PAPI 2022: Quảng Ninh đứng đầu, Hà Nội bất ngờ có mặt trong nhóm đầu sau nhiều năm ở vị trí thấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Quảng Ninh là tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng với điểm số tổng hợp là 47,8763, đứng thứ hai là Bình Dương (47.4488), xếp cuối là Cao Bằng (38.8037). Hà Nội bất ngờ vươn đứng thứ 12 với chỉ số tổng hợp đạt 43,9049
Bà Ramla Khalidi, đại diện thường trú UNDP phát biểu tại sự kiện công bố báo cáo PAPI 2022
Bà Ramla Khalidi, đại diện thường trú UNDP phát biểu tại sự kiện công bố báo cáo PAPI 2022

Sáng 12/4, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam chủ trì tổ chức công bố Báo cáo "Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2022.

Trong kết quả vừa công bố, Quảng Ninh là tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng với điểm số tổng hợp là 47,8763. Tỉnh thành này cũng đứng đầu bảng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được VCCI công bố hôm qua.

Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng là Bình Dương 47.4488 và đứng thứ ba là Thanh Hóa (46.0154). Đứng cuối bảng xếp hạng là Cao Bằng (38.8037).

Hà Nội có sự trỗi dậy ấn tượng

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo về kết quả đánh giá về các tỉnh thành.

Ông Giang cho biết sau nhiều nỗ lực, Hà Nội đã vươn lên từ vị trí thấp trong năm 2020 lên nhóm có vị trí cao nhất trong năm 2022. Hà Nội đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng này, với chỉ số tổng hợp đạt 43,9049. Ngược lại, Đà Nẵng lại tụt xuống nhóm có vị trí trung bình sau nhiều năm đứng ở top đầu. Đây là một điều rất đáng tiếc đối với Đà Nẵng.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI

Về chỉ số Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, đa phần các tỉnh thành phía Bắc có kết quả tốt hơn nhóm các tỉnh thành miền Nam.

Về chỉ số Công khai minh bạch, các tỉnh thành phố phía Bắc và miền Trung có kết quả tốt hơn các tỉnh thành Nam Trung Bộ

Về kiểm soát tham nhũng ở khu vực công, khác với kết quả ở trên, nhiều tỉnh thành ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm có điểm cao, trong khi nhiều tỉnh ở trung du và miền núi phía Bắc có điểm số thấp.

Về chỉ số Thủ tục hành chính công, người dân đánh giá có chuyển biến trong những năm qua. Sự khác biệt trong điểm số giữa các tỉnh là rất thấp. Tỉnh có điểm số thấp nhất là 6,58 và tỉnh cao nhất là 7,66. Gần như không có sự phân biệt giữa tỉnh giàu và tỉnh nghèo. Có một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Hòa Bình có sự sụt giảm, trong khi Tiền Giang có sự gia tăng điểm số tốt.

Ở chỉ số Cung ứng dịch vụ công, các tỉnh thành phố được đánh giá cao nhất là các tỉnh có nền kinh tế phát triển. Có sự sụt giảm đáng kể ở 18 tỉnh thành phố. Điểm của Điện Biên và Bến Tre có mức gia tăng đáng kể so với năm 2021.

Về chỉ số Quản trị điện tử, các tỉnh thành trên toàn quốc vẫn chỉ đạt dưới 4 điểm trên thang điểm 10, tương tự như năm 2020 và 2021. Khoảng cách giữa tỷ lệ người dùng Internet và tỷ lệ người dùng cổng thông tin điện tử vẫn còn rất lớn.

Theo ông Giang, có 3 câu trả lời cho việc này: thứ nhất, có nhiều thông tin không được đưa lên mạng nên người dân không thể dùng; thứ hai, có đưa thông tin nhưng không thân thiện; thứ ba, có thân thiện nhưng không được truyền thông đến người dùng.

Về chỉ số PAPI tổng: các tỉnh thành có điểm số từ 38 đến gần 48 điểm - không cao. Các tỉnh nhóm cao tập trung nhiều ở miền Bắc. Điểm thú vị là Hà Nội sau nhiều năm xếp ở nhóm thứ 3 (nhóm điểm trung bình thấp) đã vươn lên nhóm top đầu.

Giảm nghèo và phòng chống tham nhũng là những vấn đề chính quyền địa phương cần ưu tiên giải quyết

Tiến sĩ Paul Schuler, Đại học Arizona, thành viên nghiên cứu PAPI từ năm 2015 cho biết, qua khảo sát, nhóm nghiên cứu PAPI nhận thấy 5 vấn đề quan ngại nhất: đói nghèo, tăng trưởng kinh tế, việc làm, chất lượng đường xá, tham nhũng - những mối quan tâm này đã thay đổi theo thời gian từ năm 2015 đến nay.

Nếu như năm 2015 người dân quan tâm nhiều nhất về yếu tố đói nghèo thì đến 2022 thì đây không phải là yếu tố hàng đầu nữa mà người dân quan tâm đến chất lượng chăm sóc y tế. Trong khi đó vấn đề tham nhũng - trách nhiệm giải trình cấp trung ương đến địa phương là vấn đề được người dân quan tâm sau đại dịch.

