Ngày 28/10, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) tổ chức Hội thảo "Định hướng phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016- 2020" với nội dung chính là hướng dẫn các tỉnh, thành phố triển khai, xây dựng, phát triển thương mại điện tử.
Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, trong 4 năm qua Hà Nội luôn trong nhóm 2 địa phương dẫn đầu về thương mại điện tử cùng với TP. HCM.
Trong năm 2015, doanh thu bán lẻ trực tuyến trên địa bàn Hà Nội đạt 1,16 tỷ USD. Riêng 9 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,04 tỷ USD, cả năm 2016 khoảng 1,4 tỷ USD chiếm 4,5% tổng doanh thu bán lẻ toàn thành phố.
Hiện nay, có 5.161 website thương mại điện tử (TMĐT) được tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội (chiếm 5,6% tổng số website đang hoạt động trên địa bàn TP). Tính riêng 9 tháng đầu năm 2016, có 1.317 website TMĐT đăng ký mới, bao gồm 1.258 website bán hàng và 59 sàn giao dịch TMĐT.
Trong giai đoạn 2016- 2020, thực hiện kế hoạch phát triển TMĐT của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, thành phố Hà Nội đã xây dựng, ban hành chương trình phát triển TMĐT tập trung vào một số điểm như: Phấn đấu đến năm 2020, doanh thu bán lẻ trực tuyến chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP. Đồng thời, nâng số lượng website TMĐT hoạt động theo quy định của pháp luật chiếm 20% trong tổng số website TMĐT hoạt động trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, phấn đấu đến 2020 tỷ lệ dân số Hà Nội mua sắm trực tuyến đạt 70% số người sử dụng intrenet; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS), đồng thời để người dùng thanh toán qua thẻ.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở công thương Hà Nội, việc phát triển TMĐT trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do hoạt động TMĐT trên môi trường mạng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức đối với cơ quan quản lý và lực lượng chức năng; Các chủ thể hoạt động TMĐT bằng hành vi tương tác, giao dịch điện tử sẽ dễ dàng "xóa dấu vết", cản trở việc thu thập chứng cứ điện tử trong những trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, việc sử dụng môi trường mạng để quảng cáo, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh hay kinh doanh những sản phẩm, mặt hàng kinh doanh có điều kiện như rượu còn diễn ra.
Đặc biệt, hoạt động kinh doanh nội dung số như phim ảnh, sách, tài liệu, hình ảnh... trên môi trường mạng đang tồn tại nhiều bất cập về quyền sở hữu trí tuệ, nguồn gốc phát hành... Trong khi đó, việc giám sát hoạt động TMĐT sử dụng thiết bị di động khó khăn hơn nhiều với việc giám sát TMĐT sử dụng máy tính.
Vì vậy, Theo bà Lan trong thời gian tới Bộ Công thương nên phối hợp với các Bộ, ban ngành... nên tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh viễn thông, nội dung số. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về TMĐT.