3 người thay khớp khuỷu thành công (Ảnh - Minh Thuý, BVCC)
3 người thay khớp khuỷu thành công (Ảnh - Minh Thuý, BVCC)

E-magazine Thoát đau đớn, 3 người viết tiếp cuộc đời mới nhờ kỹ thuật thay khớp khuỷu lần đầu có ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhờ thay khớp khuỷu, cuộc sống của 3 người bị chấn thương, mắc bệnh lý về khớp đã bước sang trang mới. 

Đau đớn vì tổn thương khớp khuỷu

Mặc dù bị chấn thương, mắc các bệnh lý về khớp khuỷu trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng chị In, chị Thảo và em Khánh lại phải trải qua cảm giác đau đớn giống nhau.

Trong hội thảo phẫu thuật thay khớp khuỷu và điều trị hạn chế vận động khuỷu do GS. TS. Trần Trung Dũng – Trưởng Phân môn Chấn thương Chỉnh hình Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật khớp - Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – chủ trì diễn ra vào sáng nay, 20/3 tại Hà Nội, ba bệnh nhân này đều có mặt với niềm hạnh phúc rạng ngời.

Với khuôn mặt gầy gò nhưng dễ mến, chị Nguyễn Thị In, 53 tuổi, sống ở Kinh Môn, Hải Dương, chia sẻ: “Trên đường đi làm, tôi bị một xe ô tô tải đâm phải, khiến tôi bị dập nát cánh tay, gãy xương bả vai, dập 2 phổi. Tôi được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng đến bệnh viện nào cũng khuyên tôi phải tháo khớp vì cánh tay tôi bị dập nát. Khi đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tôi đã được phẫu thuật để giữ lại cánh tay.

"Trong quá trình hồi phục hơn 1 năm, tôi đã gặp GS. TS. Trần Trung Dũng để được thay khớp khuỷu. Nhờ đó, sau 2 năm không thể vận động cánh tay, nay tôi đã tự bưng được bát cơm, buộc tóc, thậm chí là lái xe máy đi làm trở lại”.

Chị In trên bàn mổ chuẩn bị được thay khớp (Ảnh - BVCC)

Chị In trên bàn mổ chuẩn bị được thay khớp (Ảnh - BVCC)

Tâm sự với PV VietTimes, chị In tiết lộ: “Thực ra mặt mũi tôi không xinh nhưng dáng dấp đẹp. Sau tai nạn, do cơ thể và cánh tay bị chấn thương nặng nên mọi người đã gọi tôi bằng biệt danh là “In khoèo”. Khi biết bản thân bị đặt biệt danh như vậy, tôi không tủi thân hay buồn vì ở ngoài kia còn có những người bị tai nạn, chấn thương nặng hơn tôi mà vẫn lạc quan, vui sống. Vì thế, tôi luôn cố gắng giữ cho mình sự lạc quan, không áp lực để chữa trị thành công”.

Theo chị In, chi phí cho ca phẫu thuật thay khuỷu tay trái của chị mất khoảng 200 triệu. Tuy nhiên, nhờ sợ giúp đỡ của GS. TS. Trần Trung Dũng cùng bảo hiểm, chị In đã được hỗ trợ tới 70% chi phí phẫu thuật.

Cũng gặp vấn đề về khớp khuỷu nhưng khác với chị In, chị Thảo, 33 tuổi, sống ở Hà Nội bị tật ở khuỷu tay bẩm sinh. Khi còn nhỏ, gia đình chị Thảo phát hiện ở khuỷu tay chị có một đoạn xương nhô ra ngoài khiến tay có hình dáng kỳ lạ nhưng chức năng hoạt động của tay vẫn bình thường. Đến năm chị Thảo 6 tuổi, sau khi khám ở một bệnh viện lớn, chị Thảo được mổ để cắt phần nhô ra ở khớp gây mất thẩm mỹ.

Tuy nhiên, sau mổ 2 khớp ở khuỷu tay chị Thảo bị dính lại. Từ năm 1994 đến năm 2000, chị Thảo đã trải qua 4 cuộc phẫu thuật khác nhau để phục hồi chức năng khớp khuỷu tay nhưng không thành công và khớp tay của chị đã bị cứng hoàn toàn, không thể co duỗi được.

