Hồi đầu năm nay, Công ty cổ phần VNG đã mua 3,7 triệu cổ phiếu tương đương 38% cổ phần của Tiki với giá 384 tỷ đồng. Đây được coi là khoản đầu tư "khủng" so với mặt bằng chung của thị trường, nhất là khi hàng loạt trang thương mại điện tử đã phải cay đắng rời bỏ thị trường do thua lỗ. Số tiền nói trên cũng đồng nghĩa VNG định giá Tiki khoảng 1.000 tỷ đồng và cho thấy tham vọng rất lớn của VNG với Tiki.
Tuy nhiên, cũng giống như bao mô hình TMĐT khác, khả năng "đốt tiền" đầu tư của Tiki cũng không phải xoàng. Sau khi đầu tư, các báo cáo của VNG đã liên tiếp phải hạch toán giảm giá trị khoản đầu tư vì bị lỗ.
Cụ thể tới quý 2, khoản đầu tư này của VNG lỗ 30 tỷ đồng, giá trị khoản đầu tư giảm từ 384 tỷ đồng xuống còn 354 tỷ đồng. Sang quý 3, VNG tiếp tục thông báo khoản đầu tư vào Tiki lỗ tiếp 30 tỷ đồng nữa, giá trị hiện chỉ còn 324,7 tỷ đồng.
Nếu chỉ tính riêng trong quý 3, Tiki đã lỗ khoảng 78,1 tỷ đồng. Còn nếu tính từ khi nhận đầu tư của VNG, Tiki lỗ khoảng 157 tỷ đồng. Tính trung bình đều đặn mỗi tháng, Tiki đã lỗ hơn 17 tỉ đồng.
Con số lỗ này đã xấp xỉ số lỗ của Lingo.vn, trang thương mại điện tử phải đóng cửa hồi đầu tháng 8 vừa qua, sau khi "nướng" hết sạch tiền và không còn nguồn lực hoạt động.
Nhìn những con số này, có thể thấy thị trường TMĐT Việt Nam không dành cho người ít tiền. Dù chỉ trong giai đoạn sơ khai, thị trường đã chứng kiến cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt với nhiều cái tên lớn như Lazada, Adayroi, Zalora, và càng nóng hơn khi Alibaba thâu tóm Lazada, còn Zalora về tay người Thái. Một số tên tuổi khác, như Thế Giới Di Động cũng đang nhăm nhe nhảy vào thị trường với trang vuivui.com.
Một chuyên gia trong ngành đã nhận định, “Vấn đề quan trọng ở Việt Nam đó là mặt hàng. Vì không có lực lượng doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, nên các trang thương mại điện tử của chúng ta chỉ đơn thuần là nhập hàng của Trung Quốc, Mỹ về bán, khiến không thể cạnh tranh về giá thành với các cửa hàng bán lẻ thông thường, và lợi nhuận biên cũng rất mỏng manh”.
Với Tiki, hệ thống này còn đang đối mặt với bài toán tăng trưởng nóng. Từ một trang bán sách online, Tiki đã liên tục mở rộng số lượng mặt hàng của mình và đổi định vị thành hệ thống có 100.000, rồi 300.000 sản phẩm. Với áp lực từ dòng tiền đầu tư vào, việc mở rộng sẽ càng thúc đẩy Tiki "đốt" thêm tiền trong thời gian tới.
Theo Trí thức trẻ