Ngày 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp cấm mọi tổ chức và cá nhân giao dịch với công ty mẹ của TikTok, WeChat sau 45 ngày nữa. Ứng dụng video ngắn TikTok thuộc sở hữu của ByteDance trong khi WeChat thuộc sở hữu của Tencent Holdings. Mỹ vẫn luôn coi các ứng dụng do công ty Trung Quốc sở hữu là những mối đe dọa đối với nền an ninh quốc gia nước này.
“Sự bùng nổ của các ứng dụng Trung Quốc ở Hoa Kỳ tiếp tục đe dọa đến nền an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Hoa Kỳ” – ông Trump viết trong hai sắc lệnh hành pháp được ký kết vào hôm 6/8.
“Các bước bổ sung phải được tiến hành để đối phó với tình trạng khẩn cấp quốc gia” – ông Trump nói thêm.
Trong số 2 sắc lệnh hành pháp được Tổng thống Trump ký, một sắc lệnh cấm mọi tổ chức và cá nhân tại Mỹ giao dịch với ByteDance Ltd. (công ty mẹ của TikTok), có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc hoặc các công ty con của ByteDance trong khi sắc lệnh thứ hai cấm bất kỳ giao dịch nào với Tencent có liên quan đến WeChat.
Tổng thống Donald Trump cho rằng Mỹ phải có “hành động nhanh chóng” để bảo vệ an ninh quốc gia. (Ảnh: Nikkei Asian Review) |
Các “giao dịch” cụ thể bị cấm là gì sẽ được Bộ trưởng Bộ thương mại làm rõ cũng trong vòng 45 ngày tới – Nhà Trắng thông báo.
Cổ phiếu của Tencent đã giảm gần 7% sau khi tin tức này được công bố.
Quyết định mới của Tổng thống Trump đã gia tăng áp lực đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, nó được đưa ra ngay sau khi Mỹ công bố thông tin chi tiết về sáng kiến “Mạng kết nối sạch” (Clean Network) nhằm chống lại Bắc Kinh từ nhiều phía.
Washington cũng xác nhận rằng Microsoft đang đàm phán với ByteDance để mua lại các hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ và một số quốc gia khác, thời hạn để giao dịch diễn ra cũng trong vòng 45 ngày tới.
Trong thông báo, Tổng thống Trump nêu rõ WeChat và TikTok đã tự động thu thập một lượng lớn thông tin từ người dùng, kiểm duyệt nội dung...
Lệnh hành pháp mới có thể buộc các cửa hàng ứng dụng di động của Google và Apple tại Mỹ phải xóa TikTok và WeChat. Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, vẫn chưa chắc chắn liệu người dùng có thể sử dụng hoặc tải xuống hai ứng dụng này tại Mỹ sau 45 ngày nữa hay không.
“Các tác động cụ thể vẫn chưa thể xác định cụ thể và phải chờ quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Các hạn chế này có thể ảnh hưởng đến khả năng sử dụng các ứng dụng này của người Mỹ hoặc đưa đến các hạn chế khác phù hợp hơn” - Nicholas Turner, cố vấn công ty luật Steptoe & Johnson có trụ sở tại Hồng Kông cho biết.
Ảnh: Nikkei Asian Review
|
“Việc cấm sử dụng các ứng dụng sẽ khó thực hiện hơn. Nếu người dùng đã và đang sử dụng chúng trên điện thoại di động của họ, việc yêu cầu họ xóa hoặc ngừng sử dụng gần như là không thể, trừ khi Hoa Kỳ có thể xây dựng được “một bức tường lửa” để chặn mọi truy cập chỉ trong một lần” - Ye Jun đang làm làm việc tại công ty luật Getech Law có trụ sở tại Chicago cho biết.
Động thái mới nhất của chính quyền Trump cũng được cho là sẽ gây thêm áp lực cho ByteDance khi hãng đang trong quá trình đàm phán để đạt được thỏa thuận với Microsoft. Vào tuần trước, Tổng thống Trump đã ra hạn chót cho ByteDance đến ngày 15/9 hoặc là bán lại hoạt động của TikTok tại Mỹ hoặc bị cấm.
Trong một bức thư nội bộ gửi cho nhân viên, nhà sáng lập kiêm CEO của ByteDance, ông Zhang Yiming cho biết mục đích thực sự của chính phủ Mỹ là cấm TikTok thay vì “ép bán TikTok”.
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Sensor Tower, TikTok rất phổ biến tại Mỹ với hơn 180 triệu lượt tải xuống tại quốc gia này tính đến hồi đầu tháng 7. Trái ngược, WeChat không có lượng người dùng “khủng” như TikTok tại Mỹ. Trong tổng số 279 lượt tải xuống ở nước ngoài trong vòng sáu năm qua, người dùng ở Mỹ đóng góp khá khiêm tốn – gần 7% chủ yếu là những người Trung Quốc đang sinh sống tại Hoa Kỳ.
Tencent từ chối bình luận trong khi ByteDance chưa đưa ra bình luận gì về quyết định mới của Tổng thống Trump.
Theo Nikkei Asian Review