Thừa Thiên Huế: 2 tháng đầu năm 2024 đón 611 nghìn lượt du khách, tăng 1,4 lần so với 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Từ đầu năm 2024 đến nay, Thừa Thiên Huế đón 611 nghìn lượt du khách, gấp 1,4 lần so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 304 nghìn lượt, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ.

Du khách xông đất tỉnh Thừa Thiên Huế trong ngày đầu năm Tết Giáp Thìn 2024
Du khách xông đất tỉnh Thừa Thiên Huế trong ngày đầu năm Tết Giáp Thìn 2024

Tổng thu từ du lịch của Thừa Thiên Huế ước đạt 1.157 tỉ đồng, gấp 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Riêng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, có khoảng 102 nghìn lượt khách đến Thừa Thiên Huế tham quan, doanh thu ước đạt 160 tỉ đồng, tăng 4,82% so với Tết Nguyên đán năm 2023.

Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Thừa Thiên Huế ước đạt 180,5 triệu USD, tăng 31,7%; kim ngạch nhập khẩu tăng 78,4% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 8.892 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ; nguồn cung các mặt hàng dồi dào, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng sốt giá trong dịp Tết.

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 70.500 tỉ đồng, tăng 1,9% so với cuối năm 2023; dư nợ cho vay đạt 1.779 tỉ đồng, giảm 2,42% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,6%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước tăng 1,7% so với tháng trước, tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2/2024 ước giảm 10,8% so với cùng kỳ, nguyên nhân giảm chủ yếu là do kỳ nghỉ Tết kéo dài đã làm gián đoạn quá trình sản xuất của các cơ sở công nghiệp; tính chung 2 tháng ước tăng 2,2% so với cùng kỳ, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 5,6%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3.239 tỉ đồng, bằng 9,5% kế hoạch, tăng 6% so với cùng kỳ. Thu ngân sách ước đạt 2.001 tỉ đồng, bằng 17% dự toán và tăng 3,8% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 1.819 tỉ đồng, bằng 11% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển 450 tỉ đồng, bằng 8% dự toán.

Tính đến ngày 29/2, toàn tỉnh có 87 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 855 tỉ đồng, giảm 19% về lượng và gấp 2,4 lần về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, đã cấp phép cho 10 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 3.250 tỉ đồng (trong đó có 5 dự án FDI với tổng vốn hơn 27 triệu USD).

Về giải ngân vốn đầu tư công, đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân được 463,416 tỉ đồng/6.257,879 tỉ đồng, đạt 7,4% kế hoạch.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình, kịp thời phối hợp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở công nghiệp. Tập trung đôn đốc, hỗ trợ các dự án sớm đi vào hoạt động tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp, trọng tâm là Nhà máy Kanglongda Huế, Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motor Huế.

Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường, phòng chống gian lận thương mại; chủ động và linh hoạt các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm đảm bảo sản xuất, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, nhất là thời điểm sau Tết Nguyên đán. Đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ Dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế,...

Về giải ngân vốn đầu tư công, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện đầu tư công năm 2024. Trong đó, tập trung theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh các thủ tục, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch, đặc biệt là các dự án quan trọng, trọng điểm, các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, các dự án chống sạt lở bờ biển, kè sông từ nguồn vốn khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở năm 2023.

Tiếp tục tập trung các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; đổi mới, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan quy hoạch, thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng,…để đảm bảo tính chủ động, sẵn sàng trong công tác kêu gọi, thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được cấp phép đầu tư.