Chị Thảo, 33 tuổi, sống ở Hà Nội (Ảnh - Minh Thuý)

Chị Thảo, 33 tuổi, sống ở Hà Nội (Ảnh - Minh Thuý)

Chị Thảo chia sẻ: “Trong quá trình phẫu thuật điều trị khớp khuỷu tay, tay tôi còn mọc thêm 1 khối u khiến cổ tay không thể vận động. Để chữa trị, gia đình đã đưa tôi đi khắp nơi, thậm chí còn sang Anh để khám ở một bệnh viện nổi tiếng nhưng họ khuyên không nên can thiệp.


"Thời điểm đó, tôi đã có suy nghĩ chấp nhận sống chung với cổ tay bị cứng và khớp khuỷu bị cứng suốt cả cuộc đời. May mắn, vào cuối tháng 8/2020, tình cờ đọc được bài báo về ca thay khớp khuỷu của GS. TS. Trần Trung Dũng, tôi đã quyết định tìm đến với bác sĩ để chữa trị”.

Cánh tay chị Thảo sau phẫu thuật (Ảnh - Minh Thuý)

Cánh tay chị Thảo sau phẫu thuật (Ảnh - Minh Thuý)

Ngay sau đó, chị Thảo đã được chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp, kiểm tra chức năng cơ sau 26 năm khuỷu tay bị cứng. Sau khi kiểm tra, phát hiện cơ gấp ở khuỷu tay còn hoạt động nên GS. TS. Trần Trung Dũng đã lên phương án phẫu thuật thay khớp khuỷu cho chị. "Sau mổ 3 ngày, tôi được kiểm tra khớp và luyện tập để khớp khuỷu hoạt động bình thường. Hiện, tôi vẫn đang tiếp tục luyện tập phục hồi khớp, cố gắng co duỗi để cánh tay có thể hoạt động trở lại bình thường" - chị Thảo kể.

Anh Châu Thái Khánh, 19 tuổi, sống ở Bắc Ninh cũng gặp phải vấn đề ở khớp khuỷu như chị In và chị Thảo, do bị chấn thương nặng sau khi ngã xe vào cuối tháng 11 năm ngoái.

Em Châu Thái Khánh, 19 tuổi, sống ở Bắc Ninh (Ảnh - Minh Thuý)

Em Châu Thái Khánh, 19 tuổi, sống ở Bắc Ninh (Ảnh - Minh Thuý)

Sau tai nạn, anh Khánh được mổ ở Bệnh viện Quân Y 110 nhưng không hiệu quả. Qua lời giới thiệu của chị In, Khánh đã tìm đến GS. TS. Trần Trung Dũng để chữa trị. Sau khi được thay khớp khuỷu mới, tay Khánh đã hoạt động bình thường, có thể cầm, nắm, co, duỗi,… như chưa hề gặp tai nạn.

Kỹ thuật mới lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam

Theo GS. TS. Trần Trung Dũng, thay khớp khuỷu là kỹ thuật mới, lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam cách đây 2 năm. Ca đầu tiên áp dụng kỹ thuật này là một bệnh nhân bị u tế bào khổng lồ ở đầu dưới xương cánh tay. Khi đó, gần như các giải pháp truyền thống không thể điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Vì thế, các bác sĩ đã ứng dụng kỹ thuật thay khớp khuỷu để giúp bệnh nhân có thể sinh hoạt hàng ngày trở lại.

GS. TS. Trần Trung Dũng – Trưởng Phân môn Chấn thương Chỉnh hình Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật khớp và Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Ảnh - Minh Thuý)

GS. TS. Trần Trung Dũng – Trưởng Phân môn Chấn thương Chỉnh hình Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật khớp và Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Ảnh - Minh Thuý)

Đến nay, đã có 10 ca thay khớp khuỷu được phẫu thuật thành công 100% với nhiều tổn thương khác nhau. Điển hình là trường hợp của chị In bị dập nát toàn bộ cánh tay, từng phải mổ 5, 6 lần ở 2 bệnh viện Trung ương vì cánh tay mất da, phải vá da. Sau đó, khuỷu tay của chị bị cứng đến mức mọi người gọi chị là “In khoèo”. Tuy nhiên, sau khi được thay khớp khuỷu, biệt danh đó đã biến mất, cánh tay chị đã trở về trạng thái bình thường.

