Kể từ sau khi ông Trump có cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và trở thành vị Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã 3 lần phóng thử tên lửa chỉ trong vòng 8 ngày. Và kể từ sau khi ông Trump gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản để thảo luận về thương mại, Nhà Trắng mới đây cho hay họ sẽ áp thuế 10% đối với lượng hàng 300 tỷ USD của Trung Quốc - bao gồm các đồ điện tử như iPhone, giày dép và đồ chơi. Động thái này đồng nghĩa với việc, tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ đều bị đánh thuế.
Trong khi đó, 2 đồng minh của Mỹ trong khu vực - Hàn Quốc và Nhật Bản - cũng bất đồng sâu sắc, sau khi Tokyo loại Seoul khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi thương mại.
Trung Quốc
Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập rời khỏi cuộc họp song phương tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Osaka, Nhật Bản (Ảnh: SCMP)
|
Khi ông Trump xuất hiện trong cuộc gặp với ông Tập ở Osaka hồi tháng 6 vừa qua, ông nói rằng các vòng đàm phán thương mại đã "trở lại đúng hướng". Ông sau đó nói trước báo giới rằng, dù Mỹ sẽ không gỡ bỏ ngay các hàng rào thuế quan, Washington sẽ không đánh thêm thuế đối với "lượng hàng 350 tỷ USD còn lại".
Thế nhưng trong hôm thứ Năm tuần này, chỉ ít lâu sau khi vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung mới nhất tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc) kết thúc, ông Trump viết trên Twitter rằng Mỹ sẽ đánh thuế 10% đối với lượng hàng 300 tỷ USD của Trung Quốc, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9.
Một quan chức trong chính quyền Mỹ nói rằng, ông Trump không hài lòng trước việc Bắc Kinh không đưa ra đủ các cam kết vững chắc trong việc mua thêm nông sản Mỹ trong các vòng đàm phán ở Thượng Hải. Ông Trump tin rằng ông và ông Tập đã nhất trí về điều đó trong cuộc gặp tại thượng đỉnh G20.
"Ông ấy (ông Tập) nói rằng sẽ mua thêm sản phẩm từ nông dân của chúng ta; nhưng ông ta đã không làm. Ông ấy nói sẽ ngăn chặn lượng fentanyl đi vào đất nước chúng ta; nhưng ông ấy cũng không làm" - ông Trump nói trước báo giới khi được hỏi về đòn áp thuế mới.
Bằng việc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới, ông Trump đã làm gia tăng căng thẳng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và chấm dứt khoảng thời gian "ngừng bắn" mà ông với ông Tập đã thỏa thuận hồi tháng 6 - Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc hãng IHS Markit, nhận định.
Craig Allen - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung - nói rằng động thái trên là "rất phản tác dụng".
"Các vòng đàm phán thương mại diễn ra cách đó chỉ 24 giờ là khá tích cực. Đó là một cuộc gặp thành công, thực chất và mang tính xây dựng. Nhưng đến hôm thứ Năm, mọi chuyện đã khác" - ông Allen nói.
Vòng đàm phán thương mới tới đây dự kiến diễn ra tại Washington vào tháng 9 tới, nhưng chắc chắn cả hai bên sẽ chẳng còn mặn mà bởi giờ đây mọi chuyện đã khác.
Triều Tiên
Người dân Hàn Quốc theo dõi diễn biến vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên qua truyền hình (Nguồn: Yonhap)
|
Chính quyền Trump đến nay chưa nêu quan ngại về hàng loạt các vụ thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên, trong đó ông Trump nói rằng ông "không có vấn đề gì" với chúng. "Chúng ta sẽ chờ xem điều gì xảy ra. Nhưng đó là các tên lửa tầm ngắn. Chúng rất tiêu chuẩn" - ông Trump nói.
Trong các vòng đàm phán trước đây, cả hai bên đã đạt được một dạng thỏa thuận mà trong đó Triều Tiên sẽ ngừng thử nghiệm các tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng với tới Mỹ và các loại vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào liên quan tới các tên lửa tầm ngắn hay các loại công nghệ vũ khí khác, bởi vậy Triều Tiên đã công khai thử nghiệm các hệ thống vũ khí - Vipin Narang, Giáo sư chuyên về các vấn đề an ninh hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cho hay.
Các cuộc thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên luôn nhằm vào nhiều mục tiêu, cả chính trị và công nghệ, và Triều Tiên từng nói rằng các vụ thử mới nhất là nhằm gây sức ép để Washington và Seoul hủy kế hoạch tập trận chung trong tháng này, và Seoul ngừng mua chiến đấu cơ tàng hình của Mỹ.
"Điều này tương phản với sự kiện Tổng thống Trump tới Panmunjom, bắt tay với ông Kim Jong-un và nói rằng họ đang khởi động lại các vòng đàm phán. Và ông Kim bằng các vụ thử vừa qua đã nói rằng, ông ta cần nhiều hơn là một cú bắt tay" - ông Narang nhận định.
