Theo kế hoạch thu ngân sách địa phương vừa được UBND thành phố ban hành, trong tổng chỉ tiêu thu ngân sách năm 2016 của TPHCM phần thu nội địa dự kiến đạt 177.600 tỉ đồng, thu từ dầu thô 18.200 ti đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 102.500 tỉ đồng.
Ngoài ra, một số khoản thu khác trong năm tới cũng góp thêm 2.500 tỉ đồng vào phần thu ngân sách thành phố là thu từ xổ số kiến thiết 2.150 tỉ đồng, thu từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải 350 tỉ đồng.
Trong khi đó, kế hoạch chi ngân sách của thành phố năm 2016 khoảng 63.800 tỉ đồng.
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng nay 28-12, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, GDP thành phố năm 2015 đạt mức tăng 9,85% và đây là mức tăng cao nhất trong 4 năm liên tiếp kể từ năm 2012.
Kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt 30,59 tỉ đô la Mỹ, nhập khẩu đạt 33,75 tỉ đô la Mỹ. Ngoài ra, thành phố cũng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu ngân sách, đạt hơn 278.000 tỉ đồng, vượt 47% so với dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 117% dự toán.
Tại hội nghị sáng nay, Chủ tịch UBND TPHCM đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành đẩy mạnh thông tin hơn nữa về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN, các hiệp định thương mại để tạo thế chủ động cho các doanh nghiệp; nghiên cứu đẩy nhanh việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật, giải pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ để hỗ trợ các ngành, doanh nghiệp còn non trẻ trong nước đang chịu nhiều áp lực cạnh tranh của hàng ngoại nhập.
Đặc biệt, người đứng đầu UBND thành phố còn kiến nghị Chính phủ quy định mức dư nợ vay của ngân sách địa phương không bao gồm dư nợ vay nước ngoài, hoặc xem xét nâng mức giới hạn vay nợ đối với Hà Nội và TPHCM cho phù hợp với thực tế địa phương.
Luật ngân sách nhà nước 2015 quy định mức dư nợ vay với TPHCM và Hà Nội là không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo vượt cấp, và quy định dư nợ vay của ngân sách địa phương bao gồm thêm các khoản dư nợ từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
Theo phân tích của ông Phong, dự kiến trong thời gian tới, nhu cầu vay nước ngoài của TPHCM ngày càng tăng để đầu tư vào các công trình hạ tầng trọng điểm, nếu tính thêm dư nợ vay nước ngoài vào tổng dư nợ vay của ngân sách địa phương thì TPHCM sẽ không có khả năng tiếp tục vay mới.
Chủ tịch UBND thành phố cũng kiến nghị Chính phủ ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án trên địa bàn TPHCM, như tuyến xe buýt nhanh, xây dựng trung tâm điều hành giao thông TPHCM, đường vành đai giai đoạn 3. Đồng thời, xem xét hỗ trợ cơ chế tạo vốn như bảo lãnh Chính phủ, phát hành trái phiếu đô thị phục vụ các công trình giao thông để tạo điều kiện cho thành phố ngày càng phát triển, đóng góp ngày càng lớn cho cả nước.
Theo TBKTSG