Còn trường hợp của chị Thảo, GS. TS. Trần Trung Dũng cho hay: Chị đã chữa bệnh suốt 26 năm vì bị dị tật ở tay khiến cánh tay bị cứng, dính. Chị Thảo đã đi khắp nơi để chữa trị nhưng gần như vô vọng, thậm chí chị còn sang Anh, đến một bệnh viện nổi tiếng chuyên về chấn thương chỉnh hình nhưng họ vẫn không thể làm gì. Tuy nhiên, với công nghệ 3D cùng kỹ thuật thay khớp khuỷu, tôi cùng các bác sĩ đã in lại xương của chị Thảo bằng công nghệ 3D, chế tạo ra một khớp riêng với kích thước nhỏ hơn bình thường để chị Thảo có thể phục hồi khớp khuỷu, có thể cử động tay như người bình thường.

Hội thảo phẫu thuật thay khớp khuỷu, điều trị hạn chế vận động khuỷu (Ảnh - Minh Thuý)

Hội thảo phẫu thuật thay khớp khuỷu, điều trị hạn chế vận động khuỷu (Ảnh - Minh Thuý)

Ngoài chị In và chị Thảo, rất nhiều người bị di chứng sau chấn thương vùng cứng như anh Khánh. Sau tai nạn ngã xe, khớp khuỷu của anh bị cứng toàn bộ khiến không thể duỗi tay, cầm thìa để ăn cơm. Mặc dù Khánh đã được mổ ở một bệnh viện ngoại khoa lớn để giải phóng khớp khuỷu nhưng không thành công vì sụn khớp bị tổn thương. Điều này đã khiến gia đình Khánh vô cùng lo lắng. May mắn, khi tìm đến với GS. TS. Trần Trung Dũng, Khánh đã được điều trị thành công nhờ thay khớp khuỷu. Sau phẫu thuật, tay của anh đã cử động bình thường, vượt ngoài mong đợi của gia đình Khánh.

Theo GS. TS. Trần Trung Dũng, khó khăn lớn nhất mà các bác sĩ phải đối mặt khi phẫu thuật thay khớp khuỷu cho 3 bệnh nhân trên chính là việc thiết kế một khớp riêng phù hợp với từng bệnh nhân, theo tổn thương của từng người bệnh. Để khắc phục khó khăn này, công nghệ in 3D (chụp, dựng khớp, in khớp bằng hợp kim Titan - vật liệu y sinh hoạc kim loại) chính là biện pháp hiệu quả nhất để chữa trị cho người bệnh.

Bệnh nhân được chỉ định thay khớp khuỷu là những người bị tổn thương khớp khuỷu do chấn thương (khuỷu bị cứng, mất khả năng vận động – bị dính, 2 xương thành 1 khối, mất đoạn xương, mất cấu trúc khớp) hoặc mắc bệnh lý (u do ung thư). Tính đến thời điểm hiện tại, chi phí để thay khớp khuỷu cho người bệnh cao nhất là khoảng 100 triệu – người dân hoàn toàn có thể tiếp cận được.

Có thể thấy kỹ thuật thay khớp khuỷu không chỉ giải quyết bài toán khó nhất trong phẫu thuật về khớp khuỷu, mà còn bắt kịp xu hướng điều trị cá thể hoá của thế giới – mỗi bệnh nhân có một khớp riêng. Hiện, thế giới mới chỉ mổ gần 4.000 ca về khớp khuỷu, chủ yếu tập trung ở các nước phát triển, nhiều nhất là ở Mỹ, nhưng Việt Nam đã triển khai thành công và với chi phí hợp lý, cho thấy tài năng và trình độ của các bác sĩ Việt không hề thua kém thế giới.