Giới phân tích thì nói rằng họ lo ngại không kém khi chứng kiến nhiều tiến bộ về mặt công nghệ vũ khí mà phía Triều Tiên đã chưng ra, và các hệ thống vũ khí tầm xa mới. Các tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà Triều Tiên đã phóng dường như là sử dụng nhiên liệu rắn, có nghĩa rằng chúng có thể được triển khai nhanh hơn so với tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng.
Trong khi Triều Tiên thường thử nghiệm tên lửa bằng cách phóng chúng ở cao độ lớn và đạt khoảng cách ngắn, nhưng các vụ thử mới đây lại cho thấy các tên lửa có cao độ nhỏ và bay xa hơn - điều mà giới chuyên gia cho rằng sẽ khiến tên lửa chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ môi trường. Thành công trong các vụ thử nghiệm này cho thấy khả năng chịu đựng tốt hơn của các loại tên lửa, và cách mà chúng có thể được sử dụng trên thực tế để đối phó với một bên thù địch.
"Ông Trump đã gây ra lỗi lầm khi nhắm mắt cho qua các vụ thử nghiệm vừa rồi" - ông Duyeon Kim, chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định - "Có thể ông Trump muốn duy trì các vòng đàm phán, nhưng bằng cách cho qua các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn, ông đang cho phép Bình Nhưỡng tăng cường sức mạnh và phát triển vũ khí. Và ông đang nói với Hàn Quốc và người dân Mỹ sống ở đó rằng, sự an toàn của họ chả có ý nghĩa gì cả".
Tên lửa được Triều Tiên phóng trong hôm 25/7 được cho là có khả năng điều hướng trong lúc bay - một sự cải tiến khiến tên lửa khó bị theo dõi hơn và giúp nó né được hàng phòng thủ tên lửa - theo các nhà lập pháp Hàn Quốc.
Hiện nay chỉ có một vài quốc gia trên thế giới phát triển được khả năng điều hướng này - Adam Mount, Giám đốc Dự án Quốc phòng của Liên hiệp Các nhà khoa học Mỹ, cho hay. Ông cho rằng tình hình hiện nay "đen tối hơn so với nhiều người tưởng tượng", thêm rằng các bình luận mà ông Trump đưa ra về loạt vụ thử tên lửa vừa qua là định hướng sai.
"Ông Trump nói rằng các tên lửa trên là tiêu chuẩn. Chúng không hề tiêu chuẩn, chúng là các hệ thống tân tiến mang một số đặc tính bất thường và tinh vi, gây ra thách thức lớn cho các hệ thống đánh chặn" - ông Mount nhận định.
Hàn Quốc và Nhật Bản
Một tấm biển kêu gọi người dân tẩy chay hàng hóa Nhật trong một siêu thị tại Seoul, Hàn Quốc (Ảnh: LATimes)
|
Ngoài vấn đề về Triều Tiên và Trung Quốc, Washington cũng đang chật vật trong việc giải quyết tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, một cuộc bất đồng có khả năng đe dọa tới các mối quan hệ kinh tế, an ninh trong khu vực.
Hôm thứ Sáu trong tuần, Nhật Bản tuyên bố loại Hàn Quốc khỏi danh sách các đối tác được hưởng ưu đãi, làm gia tăng cuộc tranh chấp có thể đe dọa tới chuỗi cung ứng smartphone và thiết bị điện tử của toàn thế giới. Đảng Dân chủ cầm quyền của Hàn Quốc còn gọi hành động của Nhật Bản là "một lời tuyên chiến kinh tế toàn diện".
Là hai nền dân chủ tự do ở khu vực Đông Bắc Á, Seoul và Tokyo vốn duy trì một mối quan hệ gai góc, bắt nguồn từ quá khứ quân đội Nhật đô hộ bán đảo Triều Tiên trong Thế chiến II.
Vụ tranh chấp mới nhất bắt đầu từ tháng trước, khi Tokyo áp đặt lệnh kiểm soát các mặt hàng xuất khẩu 3 loại hóa chất của họ - bao gồm nhiều hóa chất quan trọng sử dụng để chế tạo chip máy tính - tới Hàn Quốc. Hàn Quốc và Nhật Bản trong những năm gần đây đều phải nhờ tới đồng minh chung - nước Mỹ - để giải quyết các tranh chấp giữa hai bên.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay ông sẽ gặp gỡ Ngoại trưởng của cả hai nước để giải quyết vấn đề. Cả ba bên đều có mặt ở Bangkok, Thái Lan để tham gia một diễn đàn an ninh ASEAN, nhưng hiện chưa rõ liệu vai trò trung gian hòa giải của Mỹ có thành công hay không.
Đầu tuần này, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho hay, Mỹ chưa đưa ra bất cứ kế hoạch nào để khởi động các cuộc đối thoại ba bên.
Theo CNN
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu