ngờ và vui.
Thời đó với cả dân tộc thì “đường ra trận mùa này đẹp lắm“ (Phạm Tiến Duật), còn đối với những người lính trẻ như chị Hồng thì “đường ra trận mùa nào cũng đẹp”. Chị Hồng hăm hở, đeo ba lô, với một niềm tin mãnh liệt vào con đường thắng lợi của dân tộc, lên đường ra mặt trận.
Với thế hệ ấy, họ ra đi không hề mong ước được phong anh hùng, hay khi ngã xuống có hoa tươi dâng trước mộ, mà họ ra đi với một khát vọng duy nhất là giải phóng dân tộc, đuổi kẻ thù ra khỏi non sông đất nước.
Nhìn chị đẹp như một bông hoa rừng giữa đại ngàn Trường Sơn, trong màu áo lính lúc 19 tuổi đời, mình cũng thích một ngày được như chị. Hai chị em chiều tối đó ngồi nói chuyện với nhau không rời ra được, chuyện chiến trường, ba má, chuyện chị quyết định về quê hương chiến đấu, rồi động viên nhau và đến giờ chia tay về đơn vị, chị ôm em trong lưu luyến, như gửi gắm tất cả tình thương yêu nhất và niềm hy vọng ở em, mong gặp lại nhau sau ngày chiến thắng.
"Nhìn chị đẹp như một bông hoa rừng giữa đại ngàn Trường Sơn, trong màu áo lính lúc 19 tuổi đời, mình cũng thích một ngày được như chị"- Nguyễn An Trung. |
Rồi chị em chia tay nhau mà không một giọt nước mắt … Thật đúng với lời bài thơ “Đất nước vào trận” của nhà thơ Chế Lan Viên khi mô tả cảnh chia tay của hàng vạn cặp đôi trai trẻ tiễn người thân ra chiến trường đánh Mỹ:
“Đất nước của những người con gái, con trai
Chia tay không bao giờ khóc
Nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt…”
Rồi chị cùng đoàn quân tiếp tục ra chiến trường…
“Chân trời phía trước đang mịt mùng khói lửa
Sóng tiển đưa sao ngập ngừng chẳng nói…
Đoàn quân lao đi … để giáp mặt với quân thù.”
(Lời thơ “Qua đất Trung Giang”, Gio Linh, Quảng Trị 1972).
Chị Nguyễn Thu Hồng ngồi giữa hai đồng đội, tháng 2/1972 ở chiến trường Quảng Trị. |
Về đến Hà Nội nhận được cuốn sổ với những dòng chữ chị viết cho em, tưởng là không còn gặp lại trước khi vào Nam chiến đấu. Mình vẫn lưu giữ lại cuốn sổ tay đó cho đến bây giờ như một kỷ vật thiêng liêng về chị. Chị đã toại nguyện khi về đến quê hương, sống và chiến đấu những tháng ngày gian khổ đầy ý nghĩa, cống hiến tuổi thanh xuân cho quê hương đất nước, tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị 1972. Chỉ tiếc là chị mãi mãi không trở về…
Ba chị em Nguyễn Thu Lan, Nguyễn An Trung và Nguyễn Chính Nghĩa về thắp hương cho chị Thu Hồng ở nghĩa trang Dốc Miếu, Gio Linh, Quảng Trị. |
Mổi lần về Gio Linh, ra mộ chị, thăm lại cứ điểm đồi 31, nay là đồi cát Nhi Trung, nơi chị từng chiến đấu, lại nhớ bài thơ “ Tuổi hai mươi” của anh Trần Mai Hưởng, phóng viên TTXVN tại chiến trường Quảng trị 1972-1973, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, viết về chị:
“Em gửi lại tuổi hai mươi trên cát
Cát trắng tinh khôi tự bao đời
Mãi tươi trẻ đón từng cơn gió nhẹ
Chạy lao xao như sóng khắp chân đồi”.
Lúc đó cảm tưởng như được gặp và nói chuyện với chị, khi nhìn thấy những hạt cát chạy lao xao dưới chân mình… rồi bỗng nhận ra chị vẫn luôn bên em, che chở cho em, các cháu và gia đình.
Đúng là trong cuộc sống có “những cái chết hoá thành bất tử”.
Tháng 3/2022