TPHCM thử nghiệm cảm biến đo độ rung cầu đường

Cảm biến biến dạng đo độ rung chấn của cầu đường là công nghệ tiên tiến của Nhật Bản. Cảm biến này sẽ được gắn dưới cây cầu; khi có xe đi qua, cảm biến sẽ đo được độ rung của cầu và trọng tải của xe. Từ đó đưa ra những cảnh báo cho cầu đường.
Ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm R&D (bài trái) cho biết, trung tâm đã nâng cấp, cải tiến nhiều công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài thành sản phẩm mang thương hiệu "made in Việt Nam"
Ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm R&D (bài trái) cho biết, trung tâm đã nâng cấp, cải tiến nhiều công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài thành sản phẩm mang thương hiệu "made in Việt Nam"

Đây là 1 trong những nội dung quan trọng được các chuyên gia đầu ngành chia sẻ tại Diễn đàn MEMS lần thứ 2 năm 2018 (MEMS Forum 2018), với chủ đề “Nắm bắt xu hướng - Nuôi dưỡng sáng tạo” (Grab the trend - Nurture creations), đang diễn ra tại TPHCM trong 2 ngày 27 và 28/9.

Đại diện Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ cao TPHCM (Trung tâm R&D) cho biết, cảm biến biến dạng là công nghệ của Nhật Bản, đang chuyển giao cho Trung tâm để đơn vị này chế tạo, sản xuất. Sau khi hoàn thành, chip cảm biến này sẽ được gắn ở những cây cầu của TPHCM để đo độ rung, cũng như gửi những cảnh báo từ thiết bị truyền về.

Được biết, tháng 11 tới đây, R&D sẽ gửi 3 cán bộ sang Nhật để tập huấn tại trường ĐH Tokyo. Thời gian tập huấn kéo dài 1 tháng.

Hiện, cảm biến này đang thử nghiệm tại cầu Cần Thơ và cầu Bãi Cháy. Và sắp tới sẽ triển khai rộng rãi ở TPHCM.

Ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm R&D cho biết, trung tâm không chỉ tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài mà còn cải tiến, nâng cấp sản phẩm mang thương hiệu “made in Việt Nam”.

“Cụ thể, trong năm qua, trung tâm đã lắp đặt cảm biến dự báo ngập ở 30 điểm ở TPHCM. Mới đây, trung tâm chống ngập TPHCM đã đặt hàng R&D 5 thiết bị cảm biến mới, lắp tại 5 vị trí, 4 vị trí trên đường phố và 1 vị trí ở cửa xả của sông để đo mực nước triều. 5 thiết bị này được đánh giá là tốt hơn, đa năng hơn so với cảm biến cảnh báo ngập. Đây là bước ngoặt của trung tâm R&D thời gian qua” – ông Thành nói.

Doanh nghiệp tìm hiểu những ứng dụng công nghệ mới
Doanh nghiệp tìm hiểu những ứng dụng công nghệ mới

Tại hội nghị, các chuyên gia đầu ngành cũng chia sẻ những vấn đề liên quan đến thương mại hóa sản phẩm MEMs từ kết quả của hoạt động nghiên cứu và phát triển; chính sách thu hút và phát triển ngành công nghiệp MEMS; vai trò của Quỹ đầu tư mạo hiểm trong phát triển hệ sinh thái MEMS…

Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, hội nghị hướng đến mục tiêu xây dựng một nền tảng kiến thức chung và nguồn thông tin đáng tin cậy, bảo đảm tính khả thi cũng như tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ MEMS, có vai trò như chất xúc tác tạo ra những sản phẩm thương mại hóa chất lượng cao và đóng góp cho Việt Nam. Theo ông Quốc, đây là hội nghị chuyên về các giải pháp cảm biến kết nối internet vạn vật (Internet of thing – IoT) nhằm thực hiện việc triển khai xây dựng thành phố thông minh, tham chiếu, lựa chọn ứng dụng tại TPHCM.

Không ngừng cải tiến, đổi mới công nghệ, mới đây, Trung tâm R&D cũng vừa giới thiệu sản phẩm keo tản nhiệt DSA, đánh dấu bắt đầu thương mại hóa sản phẩm đã nghiêu cứu thành công của trung tâm. Sản phẩm làm từ nền vật liệu carbonnanotube và graphene, ứng dụng trong các thiết bị điện tử, đèn LED. R&D là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện việc nghiên cứu thành công và thương mại hóa dòng sản phẩm này.

Theo Tiền Phong

https://www.tienphong.vn/cong-nghe/tphcm-thu-nghiem-cam-bien-do-do-rung-cau-duong-1328234.tpo