Khi Amanda Berg đọc được thông tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump nhái giọng của các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản trong một buổi gây quỹ mới đây, nó đã mang tới cho bà nhiều ký ức đau buồn của tuổi thơ.
Bà Berg, một công dân Mỹ gốc Hàn Quốc lớn lên tại Fort Collins, Colorado, nhớ lại những lúc bà bị lũ trẻ "nhái giọng". Điều đó khiến bà cảm thấy như bà là một người xa lạ ngay trong cộng đồng nơi mình sinh sống.
Là một thành viên đảng Dân chủ, bà Berg nằm trong số một nhóm các cử tri Mỹ gốc Á quan trọng đang nghiêng về cánh tả trong thời kỳ ông Trump cầm quyền. Và thông tin mà tờ New York Post đăng tải hồi đầu tháng về ông đã khiến bà và nhiều người khác phẫn nộ.
"Điều đó sẽ chỉ khuyến khích những người khác làm điều tương tự" - bà Berg, một giáo viên trung học ở Denver, nói - "Và nó khiến cho việc phân biệt một cách công khai được chấp nhận".
Ông Trump từng sử dụng luận điệu phân biệt chủng tộc nhằm khuấy động cộng đồng cử tri bảo thủ ủng hộ ông trước kỳ bầu cử Tổng thống năm 2020 - và đáng chú nhất là nhằm vào 4 nữ nghị sỹ của đảng Dân chủ. Cách đây không lâu, ông Trump yêu cầu 4 nghị sỹ này "trở về" đất nước họ, gây ra làn sóng phẫn nộ. Thế nhưng việc ông nhái giọng châu Á lại vấp phải phản ứng phẫn nộ hơn nhiều.
Một số người lo ngại rằng việc ông Trump thường xuyên đưa ra những phát ngôn công kích mang tính phân biệt chủng tộc khiến họ dễ bị coi thường hơn. Mối quan ngại này có thể ảnh hưởng tới một nhóm cử tri Mỹ gốc Á hiện đang ngày càng gia tăng sức mạnh.
Số lượng cử tri Mỹ gốc Á trong độ tuổi bầu cử nhiều hơn gấp đôi so với con số cách đây 2 thập kỷ, từ 4,3 triệu người năm 1998 lên 11,1 triệu người trong năm 2018 - theo Cơ quan Thống kê Mỹ. Phần lớn trong số cử tri mới này nghiêng về phe Dân chủ.
Vào năm 2016, một số nhóm cử tri thiểu số gốc Á từng nghiêng về phe Cộng hòa đã chuyển sang ủng hộ phe Dân chủ - theo bà Natalie Masuoka, Giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị và nghiên cứu Mỹ-Á tại ĐH California, cho hay. Một con số lớn hơn các cử tri Mỹ gốc Á thuộc phe Cộng hòa bỏ phiếu cho ông John McCain năm 2008, thay vì cho ông Trump trong năm 2016. Một nghiên cứu của Trung Tâm Nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy vào năm 1998, 53% cử tri Mỹ gốc Á ủng hộ phe Dân chủ. Con số này tăng lên tới 65% trong năm 2017.
"Họ đang ngày càng đóng góp nhiều thêm cử tri cho khu vực bầu cử" - bà Masuoka nói - "Cùng với những người nhập cư gốc Latin, họ là nhóm cử tri quan trọng đối với các ứng viên".
Cử tri Mỹ gốc Á cũng có thể trở thành một nhân tố quan trọng ở các bang chưa quyết định thiên về đảng nào. Ở Nevada, người châu Á chiếm tới 5% số cử tri đăng ký và 9% cộng đồng cử tri hợp lệ. Họ chiếm 5% tổng số cử tri đăng ký ở bang Virginia và 6% tổng số cử tri hợp lệ.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa vẫn luôn muốn lôi kéo cộng đồng người Mỹ gốc Á. Theo bà Masuoka, một số bản phân tích cho thấy một phần lớn cộng đồng người Mỹ gốc Philippines và cộng đồng người Mỹ gốc Trung Quốc giàu có và học thức cao nghiên về phe Cộng hòa. Không rõ nguyên nhân vì sao, nhưng tôn giáo có thể là một nhân tố, bà nói.
