Lẩn mẩn Giêng, Hai...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giêng, hai - cái tiết "xui nguyên giục bị" cho phép lương dân Việt tở mở lòng thành có chút bảng lảng sương khói đển chùa này khác để tưởng nhớ tiền nhân. Và khởi đầu cho mùa trồng cây, nhớ ơn Bác!
Đồng bào các dân tộc tham gia Tết trồng cây
Đồng bào các dân tộc tham gia Tết trồng cây

1. Năm xa ấy ngồi nghe cụ Tào Mạt nhấn nhá nhiều chuyện về Xứ Đoài có cả câu chuyện Bác Hồ về Vật Lại, Ba Vì giồng cây đúng mồng Một Tết Kỷ Dậu năm 1969.

Hình như có điện trước từ Phủ Chủ tịch cho các nhà chức việc huyện Ba Vì. Từ huyện lan nhanh cái tin xuống xã Vật Lại. Huyện thân chinh về bàn kỹ với xã một việc trọng. Cụ về giồng cây! Mà các đồng chí nhớ cho, Vật Lại vinh dự ghi dấu ấn tròn 10 năm Tết trồng cây mà Bác Hồ phát động từ năm 1959 "Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân."

Các cụ trong Hội phụ lão cũng được mời dự. Địa điểm được chọn là khoảnh đồi trọc có tên là đồi Đồng Váng (thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì). Mà cây gì? Cụ cao niên nhất thủng thẳng thì cứ lựa lấy ba thứ, tùy để Cụ Hồ chọn.

Phong trào Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã lan tỏa rộng khắp và duy trì đến tận ngày nay (Trong ảnh: Bác Hồ tham gia trồng cây với nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì - Hà Tây cũ). Ảnh: Tư liệu

Phong trào Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã lan tỏa rộng khắp và duy trì đến tận ngày nay (Trong ảnh: Bác Hồ tham gia trồng cây với nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì - Hà Tây cũ). Ảnh: Tư liệu

Ba thứ ấy là đa, sấu và bạch đàn.

Non trưa Mồng Một Tết. May giời ấm. Lại im gió. Dân làng òa vỡ niềm vui quây quần bên Bác.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Tướng Phạm Kiệt cùng đi bám Bác đến địa điểm trồng cây. Giữa những vuông chiếu rải vội ngay ngắn chính giữa có một chiếc chiếu cạp điều. Bác hình như đã thoáng thấy sự bày biện ấy. Người tươi cười rẽ chếch sang cạnh rồi tụt dép ung dung chĩnh chiện giữa một khoảng cỏ rộng sạch. Thế là dân làng xúm xít tề tựu quanh nghe Người nói chuyện và chúc Tết.

… Cụ Hội trưởng Hội phụ lão xã đã xong phần mở lời, Bác cúi xuống coi kỹ ba cây giống gốc được bọc trong bầu. Chỉ một loáng, Bác chọn cây đa giống tầm độ hơn hai năm, chiều cao chỉ chấm ngang ngực.

Mấy cụ phụ giúp với Bác bê cây đa mà Bác nói là cái giống bánh tẻ ấy đặt xuống cái hố đã đào sẵn. Người cầm xẻng thong thả lấp đất. Một cái bình ozoa nhanh chóng đưa tới. Dốc cạn bình rồi nhưng Người lưỡng lự nhìn quanh rồi nhanh nhẹn chỉ tay vào một cái ang sành đựng nước. Bác cười Ô dòa (chữ của Bác) dùng để tưới rau chứ tưới đa thấm tháp gì? Rồi Người thong thả múc từng gáo tưới cho gốc đa vừa giồng. Hết hai sành nước.

… Khoảnh đồi hoang Đồng Váng trung du trơ trọi ngày nào nay đã sum xuê um tùm 20 ha rừng mà năm trước dân làng Vật Lại trồng nối theo cái cây đa của Bác. Và cây đa đang dần thành cổ thụ với 7 khoảng nhánh lực lưỡng vượt hẳn lên khoảng rừng của Vật Lại (thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì).

Bao năm đã qua thi thoảng nhớ lại câu chuyện bâng quơ ngẫu hứng của cụ Tào Mạt ngày ấy thấy lắm cái sự giật mình. Chẳng phải nghệ sĩ nhân dân Tào Mạt tác giả của những Bài ca giữ nước, Lý Nhân Tông kế nghiệp… cùng hàng trăm bức thư pháp hồn cốt lại khá rành thạo việc giồng cây? Nhưng như lời nghệ sĩ bộc bạch, như truyền lại cái tấm tắc của cụ Hội trưởng hội phụ lão làng Vật lại với Tào Mạt rằng, Ông Cụ nhà mình rõ là tinh khéo. Rằng trong ba giống cây, Cụ chọn cái bầu đa bánh tẻ. Chứ hai bầu kia, cây đánh quá to. Rễ sấu bị nông khó sống! Cụ đã chọn giống đa. Cái cây trồng cuối cuộc đời mình… Cây đa cây đề. Thập niên chi kế bất như thụ mộc/ Bách niên chi kế bất như thụ nhân (Cái kế mười năm không gì bằng trồng cây/ Kế sách mười năm không gì bằng trồng người) Hóa ra Cụ nhắc nhở thêm chuyện trồng người!

