Tại lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 vừa diễn ra hôm nay (19/10), Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, để tạo lập ra những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, cần phải bắt đầu nuôi dưỡng từ những ý tưởng, mô hình nhỏ nhất. Do đó, việc đẩy mạnh hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa khởi nghiệp và tinh thần doanh nhân, phát triển thế hệ trẻ có khả năng thích ứng, tương tác và chủ động trong bối cảnh toàn cầu là điều hết sức cốt yếu.
Đặc biệt, Thứ trưởng Tùng cho rằng cần trở thành nơi khuyến khích, hỗ trợ, ươm tạo, đầu tư cho các giải pháp đổi mới sáng tạo phục vụ cho chính các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cả cho khu vực công, giải quyết những bài toán kinh tế, xã hội đặc thù của không chỉ trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long mà còn trong khắp cả nước.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng muốn làm startup thì phải có ý tưởng khác biệt so với người khác và hãy hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo đó của mình bằng cách cùng bạn bè, cùng anh em, cùng đồng đội… để hình thành nên một doanh nghiệp. |
Về giải pháp hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Tùng bày tỏ sự cần thiết của việc thu hút sự tham gia các doanh nghiệp đã trưởng thành, các hiệp hội doanh nghiệp với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết giữa các địa phương, giữa các vùng, nhằm học tập, nhân rộng chính những mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đã có hiệu quả trong vùng, trong nước, của quốc tế.
Trao đổi về những xu hướng phát triển công nghệ trong các ngành tiềm năng như nông sản, thủy sản, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao Tập đoàn Qualcomm, nhận xét nông sản của Cần Thơ và khu vực còn chưa nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, hạn chế trong mở rộng ra thị trường quốc tế. Bà gợi ý, hiện Qualcomm có cộng đồng công ty nhỏ trong hệ sinh thái, Cần Thơ có thể kết nối các thành phần, hỗ trợ cùng phát triển. Đồng thời với Cần Thơ, Qualcomm có thể hỗ trợ chip trong các hoạt động giám sát sản xuất.
Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ TP. HCM chỉ ra các thách thức của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn tập trung nhiều ở năng lực nguồn nhân lực. Năng lực sáng tạo và phát triển kết quả sáng tạo; năng lực hấp thụ công nghệ và năng lực hiểu biết thị trường và kết nối hệ sinh thái.
Chính vì vậy, ông đề xuất tập trung xây dựng nền tảng Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo online, lấy đây làm cái gốc, là nền tảng để phát triển. Đặc biệt cân nhắc ưu tiên tái ươm tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lý giải cho quan điểm này, ông Tước cho rằng, thực tế, các doanh nghiệp tăng trưởng đến khoảng 50, 60 năm là sẽ bị tắc nghẽn, khó phát triển lên nhanh và cần giải phóng vùng tắc nghẽn đó.
Cùng với đó, theo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ TP. HCM. cần phải ký kết hợp tác với các trường đại học để phổ biến nhận thức; đồng thời nên chú trọng phát triển logistics, kinh tế sông và đường cảng biển./.