Triển khai hóa đơn điện tử gặp khó vì doanh nghiệp “ngại” minh bạch?

VietTimes -- Bên cạnh tình trạng nghẽn mạng khi kê khai thuế, sự kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, các vấn đề về chi phí và lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử thì việc doanh nghiệp “ngại” minh bạch tìm cách “chậm” triển khai là thách thức lớn khi triển khai hóa đơn điện tử.

Ảnh minh họa. Nguồn Phần mềm hóa đơn điện tử
Ảnh minh họa. Nguồn Phần mềm hóa đơn điện tử

Nhận định trên được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu lên tại Tọa đàm “Đưa hóa đơn điện tử (HĐĐT) vào cuộc sống" diễn ra mới đây.

Các chuyên gia đều nhận định HĐĐT được xem là sẽ tạo ra cú hích lớn trong cải cách hành chính thuế, giúp DN cải thiện môi trường kinh doanh, đem lại sự thuận lợi cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế và lành mạnh hóa nền tài chính nước nhà.

Cụ thể, việc đưa áp dụng HĐĐT đã giảm được 4 thủ tục hành chính như khai báo sử dụng, mất cũng phả tiến hành thủ tục thông báo... Với đăng kí gọn nhẹ, doanh ngiệp tiết kiệm được rất nhiều và giảm thiểu rủi ro cho DN.

Bên cạnh đó, với việc sử dụng HĐĐT, toàn bộ hệ thống lưu trữ, vận chuyển, chuyển nhận của HĐĐT  đều được thực hiện qua kênh điện tử. Như vậy, tiết kiệm rất nhiều cho người nộp thuế; giúp cho việc bảo quản, sử dụng hóa đơn tốt hơn rất nhiều. Điều này giúp các DN và người nộp thuế sẽ được thụ hưởng những lợi ích lớn này.

Với những lợi ích như vậy, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, HĐĐT đang mang lại những lợi ích lớn cho cộng đồng kinh doanh, cho cơ quan quản lý nhà nước và cho nền kinh tế nói chung.

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết thêm, HĐĐT được manh nha hình thành từ rất lâu, được triển khai trên cơ sở Nghị định 51 và sau đó là Nghị định 04 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 51 và  Thông tư 32 năm 2011 của Bộ Tài .

Đến nay, số lượng DN sử dụng HĐĐT tăng lên theo từng năm. Nếu như đến hết năm 2016 mới có khoảng 700 – 800 DN sử dụng HĐĐT thì đến hết tháng 6/2017, đã có khoảng 2.700 DN với 300 triệu HĐĐT được ghi nhận. Gần như 100% doanh nghiệp đã kê khai thuế điện tử, 96% DN nộp thuế điện tử.

Điều này chững tỏ xu hướng áp dụng HĐĐT diễn ra rất mạnh mẽ và dần trở thành thói quen đối với doanh nghiệp, nhất là những công ty, tập đoàn lớn, ông Trí nhận định.

Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể, việc chuyển đổi này chưa gặt hái nhiều thành công như mong đợi và phía trước vẫn còn nhiều thách thức.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan như doanh nghiệp “ngại” minh bạch tìm cách “chậm” triển khai, nhiều khách hàng vẫn ngại sự thay đổi, hạ tầng công nghệ vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp….

Ngoài ra, việc áp dụng HĐĐT đòi hỏi sự chuyển động đồng bộ của không chỉ ngành thuế mà còn cần sự vào cuộc tích cực đồng bộ của các cơ quan chức năng, Trưởng ban pháp chế VCCI cho hay.

Cụ thể, ông Tuấn nói: “Điều DN lo ngại nhất là khi triển khai chủ trương này là việc áp dụng công nghệ thông tin liệu có phù hợp hay không, nhất là đã có tình trạng nghẽn mạng khi DN kê khai thuế điện tử. Lo ngại thứ hai là kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau vì việc kết nối không tốt, rời rạc thì thiệt hại trực tiếp là DN. Lo ngại thứ ba là về chi phí, nhất là đối với các DN nhỏ, doanh thu thấp. Lo ngại thứ tư là về lộ trình áp dụng, theo phương án ngành thuế đưa ra từ 1/1/2018 áp dụng ngay đối với các DN nguy cơ rủi ro cao, từ 1/7/2018 áp dụng với các DN còn lại thì liệu có quá gấp hay không khi từ nay đến đó thời gian không còn dài”.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho biết các yêu cầu đặt ra với cơ quan quản lý khi áp dụng HĐĐT: cơ quan thuế cần lường trước các rủi ro có thể phát sinh khi kết nối, đồng bộ hệ thống hóa đơn giấy hiện tại với HĐĐT.

Tuy nhiên, ông cũng tin tưởng với kinh nghiệm của ngành thuế trong thực hiện kê khai thuế điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hạn chế được các vấn đề phát sinh cho DN.