Thực hư chuyện ốp điện thoại iPhone và Xiaomi chứa chất gây ung thư

VietTimes – Hôm 13/4 vừa qua, Hội bảo vệ người tiêu dùng Thẩm Quyến đã công bố một kết quả thử nghiệm với các mẫu ốp điện thoại của 28 nhãn hiệu smartphone phổ biến. Kết quả cho thấy một số mẫu có chứa chất gây ung thư. Nhưng sự thực có phải như vậy?
Một số vỏ ốp điện thoại chứa độc tố gây hại cho sức khỏe người dùng
Một số vỏ ốp điện thoại chứa độc tố gây hại cho sức khỏe người dùng

Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Thâm Quyến đã tiến hành thử nghiệm với 30 mẫu vỏ ốp điện thoại thông minh từ 28 nhãn hiệu smartphone phổ biến, trong đó có Apple, Xiaomi và Huawei. Cơ quan này đã phát hiện 7 mẫu ốp từ 5 hãng Apple, Xiaomi, Tiya, Yuening và Q-Guo có chứa một số chất độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép của châu Âu.

Ngay sau khi thử nghiệm này được công bố, hãng Xiaomi đã có phản biện. Đại diện của hãng này cho biết ở Trung Quốc hiện chưa có một tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn ngành nào liên quan đến việc sản xuất vỏ ốp điện thoại. Xiaomi cũng nói rằng tiêu chuẩn châu Âu mà Hội bảo vệ Người tiêu dùng Thẩm Quyến viện dẫn là để áp dụng cho sản phẩm đồ dùng và đồ ăn trẻ em, không nên áp dụng vào điện thoại di động.

Xiaomi đã công bố 15 chỉ số kiểm tra sản phẩm mà hãng này đã thực hiện để đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm. “Vỏ ốp điện thoại Xiaomi an toàn đối với người tiêu dùng”, đại diện hãng này tuyên bố.

Tuy nhiên, Hội bảo vệ Người tiêu dùng Thẩm Quyến đã bác bỏ lập luận của Xiaomi. Cơ quan này nói rằng việc áp dụng tiêu chuẩn châu Âu về các sản phẩm chăm sóc em bé cho vỏ điện thoại di động là phù hợp, bởi trẻ em có xu hướng cắn vào vỏ điện thoại nếu nó cầm trên tay, và việc áp dụng một tiêu chuẩn cao hơn là cần thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Thực hư chuyện ốp điện thoại iPhone và Xiaomi chứa chất gây ung thư ảnh 1 Điện thoại Xiaomi (ảnh: SCMP)

Các chất độc hại được tìm thấy trong các mẫu vỏ ốp điện thoại bao gồm dẫn chất dẻo hóa và hydrocarbon thơm đa vòng. Các chất này khi vào cơ thể có thể hủy hoại cơ quan bên trong, thậm chí có thể dẫn đến ung thư. Dẫn chất dẻo hóa (hay phụ gia làm dẻo) trong ốp điện thoại Xiaomi đạt mức 17%, cao hơn 170 lần so với mức cho phép của châu Âu là 0,1%.

Vỏ ốp điện thoại iPhone của Apple cũng chứa hàm lượng hydrocarbon thơm đa vòng nhiều hơn 50 lần so với tiêu chuẩn an toàn.

Trong khi đó, vỏ ốp các mẫu điện thoại của Huawei và Vivo đều an toàn trước các bài kiểm tra của Hội bảo vệ Người tiêu dùng Thẩm Quyến.

Cơ quan này cũng thống kê được có hai phần ba người tiêu dùng Trung Quốc mua vỏ ốp qua mạng, trong đó 90% số vỏ ốp có giá dưới 50 nhân dân tệ (181 nghìn đồng). Các mẫu ốp có đính đá và trang trí lóng lánh có hàm lượng chì cao gấp 1.550 lần tiêu chuẩn cho phép của châu Âu.

Các vỏ ốp của Xiaomi chủ yếu có giá dưới 50 nhân dân tệ, rẻ nhất là 9 nhân dân tệ. Vỏ ốp iPhone có giá 300 – 400 nhân dân tệ (1 triệu đến 1,5 triệu đồng), những chiếc đắt nhất có giá 788 nhân dân tệ (2,8 triệu đồng).