Có thể thấy giảm nghèo và phòng chống tham nhũng là những vấn đề chính quyền địa phương cần ưu tiên giải quyết.

Tiến sĩ Paul Schuler, Đại học Arizona, thành viên nghiên cứu PAPI từ năm 2015
Tiến sĩ Paul Schuler, Đại học Arizona, thành viên nghiên cứu PAPI từ năm 2015

Ông Schuler nhấn mạnh trong 4 yếu tố thành phần liên quan đến công khai minh bạch ở chính quyền địa phương, yếu tố hộ nghèo được người dân phản ánh là có sự đánh giá chưa chính xác ở một số địa phương. Nhiều hộ nghèo không được đưa vào danh sách, trong khi những hộ khá giả hơn lại có tên.

Yếu tố thứ hai là khả năng tiếp cận thông tin và đóng góp ý kiến về đất đai. Người dân tham gia khảo sát đã đánh giá rằng 2022 có sự cải thiện về cung cấp thông tin của chính quyền địa phương.

Quan ngại về hiện tượng vị thân cũng nổi lên trong năm 2022, đặc biệt ở các chính quyền xã, phường ở vị trí công chức địa chính.

Người dân có đánh giá khác nhau về hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng ở trung ương và địa phương. Những câu trả lời về chính quyền địa phương có tham nhũng lại tăng so với năm ngoái, trong khi người dân tin tưởng hơn vào quá trình chống tham nhũng của chính quyền trung ương.

Phát biểu tại hội nghị, ông Edmund Malesky, thành viên PAPI từ năm 2009 cho biết trong 14 năm qua đã phỏng vấn một lượng lớn người dân. Có những người đã phải đi một chặng đường dài đến địa điểm phỏng vấn. Những dữ liệu nhóm nghiên cứu PAPI thu nhận được đã có tác động rất lớn đến hành động của chính quyền các cấp.

Ông Malesky đánh giá nhiều chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực cải thiện trong những năm qua để mang lại lợi ích cho người dân, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến. Yếu tố này có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế vừa qua.

Ông Edmund Malesky, thành viên PAPI từ năm 2009
Ông Edmund Malesky, thành viên PAPI từ năm 2009

Trong nghiên cứu PAPI năm 2022, mặc dù tỷ lệ người dân sử dụng Internet tại nhà tăng lên, tuy nhiên dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân lại không tăng. Tỷ lệ người dùng có sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã giảm từ 16% năm 2021 xuống còn 14% năm 2022. Chỉ có 4,85% người trả lời cho biết có sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ lên cổng dịch vụ công làm thủ tục hành chính có tăng từ 27% trong năm 2021 lên 38% trong năm 2022.

Ông Edmund Malesky nhận định tăng cường hiệu quả quản trị điện tử là động lực để tăng tính minh bạch, giảm tham nhũng.

Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Andrew Goledzinowski cho biết thông tin trung thực là rất quan trọng đối với các chính phủ. Khi ông đến Việt Nam cách đây 6 tháng thì ông đã được nghe nói đến PAPI và rất ấn tượng với nghiên cứu này.

Có 2 điều khiến ông cảm thấy ấn tượng: Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đã trao cho UNDP nhiệm vụ này. Nghiên cứu là những ý kiến đến từ người dân và đã được công khai. Bằng cách công khai thông tin đến công chúng cho phép sự minh bạch, cho phép các tổ chức xã hội dân sự tham gia vào quá trình quản lý nhà nước. Thứ hai, những người tham gia vào nghiên cứu PAPI hôm nay là những người đóng góp vào quá trình cải cách của chính quyền các cấp. Ông nói rằng Australia vinh dự được đồng hành cùng các đơn vị liên quan và chính phủ Việt Nam trong báo cáo PAPI.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, Mặt trận Tổ quốc đã đồng hành cùng các đối tác trong chương trình nghiên cứu PAPI trong nhiều năm qua. PAPI đã có những tác động tích cực đến các chính quyền cấp tỉnh, giúp các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp với giai đoạn mới của Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển, Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009.

Trong suốt 14 năm qua, đã có tới gần 200.000 lượt người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc để tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua nghiên cứu PAPI.

Năm 2022, chỉ số PAPI được khảo sát đối với 16.117 người dân từ 18 tuổi trở lên tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong số đó gần 1.200 là người tạm trú tại 12 tỉnh, thành có tỉ suất nhập cư dương, góp phần bảo đảm tính đại diện hơn của mẫu khảo sát PAPI.

PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung bao gồm: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.

Dữ liệu PAPI được coi là “mỏ vàng”. Đây là nguồn thông tin cực kỳ hữu ích cho nghiên cứu và vận động chính sách. Các cấp chính quyền có thể tìm kiếm và áp dụng giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy để người dân tin tưởng hơn vào chính quyền. Ngược lại, PAPI cũng là diễn đàn mở để người dân tham gia đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền.