Sau khi Bộ Y tế có văn bản 2348/BYT-KH-TC ngày 9/5/2022 về việc bãi bỏ công văn số 2009/BYT-KH-TC, các bệnh viện (BV) đã có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXHVN) nêu khó khăn vướng mắc nếu thực hiện theo công văn 2348.
Ngay lập tức, sáng 15/5, Bộ Y tế đã có phản hồi, theo đó, Bộ Y tế cho biết, sau công văn số 2009/BYT-KHTC ngày 12/4/2018 gửi BHXHVN về việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) trên máy mượn, máy đặt, ngày 2/10/2018, Bộ Y tế và BHXHVN đã thống nhất việc thanh toán tại Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXHVN.
Bộ Y tế cũng đã có công văn 6807/BYT-BH ngày 09/11/2018 sao gửi Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXHVN đến các đơn vị và địa phương.
Nội dung Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXHVN nêu rõ: “Thống nhất tiếp tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật (DVKT) thực hiện bằng các máy do đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn hoặc đặt theo kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật đấu thầu và hợp đồng đã ký; sau khi hết hợp đồng nếu tiếp tục thực hiện thì phải thực hiện theo quy định của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Các cơ sở KCB phải tuân thủ quy trình chuyên môn trong chỉ định sử dụng các dịch vụ”.
Bộ Y tế khẳng định “đến nay vẫn chưa có văn bản nào bãi bỏ Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXHVN. Như vậy, việc thanh toán BHYT đối với máy đặt, máy mượn hiện nay đang được thực hiện theo hướng dẫn tại công văn 6807/BYT-BH ngày 09/11/2018 của Bộ Y tế và không liên quan đến việc bãi bỏ công văn số 2009/BYT-KHTC.”
Bộ Y tế cho biết vẫn thanh toán BHYT các DVKT thực hiện ở các máy đặt, máy mượn tại BV |
Cũng ngày 15/5/2022. BHXHVN đã có văn bản cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại công văn số 2348/BYT-KH-TC, BHXHVN đã ban hành công văn số 1261/BHXH-CSYT ngày 12/5/2022 gửi BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng và BHXH Công an nhân dân về việc dừng thanh toán theo chế độ BHYT đối với chi phí DVKT thực hiện từ máy mượn, máy đặt từ các công ty trúng thầu vật tư hóa chất.
Cũng theo BHXHVN thì công văn số 2009/BYT-KH-TC của Bộ Y tế là văn bản hướng dẫn thanh toán các DVKT sử dụng máy mượn, máy đặt do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt. Công văn số 6807/BYT-BH của Bộ Y tế là văn bản sao gửi Thông báo kết luận cuộc họp giao ban giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, trong nội dung công văn không có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai thực hiện. Vì vậy, khi Bộ Y tế bãi bỏ Công văn số 2009/BYT-KH-TC, BHXH Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố dừng thanh toán theo chế độ BHYT đối với chi phí DVKT thực hiện từ máy mượn, máy đặt từ các công ty trúng thầu vật tư hóa chất.
Tuy nhiên, hiện nay, BHXH Việt Nam nhận được văn bản kiến nghị của nhiều cơ sở KCB, UBND tỉnh đề nghị tiếp tục được thanh toán chi phí DVKT thực hiện từ các máy mượn, máy đặt theo công văn số 2009/BYT-KHTC của Bộ Y tế đến hết hiệu lực của hợp đồng hiện tại.
Với quan điểm của BHXH Việt Nam là luôn đồng hành cùng các cơ sở KCB, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở KCB nhằm mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, do đó BHXH Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cho ý kiến về việc thanh toán chi phí KCB BHYT của các DVKT thực hiện bằng các máy do các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn hoặc đặt theo hợp đồng đã ký với cơ sở KCB.
Bên cạnh đó, BHXHVN cũng đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn kịp thời các đơn vị khẩn trương chuyển đổi từ hình thức mượn, đặt sang các hình thức quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ (cho, tặng; thuê; xác lập quyền sở hữu) đồng thời xác định lộ trình bắt buộc phải hoàn thành việc chuyển đổi hình thức nêu trên.
Tuy nhiên, theo các BV, việc BHXHVN yêu cầu các BV chuyển đổi các máy mượn sang hình thức sở hữu sẽ tiếp tục đặt ra nhiều vướng mắc, như việc định giá các máy móc, vì mỗi máy đặt ở thời điểm khác nhau, thời gian sử dụng khác nhau, đặc biệt là khi BV đã xác lập quyền sở hữu máy thì sau đó, nếu các công ty bán hoá chất tăng giá, BV vẫn buộc phải mua, mà không có cơ hội để tiếp cận các loại hoá chất có chất lượng tương đương với giá rẻ hơn.
Hơn nữa, nếu Bộ Y tế đã khẳng định “việc thanh toán BHYT đối với máy đặt, máy mượn đang thực hiện theo hướng dẫn tại công văn 6807/BYT-BH ngày 09/11/2018 của Bộ Y tế và không liên quan đến việc bãi bỏ công văn số 2009/BYT-KHTC”, thì việc gì các BV phải chuyển đổi cho phức tạp với lợi thế không thuộc về các BV và đương nhiên, cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân?
“Chuyển sang tặng, cho xác lập quyền sở hữu tức là BV không có lựa chọn mua hóa chất của hãng khác, vì hóa chất dùng cho hệ thống đóng, tức là máy nào hóa chất đó. Như vậy về sau, việc đấu thầu hóa chất chỉ là hình thức và vô ích, vì chỉ có hóa chất của máy đó hãng đó, mới mua và dùng được.” - Giám đốc một BV hạng đặc biệt cho biết.