Chút lẩn mẩn nữa là nhiều lần được chiêm ngắm, can dự các phong trào giồng cây xa, gần đây đó có chút… giật mình! Người ta hồn nhiên đánh cả những gốc thụ mộc các loại (cái loại chả phải là giống bánh tẻ như năm xa ấy Cụ Hồ đã chọn) đã lực lưỡng đã to đùng sắp độ khép tán đến nơi về trồng ở các di tích đến chùa miếu mạo lẫn công sở! Tôi thoáng biết để giữ cho những cây ấy sống được, thọ được, phải thuê dài hạn đám kỹ sư nông nghiệp hoặc những có tay nghề túc trực việc chăm cây. Những hóa chất những kích thích cùng đôn chặt sao đó trăm khoanh tứ đốm mới bám được rễ.

Mà họ đánh những cây ở đâu? Nếu chẳng phải từ rừng từ vườn đã có chủ lẫn vô chủ kiểu đánh bùn sang ao? Giật thột cái nỗi cán bộ đã luân chuyển được thì cây hà cớ chi lại không làm nổi chức phận ấy?

Lại chợt nhớ thêm từ Cụ từng dùng. Ô dòa. Ấy là dụng cụ như búp sen tưới kiểu như tắm vòi sen. Cụ từ chối tưới cho cây đa mà bảo nó chỉ để tưới rau. Vậy mà thời nay nó bỗng trở thành một công cụ để cánh tuyên truyền lẫn truyền hình đặt vào tay các quan chức can dự vào các hội lễ trồng cây để họ hồn nhiên dùng ô dòa tưới cho những gốc mới trồng tuổi sắp cỡ thụ mộc! Chao ôi, nó vừa phản cảm vừa kệch cỡm?

2. Mấy năm trước, tôi có ghé một hộ làm hương mấy đời gia truyền ở làng Hạc xứ Thanh.

Cái tên làng Hương bên cạnh làng Hạc có từ thời Vua Gia Long. Lần đó ra Bắc Hà tuần thú. Vua ghé ngủ ở Gia Miêu Ngoại trang (nay là xã Hà Long - Hà Trung nơi phát tích 9 Chúa, 13 vua Nguyễn sau này).

Các bà, các chị tất bật se nhang cho kịp thời gian.

Các bà, các chị tất bật se nhang cho kịp thời gian.

Ông chủ hàng chỉ lõm bõm rằng cụ nhà mình nghề làm hương không biết sao lại chơi thân được với cụ Tú Lan thôi chứ chả biết thêm chi tiết nào khác. Và ông chủ đương vanh vách cho tôi cái cách chế hương bao đời gia truyền mà ông và các thành viên gia đình đã thuần thục. Trước là HTX chuyên sản xuất hương. Sau thì giải tán chỉ hộ nhỏ lẻ. Nhà ông và nhiều nhà khác chuyên chế ra hai thứ hương thắp. Hương thắp thường và hương bài.Vua Gia Long muốn chọn muốn tìm một nơi định đô cho sở lỵ của đất Thanh Hoa (thuở ấy vẫn mang tên Thanh Hoa. Mãi khi vua Minh Mạng có con dâu là Hồ Thị Hoa bất ngờ chết trẻ, vua thương nhớ lệnh cho phàm những gì tên là Hoa đều phải đổi. Do kỵ húy ấy mà chợ Đông Hoa lớn ở Huế thành Đông Ba. Cái tên Hoa thành Huê từ đấy. Hoàng tráng đến như Thanh Hoa cũng thành Thanh Hóa) Đêm ấy Vua trằn trọc mãi. Gần sáng bất ngờ âm thanh như châu gieo thoa ném của bầy hạc bỗng dậy lên khắp vùng Gia Miêu. Hành trạng cứ như từ vô thức, Vua và đoàn tùy tùng ngựa xe cứ theo đàn hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt như thế. Sáng bạch cánh cò, đàn hạc mới hạ đỗ quây tụ ở một vùng phía Nam. Vua quyết định chọn nơi đó làm Sở lỵ của tỉnh Thanh. Cái tên làng Hạc có từ đó bình yên nằm trong thị xã và bây giờ là thành phố Thanh Hóa! Làng Hạc có làng chuyên làm hương nên có tên là làng Hương. Ông cụ cố mà gia chủ kêu bằng cụ nội vốn ngày trước là hàng xóm của cụ Tú Lan thân sinh nhà văn Nguyễn Tuân.

Hương thường như bây giờ ta vẫn dâng vẫn thắp. Thời lượng của nó như ông chủ cho hay là cháy vừa cho cái giò nạc chín tới thì tàn. Nếu muốn có chút lòng giò phơn phớt đào thì hương còn độ hơn đốt ngón tay thì vớt ra.

Nguyên liệu làm hương cũng chỉ bã mía, mùn cưa nhựa trám, bột quế mấy vị thuốc bắc và vỏ cây bời lời dùng để kết dính. Nhưng bí quyết là tỷ lệ phối trộn sao đó cho hợp lý. Cái nữa là cốt hương bằng vầu bằng nứa nhưng phơi chưa nỏ giòn hẳn. Nên hương đen làng Hạc cháy đều tàn cong nức tiếng xa gần.

Ngoài hương thường, dân làm hương làng Hạc còn chế ra thứ hương bài. Thứ hương to nhỉnh gấp đôi và dài một chút so với hương thường ngoài quấn giấy bản chuyên thắp trong dịp Tết. Ngoài nguyên liệu chính rễ cây phơi khô nghiền bột mịn, hương dậy lên mùi thơm rất đặc trưng. Để phân biệt với nhiều loại cây na ná khác, cây hương bài có hệ thống lá xếp đều nhau bằng chằn chặn như một cỗ bài tam cúc hoặc tổ tôm nên có tên ấy!

Ông chủ lò hương đang bộc bạch thêm một thứ hương mới đang bán khá chạy. Ấy là hương đại. Loại hương dài 50cm hoặc đến 70cm nguyên liệu chế thứ hương đại cũng dùng như hương thường.

Thứ hương đại ấy ông chủ nói là cho quan dùng chứ dân thường không chuộng!

Ngoài nguyên liệu chính rễ cây phơi khô nghiền bột mịn, hương dậy lên mùi thơm rất đặc trưng.

Ngoài nguyên liệu chính rễ cây phơi khô nghiền bột mịn, hương dậy lên mùi thơm rất đặc trưng.

Quan? Vậy thì nhớ ra rồi! Ấy là các dịp lễ lạt dâng hương đền nọ miếu kia thường diễn ra cái cảnh vị chức sắc hàng huyện cấp tỉnh hoặc trên nữa nào đó tay lăm lăm thứ hương đại này đây! Chừng như thứ hương, nhang thường mà dân mình vẫn dùng vẫn dâng cúng vẻ như không hợp? Ngắn quá? Cháy mau quá? Y phục xứng kỳ đức mà lại? Chức ấy sắc ấy, lễ vật (nén hương) phải khác đám bạch đinh chăng? Mà cái lệ ấy, cũng lạ! Không hiểu sao học nhau lây lan nhau rất nhanh. Hầu như nhiều địa phương đều có lệ, có cảnh đó. Có cầu tất có cung. Các nhà chùa, Khu Di tích lớn đều thửa đều đặt thứ hương đại này phòng khi có các quan đến chiêm bái.

Chẳng hay người dâng hương có cảm thấy chuế và có chút phản cảm nào không khi đám nhân viên văn phòng hay người nhà chùa ấn vào tay mình thứ hương đại thườn thượt khác người ấy không nhỉ?

Mà nữa, cái bát hương lệ thường ngày 23 Âm lịch hằng năm mới hóa chân hương. Nhưng không hiểu sao khi có vị chức nào đó đến dâng hương thì người ta đều nhanh nhẩu dọn dẹp sạch bách các chân hương mà thiện nam tín nữ trước đó đã thắp. Ngó bát hương trống trơn có cảm giác ngôi cổ tự hay khu di tích này cứ như mới khánh thành vậy?

3. Khuôn khổ bài viết có hạn nên đành có ít dòng về một thứ chuế, nghịch khác.

Ấy là cái nạn hay hiện tượng đặt biển lưu danh các vị chức sắc đến trồng cây ở đền chùa Khu di tích. Nếu be bé khiêm nhường khuất nép bên gốc cây mới trồng (khổ mới trồng mà đã chình ình một gốc tướng?) thì trông còn đường được và cũng tạm được đi! Nhưng ngại nỗi, những biển ấy lại quá cỡ, lại hơi bị to. Đã thế người ta lại dùng sơn màu nắn nót các kiểu chữ nên tên tuổi chức sắc càng rờ rỡ. Buổi chiều sậm vãn cảnh, thấp thoáng hàng tên tuổi ló dạng phảng phất không khí… bia đá cứ thấy hai hãi thế nào?

Hữu danh bất như vô danh. Vô danh bất như đào danh. (Có danh có tiếng chẳng bằng vô danh. Mà vô danh cũng trốn đi, giấu đi cái danh lẫn vô danh của mình)

Giật mình cái câu của tiền nhân ấy hình như giành riêng để răn đám quan chức, đám đầy tớ công bộc của dân thì phải? Làm chi phải vội vã như ta đây một việc mọn không phải trong một nhiệm kỳ mà dằng dặc suốt đời phục vụ dân đến hơi thở cuối cùng?

Ấy dân mình cứ lẩn mẩn lẫn lẩn thẩn mong muốn bớt đi cho những thứ nho nhỏ kể trên như thế?