Trải nghiệm thất vọng với app BHXH Việt Nam: Chuyển đổi số chưa tới?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam còn tồn tại những nhược điểm căn bản khiến trải nghiệm chuyển đổi số của người dùng chưa được thuận lợi.
Ứng dụng VssID có thể thay thế thẻ BHYT, sổ BHXH
Ứng dụng VssID có thể thay thế thẻ BHYT, sổ BHXH

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã tích cực đưa các tiện ích, thông tin đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), tiến tới tích hợp, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thanh toán trực tuyến lên ứng dụng trên thiết bị di động. Đây là bước đi phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, quốc gia số hiện nay. Được biết, BHXH Việt Nam là cơ quan liên tiếp trong 4 năm, từ 2017 đến 2020, giữ vị trí thứ 2 về ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan thuộc Chính phủ (Theo bảng chỉ số ICT Index do Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo đánh giá thường niên).

Việc triển khai ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số trên hệ thống điện thoại thông minh được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang lại tiện ích nhiều hơn cho người dân, doanh nghiệp khi họ đăng ký tham gia sử dụng.

Ứng dụng VssID được phát triển nhanh chóng và đã được quảng bá rộng rãi để mọi người cài đặt trên điện thoại thông minh. Từ 1/6/2021, những người tham gia BHYT được sử dụng ảnh trên VssID trong khám chữa bệnh.

Anh H.H.H, chuyên gia IT của một công ty chứng khoán, là một trong số những người đã cài đặt ứng dụng VssID, cho biết:

“Trong giai đoạn chuyển đổi này tôi thấy tạm chấp nhận được, cái được nhất là thẻ BHYT của tôi bị hỏng không phải đi xin cấp lại. Tôi đã cập nhật cho 2 nhóc trong vòng chưa đến 10 phút là kích hoạt xong”.

Nhưng không phải ai cũng có trải nghiệm dễ dàng như vậy. Anh Đ.T.T (Hà Nội) chia sẻ:

“Do ứng dụng cho phép đăng ký số điện thoại mà không cần xác thực OTP nên khi tôi đăng ký mới ‘ngã ngửa’ ra là số điện thoại của mình đã bị một người ở tận Hà Tĩnh đăng ký. Lại phải gọi mấy lượt vào đó để đổi lại, cũng mất mấy ngày. Tổng đài thì cạn lời rồi. Gọi chục lần không ai bốc máy.”

Còn chị Đ.T (TP.HCM) thì cho biết: “Em phải mất gần chục lần mới đăng ký được, thật may mắn vì chưa phải gọi tới tổng đài”.

“Hưởng ứng vận động của BHXH, tôi cài VssID từ tháng trước. Nhìn chung, giao diện của app VssID cũng khá bình thường nếu không muốn nói là tệ”, Anh V.H.A (Hà Nội) nhận xét.

“Tôi mới thử kiểm tra hôm 1/6, thấy chán không tưởng, thua xa các app bán hàng online. Nhưng quan trọng hơn là khi xem thông tin thì cực chậm do phải tải dữ liệu vào” - Chị N.T.T.H (TP.HCM) chia sẻ ảnh chụp màn hình cho thấy phải mất từ 3 đến 5 phút mới có thể đăng nhập hệ thống.

Nhưng theo những người đã thử cài app thì trải nghiệm tồi tệ nhất nằm ở phần hỗ trợ khách hàng. Tổng đài 1900.9068 gọi chục lần không ai nhấc máy, gửi email cũng không có hồi đáp và chatbot thì không hiệu quả. Khách hàng khi sử dụng một sản phẩm dịch vụ mà gặp vấn đề, họ sẽ rất thất vọng và giận dữ khi không có sự hỗ trợ nào. Trong khi BHXH đưa đến 3 kênh hỗ trợ, kênh nào cũng không hoạt động hữu hiệu. Đây là một vấn đề cần lưu ý trong việc cung cấp dịch vụ công.

Khi tra cứu thông tin về thời gian đóng bảo hiểm, một số người nhận thấy ứng dụng không thể hiện đầy đủ thời gian tham gia bảo hiểm của mình. “Tháng trước, khi tra thông tin về đóng BHXH của mình, tôi chỉ tra ra thông tin đóng BHXH 3 tháng gần nhất. Tháng này, app VssID được cập nhật, thông tin đã đầy đủ hơn, thể hiện 19 năm đóng bảo hiểm, nhưng vẫn thiếu của tôi giai đoạn 4 năm. Có thể nói cơ sở dữ liệu của BHXH là có vấn đề, chưa thật sự đồng bộ. Hạ tầng CNTT của BHXH Việt Nam dường như vẫn chưa tương xứng với nhiệm vụ và trách nhiệm” – một người dùng cho biết.

Ngoài ra, vấn đề mà nhiều người băn khoăn là khả năng bị rò rỉ dữ liệu cá nhân. Anh M.T, chuyên gia CNTT của IBM nhận xét:

“VssID rất tiện ích là có tên và năm sinh là tra ra được số BHXH và một số thông tin khác. Nhưng nếu không khéo tin tặc có thể đánh cắp hết cơ sở dữ liệu”.

Với tư cách là chuyên gia Chuyển đổi số và theo dõi “Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT Việt Nam” (Vietnam ICT Index), tôi nhận thấy bên cạnh những nỗ lực đáng biểu dương, chuyển đổi số của BHXH còn nhiều vấn đề cần khắc phục.

Trong nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử ở các bộ, ngành, một trong những mục tiêu quan trọng là đưa 100% dịch vụ công lên môi trường trực tuyến, lên thiết bị di động thông minh. Thiết nghĩ, các bộ, ngành nên chú ý đến chất lượng dịch vụ thay vì chạy theo số lượng 100%.

Hy vọng BHXH nhanh chóng khắc phục nhược điểm của ứng dụng VssID cũng như xem xét kỹ lưỡng kế hoạch Chuyển đổi số của ngành mình nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của người tham gia bảo hiểm.