Thế nhưng, khó ai có thể bỏ qua những phát ngôn của ông Trump, như báo giới đã đăng tải mới đây.
"Ông ấy sẵn sàng nhái giọng người châu Á trong các bài phát biểu trước công chúng" - bà Masuoka nói - "Theo cách đó...cách mà người Mỹ đang bàn về vấn đề chủng tộc, giờ đang có nguy cơ chuyển biến thành giai đoạn trước cuộc cách mạng nhân quyền như trong lịch sử trước kia".
Theo New York Post, ông Trump đã nhái giọng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cả hai đều là đồng minh thân cận của Mỹ, trong một buổi gây quỹ ở Hamptons trong tháng này. Ông Trump đã nhái lại kiểu phát âm của người châu Á để mô tả lại khoảnh khắc mà ông Moon phải nhẹ giọng trong các cuộc đàm phán về chi phí viện trợ cho quân đội Mỹ đòn trú tại Hàn Quốc, và cả khi mà ông thảo luận với ông Abe về hàng rào thuế quan.
Ông Trump từng nhại giọng người châu Á trước kia. Tại một sự kiện vận động năm 2015 tổ chức ở Iowa, ông từng nói về khả năng đàm phán với người châu Á và sử dụng giọng nhái cách phát âm người châu Á để nói: "Khi những người này bước vào phòng...họ nói "Chúng tôi muốn thỏa thuận!"".
Trong quá khứ, những phát ngôn kiểu như vậy cũng làm dấy lên sự phẫn nộ.
Cựu chính trị gia New York Alfonse D'Amato cũng từng hứng chỉ trích vì giả giọng châu Á (Ảnh: SCMP)
|
Năm 1995, nghị sỹ New York Alfonse D'Amato cũng nhái kiểu phát âm tiếng Anh của người Nhật khi thảo luận về phiên xét xử O.J Simpson với Thẩm phán Lance Ito - một công dân Mỹ gốc Nhật - trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh. Lời xin lỗi của vị nghị sỹ đảng Cộng hòa này sau đó vấp phải chỉ trích của Quỹ Giáo dục và Quốc phòng Mỹ-Á.
"Có thời điểm mà dù chúng tôi cảm thấy bị công kích bởi phát ngôn này, chúng tôi nghĩ rằng một lời xin lỗi sẽ tạo nên sự khác biệt. Nhưng với Tổng thống Trump, chẳng ai kỳ vọng ông ấy xin lỗi" - Margaret Fung, Giám đốc điều hành tổ chức trên, cho hay - "Đó là một phần của cách nói của ông ta, cách hành động của ông ta là công kích. Không may thay, nó không mang lại kiểu chú ý như mong muốn".
Các quan chức làm việc trong chiến dịch tái tranh cử của ông Trump thì ra sức bảo vệ việc ông nhái giọng.
"Cộng đồng người Mỹ gốc Á chưa từng mạnh mẽ hơn dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Trump" - người phát ngôn chiến dịch Kayleigh McEnany nói trong một tuyên bố - "Hàng triệu người Mỹ gốc Á đã được tiếp cận với nền kinh tế mạnh mẽ nhất trong lịch sử hiện đại, trong khi tỷ lệ người Mỹ gốc Á thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump".
Đại diện của Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bình luận gì về sự việc này.
Những người ủng hộ ông Trump như bà Farhana Shah, thuộc Liên minh Mỹ-Á của đảng Cộng hòa ở Arizona, tuy nhiên nói rằng tính cách của ông Trump là không liên quan. Bà ngợi khen ông Trump vì tạo ra nhiều công ăn việc làm, cắt giảm thuế và giữ cho đất nước an toàn. Bà Shah - người từ Bangladesh chuyển tới sống ở Mỹ vào năm 2006 - cũng không đồng tình với quan điểm rằng, những phát ngôn của ông Trump mới đây là phân biệt chủng tộc hay nhẫn tâm.
"Ông ấy có kiểu thái độ hóm hỉnh. Ông ấy có cách thể hiện rất hài hước" - bà Shah nói - "Ông ấy có gây roont hại cho bất kỳ cuộc đàm phán chính trị nào không? Các nhà lãnh đạo có phản ứng với điều đó không? Nếu không, vậy thì kiểu nói đó không gây tổn hại gì lớn. Vậy sao tôi phải phản đối nó?".