Thông tin này được ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ TT&TT) chia sẻ tại Hội thảo Thành tựu và Định hướng phát triển ngành TT&TT, vừa diễn ra hôm qua (16/8).
Trong đó, Viễn thông, hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet của Việt Nam được đánh giá là phát triển hiện đại, bao trùm rộng khắp, băng rộng tốc độ cao, hoạt động ổn định. Với việc phóng thành công 02 vệ tinh lên quỹ đạo trái đất, Việt Nam đã ghi tên mình vào danh sách các nước đã có chủ quyền trên quỹ đạo vệ tinh và kết cấu hạ tầng thông tin của Việt Nam đã được đảm bảo bằng tất cả các hình thức liên lạc tiên tiến hiện đại nhất thế giới. Tỷ lệ phủ sóng thông tin di động đạt 95% diện tích, tổng băng thông kênh kết nối quốc tế đạt 1.450Mb/s, tăng hơn 12 lần so với năm 2010.
Đồng thời, Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường viễn thông có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới trong suốt 10 năm qua. Đến nay, tổng số thuê bao điện thoại hiện có khoảng trên 131 triệu máy (trong đó: di động chiếm 94,86%, cố định: chiếm 5,14%), cao gấp 10 lần so với năm 2005; mật độ điện thoại đạt khoảng 140 máy/100 dân; tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng đạt 6,5 thuê bao/100 dân, cao gấp gần 2 lần so với năm 2010, cao gấp 30 lần so với năm 2005.
Tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng di động đạt 36,6 thuê bao/100 dân; toàn quốc có trên 58 triệu người sử dụng Internet, tỷ lệ người sử dụng Internet đạt trên 50% dân số, cao gấp 1,7 lần so với năm 2010, hằng năm Doanh thu Viễn thông đạt khoảng 17 tỷ USD, cao gấp gần 2 lần so với năm 2010, cao gấp gần 10 lần so với năm 2005, lợi nhuận hằng năm khoảng 2,5 tỷ USD/năm, nộp ngân sách nhà nước 60.000 tỷ đồng/năm.
Công nghiệp CNTT đang trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện hằng năm đạt hơn 32 tỷ USD, tăng gấp 9 lần so với năm 2010 và kim ngạch xuất khẩu máy tính, điện tử và linh kiện đạt 14 tỷ USD, tăng gấp 4,5 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng của ngành từ 20 - 30%/năm.
Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cũng như trong công tác chuyên môn ở các cơ quan nhà nước tiếp tục được cải thiện, rút ngắn khoảng cách, thời gian và nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước đối với người dân và doanh nghiệp; hạ tầng ứng dụng CNTT tiếp tục được phát triển và hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các ứng dụng CNTT. Tỉ lệ trung bình cán bộ, công chức tại các Bộ, ngành được trang bị máy tính phục vụ công việc đạt khoảng 90%; tỷ lệ máy tính kết nối Internet đạt trên 90%; tất cả các cơ quan nhà nước có mạng nội bộ phục vụ công việc. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước được triển khai hoàn thành giai đoạn 2 đã kết nối được tới các Sở, ban hành quận, huyện.
Lĩnh vực báo chí, hiện cả nước có 845 cơ quan báo chí in và với trên 1.000 ấn phẩm báo chí; 98 báo điện tử; 66 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương với tổng số 182 kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá (gồm: 105 kênh chương trình truyền hình quảng bá, 77 kênh chương trình phát thanh, quảng bá). Diện tích phủ sóng phát thanh đạt 99,5% lãnh thổ, diện tích phủ sóng truyền hình mặt đất đạt hơn 90% diện tích lãnh thổ.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhận định, từ một ngành lạc hậu về kỹ thuật, thiếu thốn về cơ sở vật chất và nhiều hạn chế trong quản lý, kinh doanh, trải qua các giai đoạn phát triển, đến nay, Ngành TT&TT đã trở thành một Ngành: Vững về chính trị, mạnh về kinh tế; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới; có tốc độ phát triển cao về quy mô, doanh thu và thị trường; có tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước lớn.
"Ứng dụng CNTT-TT đang làm “thông minh hóa” nhiều lĩnh vực như nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, nhà thông minh… cho đến đô thị thông minh hay quốc gia thông minh. Có thể nói, sự hội tụ của cả 5 lĩnh vực của Ngành, trong đó lấy CNTT-TT làm nền tảng, đang diễn ra rất mạnh mẽ, mang đến nhiều cơ hội nhưng mặt khác cũng tạo ra những thách thức không nhỏ cho công tác quản lý nhà nước như đảm bảo an toàn thông tin, chất lượng thông tin phù hợp lợi ích của xã hội, bảo vệ thông tin cá nhân và chủ quyền số quốc gia…", Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đánh giá.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu