Triều Tiên đe tấn công hạt nhân Mỹ “bất cứ lúc nào”

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đe dọa sẽ tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ bất cứ lúc nào. Còn giám đốc Viện năng lượng hạt nhân Triều Tiên (AEI) tuyên bố Bình Nhưỡng đã sẵn sàng đương đầu với bất kỳ hành động thù địch nào của Mỹ với vũ khí hạt nhân.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên
Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên

Quan chức Triều Tiên này cho biết các nhà khoa học nước này đã “đạt tiến triển từng ngày” nhằm “bảo đảm sự tin cậy của đòn răn đe hạt nhân theo đòi hỏi của tình hình”. Những phát ngôn đầy hăm dọa này được đưa ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố đã sẵn sàng phóng các vệ tinh bằng tên lửa tầm xa để kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của quốc gia vào tháng 10 tới.

CHDCND Triều Tiên cũng xác nhận đang tái khởi động một lò phản ứng hạt nhân – nguồn cung cấp plutoni cấp độ sản xuất vũ khí, trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp thăm Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng hai thông báo này rõ ràng liên quan đến nhau và một phần nhằm đẩy căng thẳng lên để Triều Tiên trở thành vấn đề chính trong chương trình nghị sự của lãnh đạo Mỹ - Trung trong tháng tới.

Trong bài phỏng vấn với hãng thông tấn KCNA, Giám đốc AEI nói rằng tất cả các cơ sở ở khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon, bao gồm lò phản ứng hạt nhân 5 megawatt, đã “trở lại hoạt động bình thường”.

Triều Tiên bỏ xó lò phản ứng Yongbyon từ năm 2007 theo hiệp ước đổi viện trợ lấy giải trừ đạt được giữa 6 bên, nhưng lại bắt đầu cải tiến nó sau vụ thử hạt nhân gần đây nhất năm 2013.

Theo các chuyên gia, khi hoạt động đầy đủ, lò phản ứng này có thể sản xuất khoảng 6 kilo plutoni mỗi năm, đủ để sản xuất 1 quả bom hạt nhân. Giám đốc AEI nói rằng các nhà khoa học đã “cải thiện dần” chất lượng và số lượng năng lực răn đe hạt nhân. “Nếu Mỹ và các lực lượng thù địch khác liên tục theo đuổi chính sách thù địch một cách liều lĩnh…(Triều Tiên) đã hoàn toàn sẵn sàng đối phó với họ bằng vũ khí hạt nhân bất kỳ lúc nào”, Giám đốc AEI nói.

Nhà lãnh đạo Kim Jong un thị sát một cuộc tập trận của quân đội Triều Tiên
Nhà lãnh đạo Kim Jong un thị sát một cuộc tập trận của quân đội Triều Tiên

Lời cảnh báo này được đưa ra sau những ngụ ý mạnh mẽ từ Bình Nhưỡng rằng họ đang cân nhắc phóng một tên lửa mang theo vệ tinh để kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 10/10. “Thế giới sẽ thấy rõ ràng một loạt vệ tinh…đồng loạt bay lên trời  vào những thời gian và địa điểm do ủy ban trung ương đảng quyết định”, giám đốc Cơ quan phát triển không gian quốc gia Triều Tiên nói hôm 14/9.

Triều Tiên vẫn khẳng định những vụ phóng tên lửa của họ là để đưa vệ tinh vào quỹ đạo vì mục đích hòa bình. Nhưng Mỹ và các đồng minh coi đó là những vụ thử tên lửa tầm xa ngụy trang.

Một số nhà phân tích cho rằng lý do Triều Tiên đưa ra những thông báo trên là chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ vào cuối tháng này.

“Bình Nhưỡng muốn vẫn đề Triều Tiên được ưu tiên trong chương trình nghị sự của ông Tập với Tổng thống Obama”, Reuters dẫn lời ông Koh Yu-Hwan, một chuyên gia về Triều Tiên tại ĐH Dongguk ở Seoul. “Triều Tiên luôn muốn thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và họ biết rằng giương cao chương trình vũ khí là một cách để đạt được điều đó”, ông Koh nói.

Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản hôm qua cảnh báo bất kỳ vụ phóng tên lửa nào nữa cũng sẽ vi phạm các nghị quyết của LHQ về cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Seoul nói sẽ không ngần ngại thúc giục Hội đồng bảo an LHQ “phản ứng hiệu quả và nhanh chóng”. Trung Quốc cũng kêu gọi Bình Nhưỡng “nghiêm túc tuân thủ” các nghị quyết của LHQ và cảnh báo không nên có bất kỳ hành động nào đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên, BBC đưa tin.

Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Triều Tiên đã nâng cấp đáng kể các cơ sở trong trạm phóng tên lửa Sohae. Các nhà phân tích tại Viện Mỹ - Triều Tiên thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ) tin rằng bệ phóng Sohae giờ đây có thể phóng những tên lửa dài đến 50m – dài hơn 70% so với tên lửa Unha-3.

Unha-3 được coi là nguyên mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, dù Triều Tiên vẫn chưa thử nghiệm công nghệ tái nhập được nâng cấp để đạt tới năng lực tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiệu quả. Phát triển thành công tên lửa đạn đạo được coi như yếu tố làm thay đổi cuộc chơi, đưa Mỹ vào tầm bắn của một vụ tấn công bằng vũ khí hạt nhân từ Bình Nhưỡng.

Theo QPAN