Thủ tướng: Thừa Thiên Huế cần phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sáng 6/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng tỉnh Thừa Thiên Huế 13 chữ: "Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững" để hoàn thành quy hoạch chung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Sáng 6/4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xúc tiến đầu tư năm 2024.

"13 chữ" cho Thừa Thiên Huế

Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các cơ quan, địa phương, đối tác đã phối hợp chuẩn bị chu đáo hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế và xúc tiến đầu tư của tỉnh; thể hiện tầm nhìn phát triển Thừa Thiên Huế được xây dựng một cách bài bản, lớp lang, chiến lược và dài hạn.

Tóm tắt quy hoạch chung tỉnh, Thủ tướng tặng địa phương 13 chữ: "Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững" với mong muốn Thừa Thiên Huế hoàn thành bản quy hoạch chung.

vt_thưa thien hue 5.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT trao quyết định phê duyệt Quy hoạch chung tỉnh Thừa Thiên Huế

Dành thời gian phân tích về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tạo ra những cơ hội lớn, tác động lâu dài, là động lực quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng. Tuy nhiên, trước đây do điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử của đất nước, công tác quy hoạch chưa làm được nhiều. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII tới nay, công tác này đã được tập trung đầu tư, đẩy mạnh thực hiện; công tác lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng được đẩy nhanh tiến độ và dự kiến trong năm 2024, sẽ hoàn thành tương đối toàn diện, đồng bộ, tổng thể các quy hoạch cấp Trung ương, các ngành, các địa phương.

Theo Thủ tướng, quy hoạch phải có vai trò dẫn dắt, định hướng, giúp phát triển đúng hướng nhanh, bền vững, toàn diện; giúp khai thác, sử dụng hiệu quả không gian: mặt đất, mặt nước - biển, không gian ngầm; quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể và bao trùm; quy hoạch phải đi trước một bước, đồng thời phải đảm bảo tính lớp lang, hệ thống, khoa học và từng bước thực hiện quy hoạch có hiệu quả. Bên cạnh đó, nếu có nhà tư vấn tốt thì sẽ có quy hoạch tốt, từ quy hoạch tốt sẽ dự án tốt, có dự án tốt thì sẽ có nhà đầu tư tốt, góp phần thực hiện quy hoạch hiệu quả.

vt_thưa thien hue 9.png
Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế

"Cần chú trọng 3 yếu tố quan trọng về tư tưởng chủ đạo trong công tác quy hoạch. Thứ nhất, luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần. Thứ hai, xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân. Thứ ba, quy hoạch phải phù hợp với xu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực, vùng, đất nước, thế giới", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Phạm Minh Chính cũng chỉ ra 5 nhiệm vụ của công tác quy hoạch mà Thừa Thiên Huế cần tập trung thực hiện. Trong đó, cần tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục; xây dựng danh mục các dự án, chương trình để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

Trở thành TP trực thuộc Trung ương vào năm 2025

Nói về quy hoạch chung tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết thời gian qua, địa phương đã tập trung lập các quy hoạch quan trọng mang tính trọng tâm với mục tiêu định hướng sự phát triển của tỉnh cho các giai đoạn tiếp theo.

Quá trình triển khai lập quy hoạch tỉnh đã bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển của Quy hoạch tổng thể Quốc gia; Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, các quy hoạch ngành, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị; đặc biệt là Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế để lập quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt, thống nhất trong các định hướng phát triển với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược dựa trên tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh khác biệt của tỉnh.

vt_thưa thien hue 8.png
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Cũng theo Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự hỗ trợ của các bộ, ban ngành Trung ương, của các địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học… đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc lập, trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Đây là 2 quy hoạch có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, tạo hành lang pháp lý trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, toàn diện và bền vững, tạo không gian phát triển mới, khơi thông nguồn lực và khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh khác biệt của tỉnh; từng bước tháo gỡ những “điểm nghẽn”, giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành TP trực thuộc Trung ương.

Tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương với đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

vt_thưa thien hue 1.png
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, phát biểu tại hội nghị

Là nhà đầu tư tại Thừa Thiên Huế, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, cho biết với vai trò là đối tác tin cậy của tỉnh Thừa Thiên Huế, doanh nghiệp sẽ đưa các thế mạnh dịch vụ về khách sạn, sân golf để góp sức vào sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bà Nga cho biết, dự kiến vào tháng 4/2024, Tập đoàn BRG sẽ hoàn thành khánh thành sân golf Golden Sands Golf Resort, góp phần tạo nên sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn và đẳng cấp để phát triển bên cạnh du lịch văn hóa, di sản truyền thống. Song song với phát triển tổ hợp sân golf, Tập đoàn BRG đang nghiên cứu để đầu tư khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 5 sao tại khách sạn Century Riverside bên bờ sông Hương (TP Huế) và sẽ được vận hành bởi các thương hiệu quản lý khách sạn hàng đầu thế giới.

vt_thưa thien hue 6.png
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trao chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp

“Cơ hội đầu tư vào Huế chưa bao giờ tốt như ngày nay. Quy hoạch được công bố, chính quyền tạo điều kiện nhiệt tình và sáng tạo, nhân dân ủng hộ hết mình và thời tiết rất thuận hòa. Với tình yêu Huế và mong muốn Thừa Thiên Huế sẽ trở thành một TP tuyệt đẹp của khu vực miền Trung và cả nước, cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi rất mong Thủ tướng và lãnh đạo Trung ương luôn quan tâm giúp đỡ đặc biệt để Thừa Thiên Huế phát triển xứng tầm, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh, hiện đại”, bà Nga chia sẻ.

Trong khuôn khổ hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 11.000 tỉ đồng và quyết định thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 10 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 110.000 tỉ đồng.

11 dự án được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao chứng nhận đăng ký đầu tư:

Dự án Trung tâm Logistics Chân Mây tại Khu cảng Chân Mây với tổng vốn đăng ký 1.512 tỷ đồng;

Dự án Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza tổng vốn đăng ký 2.186 tỉ đồng;

Dự án Cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A, B, C khu chung cư Đống Đa tổng vốn đăng ký 1.299 tỉ đồng;

Dự án Tổ hợp giáo dục FPT tổng vốn đăng ký 432,66 tỉ đồng;

Dự án Bệnh viện Quốc tế Huế tại khu E – Đô thị mới An Vân Dương tổng vốn đăng ký 817,234 tỉ đồng;

Dự án Trung tâm Dữ liệu số tổng vốn đăng ký 279,48 tỉ đồng;

Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Điền Lộc tổng vốn đăng ký 113 tỉ đồng;

Dự án Cụm Công nghiệp Điền Lộc 2 tổng mức đầu tư 93,59 tỉ đồng;

Dự án Nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm EON Industry Việt Nam với tổng vốn đăng ký 290,88 tỉ đồng;

Dự án Nhà máy sản xuất men frit công suất 150.000 tấn/năm có tổng vốn đăng ký 610 tỉ đồng;

Dự án Nhà máy sản xuất kính siêu trắng Đạt Phương có tổng vốn đăng ký 1.500 tỉ đồng.